Một điểm bán đồ ăn chín trên địa bàn phường Phương Lâm (TPHB) ngay sát lòng đường, thiếu dụng cụ che chắn.

Một điểm bán đồ ăn chín trên địa bàn phường Phương Lâm (TPHB) ngay sát lòng đường, thiếu dụng cụ che chắn.

(HBĐT) - Sơ sài, bụi bặm, thiếu ngăn nắp. Đó là những cảm nhận ban đầu khi thoáng nhìn những quầy bán thực phẩm chín, thức ăn, đồ uống làm sẵn tại các điểm chợ nông thôn, khu vực trung tâm các phường, xã, thị trấn. Theo phân cấp, UBND cấp xã có trách nhiệm QLNN về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong phạm vi địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã có thể phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về ATTP. Trên thực tế, công tác quản lý VSATTP tuyến xã còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng trạm y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo ATVSTP phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) cho biết: Việc quản lý ATVSTP trên địa bàn phường vẫn được thực hiện thường xuyên. Hàng năm phường đều tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra về vấn đề này. Tuy nhiên, việc kiểm tra hầu như không xử phạt mà chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền. Trên địa bàn phường hiện có 44 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý của phường, đây là những hộ có giấy phép kinh doanh. Ngoài ra còn các trường hợp như bán cháo, xôi ở vỉa hè, xe đẩy thức ăn không thống kê nhưng vẫn nắm để quản lý và hầu hết đối tượng này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khoẻ.

 

Cũng trong tình cảnh tương tự, bà Đinh Thị Mịn, Trưởng trạm y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo ATVSTP thị trấn Cao Phong (Cao Phong) cho biết: Việc kiểm tra về ATVSTP vẫn được tiến hành tập trung vào các thời điểm như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu nhưng cũng chỉ nhắc nhở tuyên truyền là chính, thời gian qua chưa xử phạt trường hợp nào. Hiện trên địa bàn có hơn 40 hộ kinh doanh thực phẩm, chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Khi kiểm tra chủ yếu kiểm tra hộ kinh doanh có đảm bảo yêu cầu về thủ tục hành chính như có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe của người kinh doanh, điểm kinh doanh có đảm bảo vệ sinh môi trường, hộ kinh doanh có tham gia các lớp tập huấn về VSATTP hay không, còn để kết luận thực phẩm có bảo đảm ATTP không thì không có căn cứ, cơ sở vì không có thiết bị kiểm tra.

 

Qua tìm hiểu cho thấy, việc kiểm tra ATVSTP ở tuyến xã, phường, thị trấn chủ yếu bằng cảm quan do thiếu thiết bị và người làm công tác chuyên môn. Thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP đều kiêm nhiệm, hoạt động mua bán phần lớn diễn ra vào sáng sớm và cuối giờ chiều, buổi tối, ban đêm nên việc tổ chức đoàn kiểm tra gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách về ATVSTP cơ bản không được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Kinh phí để thực hiện công tác ATVSTP cũng hạn hẹp. Qua tìm hiểu tại một số đơn vị, ngoài việc cắt băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền ra thì không tổ chức thêm hoạt động gì vì không có kinh phí. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng trạm y tế, Phó Ban chỉ đạo ATVSTP phường Phương Lâm, mặc dù công tác quản lý Nhà nước đúng là còn những bất cập, khó khăn nhưng cũng phải nói đến ý thức của người kinh doanh và chính người tiêu dùng cũng cần phải được nâng lên. Bản thân người kinh doanh cần chấp hành đúng quy định vì thực tế đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ những quy định đó không phải là quá khó để không thực hiện được như chỗ bày bán thức ăn cần sạch sẽ, cách biệt các nguồn ô nhiễm, đeo tạp giề, găng tay khi chế biến thức ăn, có dụng cụ che chắn thức ăn không để bụi bẩn, tham gia đầy đủ các đợt tập huấn, khám sức khoẻ. Người tiêu dùng không tiếp tay cho những hành vi buôn bán không đúng quy định như không mua hàng ở những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh, buôn bán ngay vỉa hè, lòng đường.

 

Bà Hoàng Thị Thuỷ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo quy định, trách nhiệm QLNN về ATTP được thực hiện phân cấp theo thẩm quyền, đối với tuyến cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Về phía ngành y tế theo hệ thống ngành dọc, công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động trong lĩnh vực này vẫn được triển khai thường xuyên đến cơ sở. Để thực hiện hiệu quả chính quyền cơ sở cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong quản lý ATTP tại địa bàn mình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người SX-KD chấp hành nghiêm quy định của nhà nước về ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, buôn bán vì sức khoẻ của người dân và cộng đồng.

 

 

 

                                                                                       Hà Thu

 

 

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục