Các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn thường gặp gỡ để ôn lại kỷ niệm sâu sắc về một trong những trận chiến ác liệt nhất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Trận chiến 81 ngày đêm giằng co từng mét đất giữa bom rơi, đạn nổ vẫn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như người dân Hòa Bình, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Các cựu chiến binh tỉnh Hòa Bình tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972 ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên về một thời hoa lửa.

Đại tá Bùi Hữu Ngạn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh là nhân chứng lịch sử tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972. Lên đường nhập ngũ đúng vào ngày 19/5/1971 - sinh nhật Bác Hồ, với khí thế hào hùng của cả dân tộc hành quân vào chiến trường. Sau thời gian huấn luyện tại huyện Yên Thủy, ông cùng các chiến sỹ được bổ sung vào Sư đoàn 308. Hàng trăm thanh niên tỉnh Hòa Bình khi đó đã vinh dự tham gia chiến trường Quảng Trị vào "mùa hè đỏ lửa" 81 ngày đêm. Đó là một thời hoa lửa trên mảnh đất Quảng Trị - cuộc chiến khốc liệt và thần thánh. Ông Ngạn được bố trí vào bộ binh, Đại đội cối 82. Khẩu pháo nặng gần 1 tạ, 5 chiến sỹ phải cố gắng kéo pháo vào trận địa, vừa phải kéo vừa đào hầm sâu khoảng 2m. Trên chiến trường, địch và ta cùng trút hỏa lực, cả bầu trời bị xé toạc. Máy bay địch rải bom hủy diệt từng đợt, rồi đến pháo bắn liên tiếp. Khi hết một đợt trút hỏa lực, cả vùng thuốc súng mù mịt, người nào may mắn còn sống cũng đen như công nhân lò than. Dưới làn mưa bom, bão đạn, bộ đội ta vẫn tiếp tục đào hầm, giữ trận địa. Không một ngày nào tiếng súng ngơi nghỉ. 81 ngày đêm không chỉ là con số, đó là một bản hùng ca, khúc bi tráng của dân tộc Việt Nam. Dù bao năm đã trôi qua, Thành cổ Quảng Trị vẫn luôn là nơi linh thiêng, triệu trái tim người dân Việt Nam tìm về để tưởng nhớ, tri ân và tiếp bước.

Ông Bùi Mãnh Liệt, Chủ tịch Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hòa Bình xúc động nhớ lại: Trong chuỗi ngày hành quân đi bộ, đi tàu, lội suối, vượt sông Quảng Bình, Quảng Trị, dùng ba lô bọc nilon làm phao vượt sông Bến Hải, tôi làm nhiệm vụ trinh sát thông tin cho trung đoàn xây dựng kế hoạch đánh địch. Chiến trường ác liệt, địch cho máy bay quần thảo, cứ 15 phút dội bom một lần; súng đạn, khói lửa như nát cả bầu trời. Khi đơn vị trinh sát vào Đông Hà - Quảng Trị, đoàn đang ở khe suối, bom, đạn pháo, thuốc súng dội xuống, nhiều chiến sỹ thuộc Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 hy sinh, gồm cả chính ủy và trung đoàn trưởng. Có những đợt máy bay trực thăng của ngụy quân bị ta bắn rơi, phi công địch tử vong, các máy bay khác tìm kiếm, tất cả anh em cùng chĩa súng AK lên trời tạo thành mưa đạn bắn thêm được một chiếc trực thăng. Trong quá trình làm nhiệm vụ tại Đài quan sát 31, bom địch dội trúng cửa hầm, tôi bị đất, đá vùi lấp, may mắn đồng đội kịp thời cứu ra. Đợt bom địch dội ở khe suối, nhiều chiến sỹ của tỉnh Hòa Bình hy sinh. Mật độ bom đạn rất cao và kéo dài nên hầu hết bộ đội Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tử trận trong Thành cổ Quảng Trị đều bị vùi lấp. Nơi đây đã được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng...

Từ ngày 28/6 - 16/9/1972, nơi mảnh đất chỉ vỏn vẹn hơn 2km² - Thành cổ Quảng Trị phải oằn mình gánh chịu hàng vạn tấn bom đạn. Mỗi mét vuông nơi đây ước tính phải chịu tới 200kg bom đạn. Mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu và mồ hôi của hàng ngàn chiến sĩ Quân giải phóng - những người lính tuổi mười tám, đôi mươi đã ngã xuống với khát vọng giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Vẫn vang vọng những câu thơ xúc động: "Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, nhất là thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại: "Thành cổ ơi, mảnh đất thiêng liêng/ Mỗi tấc đất nơi đây là một anh hùng/ Mỗi giọt máu đổ xuống là một bản tình ca đỏ/ Cho một Việt Nam mãi mãi trường tồn".

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị một lần nữa khẳng định Mỹ - ngụy không thể thắng ở Quảng Trị và ở Việt Nam. Đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Chúng ta có tình đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng trước quân xâm lược. Thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 cùng với thắng lợi của trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972 đã buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.


 Lê Chung


Các tin khác


Mở đường - mở kỳ vọng mới: Bài 3 - Mở đường - góp phần kiến tạo tương lai

Nếu như trước đây, muốn lên Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) phải vượt dốc trơn như đổ mỡ. Ở Đà Bắc, có những xóm mà trời mưa là thành… ốc đảo, cả một đoạn đường sau mưa cuộn lên những hòn đá to lổn nhổn. Nhưng rồi đường về đã mở. Tưởng như mới đây thôi, ấy vậy mà những con đường xấu đã trở thành một phần trong ký ức. Những tuyến bê tông, đường nhựa cắt ngang sườn núi, cầu mới nối hai bờ sông, người dân phấn khởi khi cả vùng cao như sáng đèn. Từ đây, con đường đến trường của con trẻ gần hơn, nông dân có cơ hội trao đổi hàng hóa, giao thương để phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, nhiều lao động địa phương không cần phải "tha hương” để mưu sinh, khi đã có những hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp tìm về cắm trụ với niềm tin - vùng khó sẽ vươn lên.

Tỏa ngát hương thơm vườn hoa “nghìn việc tốt”: Bài 1 - Nhặt được của rơi trả người đánh mất - khi mầm thiện được gieo trồng từ lúc măng non

Cách đây 62 năm, thực hiện lời Bác Hồ dạy "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, nguyên giáo viên Tổng phụ trách đội Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh) trong quá trình đi trồng cây cùng học sinh đã nảy ra sáng kiến, phát động phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ",  gọi tắt là "Nghìn việc tốt".  

Hân hoan niềm tự hào

Những ngày tháng Tư, không khí hào hùng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hòa cùng cả nước, người dân thành phố Hòa Bình cũng thể hiện tình yêu nước bằng những hành động ý nghĩa và thiết thực. Trong những hành động ấy, dù nhỏ bé hay lớn lao đều chứa đựng niềm hân hoan của tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và khát vọng hoà bình. 

Mở đường - mở kỳ vọng mới: Bài 2 - Đánh thức những tầng địa mạch

Có những con đường không chỉ mở qua núi, mà mở cả vận mệnh một vùng đất. Những mũi khoan thăm dò đầu tiên vang lên giữa sương mù Tây Bắc như gọi dậy những tầng địa mạch đã ngủ yên bao đời trong lòng đá. Hòa Bình đang chứng kiến một cuộc chuyển mình ngoạn mục, nơi mà hạ tầng giao thông không còn là khái niệm quy hoạch - mà trở thành thực thể sống, len lỏi đến từng xóm núi, bản sâu, từ thành phố bên sông Đà tới những sườn đèo Hang Kia, Cun Pheo.

Mở đường - mở kỳ vọng mới: Bài 1 - Tư duy mở đường, tầm nhìn mở lối

Trong 5 năm qua, hàng loạt con đường đã được nối dài. Những cây cầu vươn mình qua sông, qua suối, phá thế chia cắt của núi rừng Hòa Bình. Từ cao tốc hiện đại đến các tỉnh lộ xuyên qua bản làng, mỗi công trình giao thông mang trong mình một sứ mệnh: mở đường để phát triển, khai mở tương lai cho một vùng đất từng nhiều năm "đứng sau". Phía sau những con số hàng nghìn tỷ đồng đầu tư là sự chuyển mình từ tầm nhìn chiến lược - giao thông đi trước một bước. Chủ trương ấy không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng, mà còn thổi luồng sinh khí mới đến các vùng quê, từ miền núi đến đô thị. Đường mở, đời sống khởi sắc, du lịch có cơ, đầu tư có lối - Hòa Bình bước vào giai đoạn phát triển mới với hạ tầng giao thông làm lực đẩy.

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài cuối: Ta xây lại đất nước đẹp hơn

Những ngày tháng Tư năm 2025, mỗi người con đất Việt đều cảm nhận giá trị thiêng liêng của non sông một dải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục