(HBĐT) - Sau gần 5 năm, ông Đình Huấn lại có cơ hội mở cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật của mình ở huyện vùng cao này. Khi ông đưa ra ý tưởng, bà nhà chỉ cười cười: "Cứ mò kim đáy biển đi… Biết đâu gặp được”. Rồi chính bà lại là người đi vận động tài trợ, làm các thủ tục có liên quan để có thể tổ chức cuộc triển lãm này. Có đến gần 10 nhiếp ảnh gia và họa sĩ nhận lời đồng hành cùng ông. Vì chỉ nghe đến cái tên địa danh đó, ai cũng ồ lên thích thú. Bởi chính họ cũng từng năm lần bảy lượt về đây trong các đợt thăm quan, thực tế sáng tác.

Cách đây 5 năm cũng từng có một cuộc triển lãm nho nhỏ như thế và bà cũng là người cùng ông lo liệu cho cuộc triển lãm đó. Nhìn vào mắt ông, bà lại thấy ánh lên niềm tin lấp lánh như lần đầu, cũng như thấy thấp thoáng trong đó những nếp nhà sàn, những vườn hoa đào, hoa mai, hoa ban rực rỡ trong nắng ấm mùa xuân… Dù rằng, tuổi của ông ngày một cao, khung tranh cũng đã cũ, nhuốm màu thời gian, nhưng quãng xuân ngời đó đâu đã cạn. Cái tên cuộc triển lãm vẫn không thay đổi so với lần trước "Những mùa hoa rực rỡ”…

Thời trẻ ông từng dạy học ở đất này. Hồi đó, mọi thứ còn hoang sơ lắm và lòng người nơi đây trong vắt như thiên nhiên, mây nắng. Trai vùng xuôi lên đây, nếu so với các đồng nghiệp nữ ông có nhiều thuận lợi hơn. Con nhà có điều kiện nhưng việc ông lên vùng cao dạy học vẫn mãi là điều bí ẩn mà đến giờ không ai hiểu được. Rồi thầy giáo trẻ bỗng trở nên nổi tiếng hơn khi là người duy nhất ở vùng có chiếc máy ảnh của Nga. Thậm chí cả mấy huyện xung quanh bói cũng chả có cái máy ảnh nào như thế. Ngày nghỉ, anh miệt mài đi các xã quanh vùng thị trấn chụp dịch vụ và cả sáng tác ảnh. Cha anh, một nhà nghiên cứu văn hóa cũng từng nhận xét: "Bố thấy ảnh con chụp, bức họa con vẽ có hồn lắm… nhưng không nên xao nhãng việc dạy”. Rồi một ngày, ông lạc bước đến một bản đồng bào dân tộc ở sườn đồi mà trước mặt là dòng sông đang cuồn cuộc chảy, đỏ ngàu phù sa. Một không gian có nhiều hình ảnh, màu sắc đối nghịch và anh bị choáng ngợp thực sự. Chất nghệ sĩ trong anh được đánh thức một cách mãnh liệt. Một làng bản được bao bọc bởi những cây đào, cây mận nở rộ trong mùa xuân. Hoa đào ở chái nhà, hoa ở bờ rào. Hoa ánh lên màu hồng tươi ở tất cả các khung cửa sổ. Những ngôi nhà sàn thoáng đẹp nép mình dưới những tàu cọ, cành đào. Thấp thoáng bên cửa sổ ai đó đang ngồi se lanh, quay sợi, cùng tiếng hát ru nhè nhẹ. Ngoài trời, mưa giăng nhẹ man mác khắp không gian… Bất chợt anh thấy một thiếu nữ tầm 20 đang ngồi tẽ ngô ở cầu thang. Cô e ngại khi anh xuất hiện. Nhưng khi anh nói về máy ảnh, hoa đào, cùng bạt ngàn hoa ban bên sườn núi… cô gái như quên hẳn người đàn ông có đôi mắt to, dáng vóc thư sinh, mái tóc dày mượt là người lạ. Ừ, tuổi trẻ dễ quen, dễ hòa đồng. Cô hồn nhiên kể về gia đình, chuyện đồi nương, về chuyện cô là nữ duy nhất của bản học hết THCS. Cô cũng mong muốn học cao hơn nữa để làm cô nuôi dạy trẻ vì cô yêu trẻ con lắm. Còn anh cũng hồn hậu kể về những con phố, về Hồ Gươm, về dòng sông Hồng cuộn chảy. Khi nghe nói dòng sông ấy cũng bắt nguồn từ dòng sông này, cô cười giòn tan như đứa trẻ phát hiện điều gì đặc biệt lắm. Sau mỗi câu chuyện của anh, cô đều thốt lên: Thật à… thật à… như đứa trẻ dễ tin, cả tin. Ông cũng hứa rằng sẽ có dịp đưa cô về Hà Nội thăm Hồ Gươm, thăm phố phường… Hôm đó, ông đã chụp hết 1 cuộn phim mà nhân vật chính chỉ là cô ấy. Cô như một bông hoa biết cười, biết nói giữa rừng đào, rừng mận bát ngát. Hai người say mê chụp, say mê làm mẫu và ký họa hết nửa ngày, chỉ khi bố mẹ cô gọi giục về ăn bữa trưa 2 người mới bừng tỉnh… Tuần sau cũng lại thế, lại chụp, lại vẽ. Lần này, cô còn dẫn anh ra sông và chèo thuyền nan để anh sáng tác, chụp cảnh những người chèo, đẩy, dẫn dắt bè nứa vượt thác. Một hình ảnh lao động vất vả trái ngược hẳn với hình ảnh những ngôi nhà yên tĩnh giữa rừng đào. Anh hài lòng về những bức ảnh đó nhưng cũng có một sự cố anh suýt chết đuối khi có ý định tắm sông một mình. Một dòng nước quẩn đã lôi anh đi mặc dù anh biết bơi. May có Hạ phát hiện kịp, cô lao xuống sông kịp túm lấy tóc anh để kéo giật ngược lại. Đêm đó, ăn bát cháo cá ấm nóng xong, nằm trong chăn thổ cẩm ấm êm… tự dưng nước mắt anh cứ lăn dài, lăn dài. Ôi, duyên nợ vùng cao…

Mùa xuân qua, rồi mùa hè tới, ông về xuôi nghỉ hè và cũng làm các thủ tục để học hàm thụ đại học. Mấy ngày chuẩn bị đi, bụng bảo dạ sẽ về nhà Hạ để chào, để chia tay thế mà việc nọ, việc kia, ông đã không thể trở lại bản đó nữa. Về Hà Nội học tập, tham gia các cuộc thi ảnh, tranh… ông được trao một giải dành cho tác giả trẻ. Chính điều này càng làm ông tin vào con đường đã chọn. Bức ảnh người thiếu nữ có đôi mắt biết nói, bên những cành hoa đào la đà, sau lưng là ngôi nhà sàn và một dòng sông vời vợi hun hút gió đã lọt vào tốp 10 cuộc thi đó… Rồi Hà Nội, rồi việc học tập, lập gia đình và công việc ở một tạp chí chuyên ngành đã "kéo” ông ngày một lùi xa vùng đất nên thơ đó. Đôi khi, những ký ức cũ cũng trở đi trở lại trong giấc mơ của ông, ngay cả khi đã trở thành người đàn ông có tên tuổi trong giới nhiếp ảnh, hội họa. Chỉ lần ông làm tập sách ảnh về vùng cao, lục tìm đống phim cũ, ông bỗng thở dài như tiếc nuối điều gì đó đẹp đẽ mà xa xôi quá rồi. Năm đó, ông và một người bạn đã có cuộc hành hương ngược dốc, ngược quá vãng để tìm về bản hoa đào đó. Nhưng tất cả đã quá muộn… làng bản đó đã nằm sâu hàng chục mét dưới hồ nước mênh mông. Dấu tích cũ không còn gì, dù chỉ là một con đường, một ngôi nhà. Anh đi đến những làng bản cao hơn để hỏi thì được biết người dân các làng bản cũ đã tứ tán khắp nơi cách đây hàng chục năm rồi. Cuộc di dân vĩ đại trong lịch sử… Ngồi trên đỉnh đồi cao chót vót, nhìn về vùng lòng hồ xanh ngát, ông thầm gọi: Hạ ơi… em ở đâu? Nếu còn gặp lại, chắc Hạ cũng đã làm mẹ, làm bà rồi đấy… Nhưng ông vẫn hy vọng biết đâu, nhờ những triển lãm ảnh tại vùng cao này, nhìn vào bức ảnh, biết đâu một ai đó nhận ra và biết được nơi Hạ đang sinh sống. Trái đất tròn, sao lại chẳng có thể gặp lại. Cộng đồng mạng sẽ chia sẻ ảnh các cuộc triển lãm mà ông từng thực hiện… Ông tin cô Hạ một thời sẽ nhận ra…


Truyện ngắn của Bùi huy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục