Người dân xã Tự Do từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng thu nhập ổn định đời sống.

Người dân xã Tự Do từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng thu nhập ổn định đời sống.

(HBĐT) - Sau Tết Quý Tỵ, chúng tôi có dịp trở lại Tự Do. Đường lên trung tâm cụm xã của 3 xã vùng cao huyện Lạc Sơn gồm Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, tuy còn nhiều đoạn cua gấp nhưng đi lại khá thuận tiện vì mặt đường đã được thảm nhựa và cứng hóa bằng bê tông khá phẳng phiu. Từ Ngọc Lâu xuống Tự Do, mặc dù chưa đầy 10 km nhưng với bất cứ ai phải vượt qua chặng đường này cũng là một thử thách lớn, nhất là vào những ngày trời mưa, khiến mặt đường luôn trong tình trạng lầy lội, trơn trượt.

 

Đúng vào ngày trời mưa lâm thâm nên phải mất gần một tiếng, xe chúng tôi cũng “bò” được đến xóm Kháy, trung tâm xã. Trên đường đi, chúng tôi gặp những thầy, cô giáo, ai nấy đều lấm lem bùn đất. Thật đáng trân trọng vì yêu nghề, mến trẻ để “đưa cái chữ về bản” và đường xa, đường xấu, họ chỉ được xum họp với người thân vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Những ngày thường đành “góp gạo thổi cơm chung” tại nhà công vụ. Dù sao, bước khởi đầu tuy gian nan nhưng là dịp để chúng tôi được chia sẻ với người dân ở vùng đất còn nhiều khó khăn này. 

   

Xã Tự Do có 562 hộ, trên 2.400 nhân khẩu với 98,2% là người dân tộc Mường. Qua các xóm Mòn, Kháy, Khướng, Sát Thượng, Tren, Trên, Mu, Chơ, Rỳ... ngắm nhìn những nếp nhà sàn, gặp gỡ chuyện trò với các mẹ, các chị, chúng tôi cảm nhận người dân Tự Do gần như vẫn giữ trong mình nguyên vẹn những phong tục, nếp sống, bản sắc của đồng bào dân tộc Mường trên vùng đất Mường Vang. Đó là sự chân tình, mộc mạc, bộc trực, thẳng thắn và vô cùng hiếu khách.  Chắc hẳn, những nét đẹp văn hóa truyền thống với những lời ca, điệu múa trong âm thanh rộn ràng, trầm hùng của dàn chiêng cổ. Nếp sinh hoạt với “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” cùng những hình ảnh rất đặc trưng “trâu đeo mõ, chó trèo thang” và cảnh quan thiên nhiên còn được giữ gìn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Pù Luông đã tạo Tự Do thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài. Chả thế mà năm 2012, Tự Do đứng đầu các xã của huyện Lạc Sơn về phát triển du lịch, xã đã đón tiếp 71 đoàn với 564 lượt khách. Trong đó có 386 khách nước ngoài với doanh thu đạt 400 triệu đồng.

      

Cùng với bước khởi sắc về du lịch văn hóa và sinh thái, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ các Chương trình 135, 167, Dự án giảm nghèo... KT-XH, cơ sở hạ tầng của Tự Do cũng có tiến triển tích cực. Trong 3 năm (2010-2012) có 104 hộ được hỗ trợ trên 873 triệu đồng làm nhà ở. Hàng chục hộ ở các xóm Trên, Mòn, Khướng, Sát Thượng được hỗ trợ trên 124 triệu đồng để khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người dân các xóm Tren, Chơ, Sát, Rỳ được hỗ trợ gần 125 triệu đồng để phát triển nuôi bò, lợn. Nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng. Ngoài ra còn được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn đầu tư sản xuất... Người dân Tự Do cũng biết phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế. Hiện cả xã có tới 115 tổ ong, một số hộ đang đầu tư nuôi động vật hoang dã như don, nhím. Ngoài các cây trồng chính như lúa, ngô, sắn, mấy năm gần đây, diện tích các loại cây như lạc, đậu, khoai từng bước được mở rộng. Tuy nhiên, Tự Do vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng xuống cấp của tuyến đường liên xã đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông. Đến nay, toàn xã mới có 68% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia nên cũng tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống. Vì vậy, Tự Do là một trong những xã có số hộ nghèo cao nhất huyện Lạc Sơn với tỷ lệ tới 65%, thu nhập bình quân hiện mới chỉ đạt 8,6 triệu đồng/người/năm.

      

Một ngày ở Tự Do, tiếp xúc với cấp ủy, chính quyền và người dân ở các thôn, bản đã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc về sự mộc mạc, chân tình, của cán bộ, dân cư xã ở đặc biệt khó khăn này. Qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP năm 2012 của UBND xã và cách giải thích của cán bộ và dân cư trên địa bàn về những vấn đề mà chúng tôi quan tâm càng thể hiện rõ cấp ủy, chính quyền và người dân Tự Do rất thẳng thắn trong phê bình, tự phê bình, không ngại ngần trong việc góp ý, đánh giá những tồn tại, vướng mắc đối với cán bộ, đảng viên và những vấn đề liên quan đến sản xuất, đời sống. Không vì thành tích mà bao che, giấu giếm những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, một điều không phải ở đâu cũng có được. 

      

Đơn cử một vài ví dụ. Khi biết diện tích tự nhiên của xã trên 5.056 ha, nhưng đất canh tác chỉ chiếm 5,2%, còn lại 91,8% là đất lâm nghiệp và đất phi nông nghiệp, chúng tôi hỏi công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã có khó khăn lắm không? nhận được câu trả lời khá bất ngờ: “Việc quản lý, bảo vệ rừng của xã chưa chặt chẽ, tệ khai thác, vận chuyển gỗ lậu xảy ra triền miên. Nguyên nhân do quản lý không đồng bộ, ý thức chấp hành của người dân yếu”. Nhiều năm qua, năng suất lúa, ngô của xã khá thấp, chỉ đạt bình quân 35 - 37 tạ/ha, nguyên nhân vì sao? Câu trả lời về vấn đề này cũng hết sức thẳng thắn: “Vì người dân sử dụng giống không đồng bộ, ít dùng loại giống có năng suất cao, chủ yếu là giống thuần, trình độ thâm canh còn hạn chế. Hơn nữa giá giống cao, cung ứng lại chậm”. Khi nói về hoạt động của trạm y tế xã  là một nhận xét rất trung thực: “Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ trạm y tế thường xuyên say rượu trong giờ làm việc, không giữ được phong cách của người thầy thuốc. Vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc để phục vụ bệnh nhân, nhất là thuốc BHYT. Nguyên nhân do hệ thống quản lý và đoàn kết nội bộ yếu, không có sự phối hợp trong công việc nên đã làm giảm uy tín trong nhân dân”. Về việc trong năm 2012 trên địa bàn xã còn 5 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên được giải thích rất rõ ràng: “Đó là do cán bộ chưa chú ý đến công tác tuyên truyền. Một số bộ phận nhân dân còn mang ý thức trọng nam, khinh nữ”. Đến cuối năm 2012, số hộ nghèo của xã còn chiếm tỷ lệ cao, nguyên nhân được xác định “Do một số bộ phận hộ dân không muốn thoát nghèo, chủ yếu là trông chờ để được hưởng lợi từ sự đầu tư theo chế độ cho hộ nghèo của Nhà nước”...

 

       

Cơ sở vật chất các ngành học, bậc học được quan tâm đầu tư tạo điều kiện cho 100% trẻ trong độ tuổi ở Tự Do được đến trường.

       

Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng nhịp sống của người dân Tự Do đã có bước khởi sắc. Thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, năm 2012 có 50,3% hộ và các xóm Mòn, Kháy, Khướng, Sát Thượng được công nhận là gia đình văn hóa và làng văn hóa. Nhiều năm qua, xã giữ vững là địa bàn trong sạch, không có ma túy, mại dâm. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, đến lớp. Đặc biệt, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, phát huy những thành quả đã đạt được, có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém..., những quyết sách của Cấp ủy, chính quyền là cơ sở vững chắc để người dân Tự Do càng thêm vững tin để chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

  

                                                                            Đức Phượng

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục