(HBĐT) - Con vào đại học có khác, thời nào cũng thế, đều là điều đặc biệt với mỗi gia đình. Thảo nào, tháng trước, anh bạn ở huyện M gọi điện í ới báo tin. Mừng và hân hoan lắm, giọng nói qua điện thoại thật bay bổng, du dương. Nghe nói cũng liên hoan mấy bữa cho con nhân dịp con đi học xa nhà. Ừ, thời bố mẹ không có điều kiện, học xong lớp 12, chuyện học đại học thật xa vời, nên người làm nghề nông, người đi học nghề. Lăn lộn cuộc sống cũng nuôi được mấy mặt con. Giờ thằng út vào đại học, mừng vui cũng phải thôi. Con đường học vấn cũng luôn luôn cần trong bất cứ giai đoạn nào…



Nhà không có điều kiện tài chính như nhà người tanên gia đình anh bạn cũng phải vay mượn, chạy vạy đủ để đóng các khoản đầu năm của các tân sinh viên như: Học phí, tiền phòng ký túc xá, tiền sinh hoạt, tài liệu; mua sắm quần áo… Về Thủ đô học hành nên cũng phải có đầu tư…Hôm vào trường, không đủ điều kiện đi xe riêng, bố mẹ con cái đi xe ghép nhập học, cũng vui. Giờ là hành trình cùng con, vì sinh viên ở Hà Nộikhông thể chi tiêu như hồi ở cùng bố mẹ được, nên bà mẹ cũng thu xếp theo con về Hà Nội (nghe nói kiếm việc làm thêm để "đồng hành” cùng con học đại học). Còn bố ở nhà lo chăm ruộng đồng, đàn gà lợn, thêm mấy con bò đang kỳ sinh sản… để sẵn sàng "tiếp viện”. Tấm lòng cha mẹ thời nào cũng thế… hết lòng, hết mình vì con cái. Nhưng qua tháng đầu tiên, lại thấy điện thoại của bạn. Lần này không vui nữa mà khá rầu rĩ:

 

- Ông gỡ rối cho tôi được không? - Hỏi lại thì vẫn là dư âm kéo dài: Chuyện vào đại học của cậu út nhà bạn. Hồi ở nhà, nó chân chỉ hạt bột. Về Thủ đô nhìn thấy bạn bè và nhìn lại bản thân: sao mà "quê mùa” thế. Đầu tiên là muốn có điện thoại thông mình để thay thế cho cái "cục gạch” đen trắng nặng trịch. Đành phải ngắt lời: thời buổi 4.0 có "Sờ-mát-phôn” là hợp thời chứ, tiếp cận với thế giới, tìm kiếm tài liệu học hành. Nếu cố được cũng nên đầu tư cho con cái. Nhưng mà đòi ngay bây giờ thật khó nhỉ. Nghe nói về tiện ích của điện thoại thông minh, ông bạn cũng thấy xuôi xuôi, không ca cẩm nữa. Nhưng rồi ông bạn lại nói thêm câu chuyện nữa là thằng con lại đòi ra ở ngoại trú. Ở nội trú "khổ”, gò bó quá. Thì thấy câu chuyện đã thay đổi theo chiều hướng khác. Đành phải làm nhà "tư vấn bất đắc dĩ” vậy. Bố mẹ thì cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con cái ăn ở, học hành, nhưng chưa kịp mua điện thoại cho thích ứng thời cuộc (chuyện này không có gì quá đáng), giờ lại đòi ngoại trú cho bằng chúng, bằng bạn, cho thoải mái thì đã sang thái cực khác rồi. Đành tìm cách hoãn binh: Kiểu này… Ông phải ra tận trường để trao đổi, nắm bắt tâm tư của chúng để từng bước có hướng xử lý cho phù hợp. Ở nội trú đã 500.000 đồng/ tháng; ra ngoại trú, chỗ ở được cũng tầm 900.000 ngàn/ tháng/ chỗ. Thế ông nghe nó nói phương án học hành, sinh hoạt sắp tới của nó chưa?.

Ông bạn thở dài: Nó cũng nói, bên cạnh việc học hành, sẽ đi làm kiểu lao động chân tay để có thêm đồng ra đồng vào; hỗ trợ việc học hành. Thôi đành chịu vậy chứ biết sao. Nhưng tôi cũng đã nói rõ, việc ra ngoại trú để hết 1 kỳ học đã, còn giờ bố mẹ sẽ lo cho con cái điện thoại thông minh để "hòa nhập” cùng lớp, cùng bạn bè. Nghe nói, mọi tài liệu, thông tin lịch học, chương trình nọ kia của lớp đều qua mạng xã hội… nên tôi cố đầu tư thôi ông ạ.

Đi học đại học… mỗi thời mỗi khác, quan trọng là phải biết xem xét kỹ các tình huống mà xử lý thôi bạn à. Chả biết nói gì thêm nữa vì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

 


Bùi Huy


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục