(HBĐT) - Hai vợ chồng Hào là công nhân lao động xa nhà. Họ đã có một đứa con gái 5 tuổi. Nhưng hai vợ chồng phải gửi con ở quê cho ông bà nội, vì nhà làm nông, mẹ Hào sức khoẻ yếu, lại không quen cảnh thị thành nên không ra nhà trọ trông cháu được. Phần nữa, hai vợ chồng Hào làm ca kíp, vợ Hào phải tăng ca thường xuyên, nếu gửi trẻ cũng không tiện đưa đón, chăm sóc con.

Thế mà thấm thoắt cũng đã được 3 năm. Cũng thời gian đó, con gái Hào ở cùng ông bà nội thiếu đi hơi ấm của mẹ, của cha. Thường thì 1 tháng vợ chồng Hào tranh thủ về quê thăm con 2 lần. Mỗi ngày trước đó là cả một niềm hoan hỉ và mong chờ. Về đến quê đã nghe tiếng con gái reo lên khi thấy tiếng xe máy nổ ngoài ngõ: "A, con biết bố mẹ về rồi nhé". Vợ Hào ào đến ôm chầm lấy con mà hỏi liên hồi, thơm vào má, vào trán, hít hà mái tóc ướt mồ hôi của con bé. Còn hạnh phúc nào hơn khi được gặp con gái yêu, được nghe con nói, được ngắm con cười, ôm con vào lòng mà vuốt ve, âu yếm? Thế nhưng cũng có lần chuẩn bị về quê trời lại đổ cơn mưa lớn nên không về được với con. Khi đó hai người lại ngậm ngùi buồn đến vô cùng. Nghe tiếng vợ chồng phòng bên cạnh đùa với con, nghe tiếng em bé cười khanh khách, vợ chồng Hào chỉ biết mở điện thoại xem ảnh con. Vừa xem ảnh vợ Hào vừa thút thít. Còn Hào cũng buồn lắm, nhưng đàn ông ai lại khóc bao giờ?

Thế nhưng lần về quê vừa rồi Hào đã khóc vì thương con gái. Khi vợ chồng Hào chuẩn bị ra nhà trọ thì bỗng đâu con gái họ lao ra, nước mắt con bé nhạt nhoà. Nó ôm lấy xe máy, gục đầu vào yên xe mà khóc mặc cho bà nội dỗ dành, an ủi. Trong dòng nước mắt, con bé tha thiết: "Bố... mẹ ơ... ở nhà với con...". Lúc đó Hào không thể ngăn được nước mắt. Đành rằng vì cuộc sống mưu sinh mà phải xa con. Nhưng lẽ nào...

Hào tỉnh giấc, thấy người bải hoải, anh liếc nhìn đồng hồ. Mới hơn 9h mà đã tỉnh giấc. Làm ca đêm về mà không ngủ được thì tối nay lại đánh vật với những cơn buồn ngủ mất thôi. Thực sự Hào chẳng sợ vất vả, làm gì thì làm, cuối tháng tiền lương rủng rỉnh là vui rồi. Nhưng cái cảnh nhà trọ chật chội như thế này thì Hào không thể nào quen được. Vốn con nhà nông, sống ở quê từ nhỏ, Hào đã quá quen với cảnh sống thoải mái nơi làng quê. Đôi chân của anh đã chạy nhảy khắp ngõ xóm, đường thôn, bãi sông và cánh đồng gió lộng. Như con chim ưa bay nhảy nay phải gò mình trong chiếc lồng nhỏ là căn phòng rộng chưa đầy 12 m2 thì thật là cực hình đối với anh. Căn phòng đã chật chội như càng bị o ép thêm khi bếp ga, tủ quần áo và những vật dụng lủng củng choán hết cả không gian. Lắm lúc mệt mỏi và bức bí quá, Hào bảo vợ: "Về quê thôi em ạ, mệt mỏi quá rồi!”. Vợ Hào thẽ thọt: "Thôi, mình cố vài năm nữa anh ạ, cố lấy lưng vốn về quê làm ăn. Bây giờ còn sức khỏe... Vợ chồng mình vẫn xác định là làm tạm thời mà”. Hào vò đầu bứt tai, lặng im không nói. 

Hào hay mường tượng ra cảnh một ngày kia cả nhà sẽ sống yên bình nơi làng quê. Đó là một quán tạp hóa nhỏ ngày ngày vợ anh bán hàng, còn anh thì chăn nuôi và làm vườn. Đứa con chạy chơi lăng xăng cùng bố. Thi thoảng nó lại hát lên những bài hát trong trẻo và đáng yêu. Với Hào cuộc sống như thế đã là hạnh phúc lắm. Nghĩ đến những cảnh ấy anh lại tĩnh trí hơn, nhủ lòng cố gắng thêm vài năm nữa…

Dạo này công ty Hào ít việc, công nhân được nghỉ luân phiên mỗi người 1 tuần. Hào về nhà đúng đợt con bị sốt, chứng viêm amidan làm con bé thường lên cơn sốt cao và ho mỗi khi thay đổi thời tiết. Thi thoảng vợ chồng Hào vẫn nhận những cuộc điện thoại của mẹ ở quê ra nói con bé lại sốt. Cả hai tuy có sốt ruột nhưng ở xa cũng chỉ biết thở dài thương con, rồi công việc lại cuốn họ đi. Đang đêm ngủ Hào bỗng giật mình bởi tiếng con bé khóc. Những cơn ho và cơn sốt làm con bé không ngủ được, cứ liên hồi đòi bà bế. Hào vén màn chạy sang phía giường hai bà cháu, nói với mẹ: " Mẹ đưa con bế cháu một lúc, mẹ nghỉ đi”. Hào bế con bé trên tay tầm dăm phút thì con bé lại đòi bà, thế là mẹ Hào lại lập cập chạy lại bế cháu.

Cả đêm con bé không ngừng khóc. Hào thương con nên không tài nào chợp mắt được, thi thoảng anh lại chạy sang chỗ con bé. Nhìn đứa con bé bỏng lăn lộn, mồ hôi bết tóc mà anh nghẹn ngào. Thì ra con bé vẫn phải vật lộn với những đợt ốm như thế này đây. Vợ chồng Hào vô tâm quá, họ có biết đâu xa con để  kiếm tiền, để rồi con cái ốm đau, mẹ già vất vả thế này. Thoáng chốc trước mắt Hào hiện lên cảnh gian phòng trọ chật hẹp, cảnh sống tạm bợ của hai vợ chồng, từ khóe mắt anh chảy ra giọt nước mắt trong veo mà mặn chát. Trong vô thức bật lên câu nói: "Về thôi!” vang lên giữa màn đêm yên ắng.

Hai vợ chồng Hào chuẩn bị về quê. Nhưng lần về quê này hoàn toàn khác những lần trước đó, nó náo nức hơn và trong lòng là sự thanh thản. Lần này là về hẳn, không trở lại nơi này nữa. Thời gian đã minh chứng cho Hào biết anh không thuộc về nơi này, hay nói đúng hơn là không đủ điều kiện sống lâu dài nơi phố thị. Nếu tích cóp bằng đồng lương công nhân của hai người thì chẳng biết bao giờ vợ chồng anh mới có một mái nhà thật sự. Tuy có chút gì đó còn lưu luyến, nhưng cả hai vợ chồng dường như đã vừa trút bỏ một gánh nặng vô hình nào đó lại phía sau lưng. 

Ô tô chuyển bánh đưa hai vợ chồng Hào về với quê hương, nơi ấy có những bụi tre xanh mướt, có những ngõ nhỏ rợp bóng cây, với tiếng gà trưa gợi nên cảm giác thanh bình. Xe chạy nhanh dần lên, băng qua những con phố với những dãy nhà cao chọc trời và khói bụi. Chẳng mấy chốc làng mạc, ruộng đồng đã hiện ra hai bên đường. Hào gạt tấm kính xe, gió đồng phả vào mặt anh mát rượi làm anh khoan khoái hét lên, như một đứa trẻ: "Sắp về đến nhà rồi!”. Vợ anh ngồi bên cười dịu dàng, chị khẽ lay vai chồng và ra hiệu rằng họ đang ở trên xe có đông người. Hào quay lại nhìn xung quanh, ngượng ngùng. Rồi Hào tủm tỉm cười một mình.

Hai vợ chồng bước đi trên con đường làng lạo xạo đá sỏi. Hào nắm tay vợ bước đi những bước nhẹ nhàng, thanh thản và vững chãi. Sau lưng anh là thành phố…



Truyện ngắn của Lê Minh Hải

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục