(HBĐT) - Ngày trước, khi ba tôi còn chạy tàu chở hàng, ông thường cho tôi theo và hay cập bến sông này để bốc dỡ hàng. Những lúc xong việc, khi người lớn còn bận ăn uống bù khú, tôi hay mượn chú Thức bảo vệ chiếc xe đạp Thống Nhất mà đạp vào các xóm chơi. Chiếc xe đạp khung nam rõ cao làm mông tôi cứ nhấp nhổm, đi xiêu vẹo như một con khỉ rạp xiếc. 


Một lần, tụi trẻ con mới quen rủ tôi đạp xe ra công viên chơi. Vốn là dân thành thị, tôi vào đây để tận hưởng những trò chơi dân quê như bắt cá, đào rế, bãy chim chứ công viên, quán xá tôi chẳng bận tâm. Nhưng chúng nó lại bảo: "Là công viên mà chẳng phải công viên đâu, nó như là cái gì ấy…”.

Thế là tôi đã được đến cái "công viên” mà lại chẳng phải công viên ấy. Thực ra, nó là bờ sông có hàng cây lâu năm xòe bóng mát. Khoảng cách giữa các cây đủ để người ta mắc võng đung đưa. Ban trưa được ngủ một giấc ở đây thì thích biết mấy. Giữa hè nóng nực mà gió sông thổi lên mát rượi, thấy người như đầy ắp hơi nước từ thượng nguồn xanh mát.

Dần dà, tôi để ý thấy dưới các gốc cây là những hàng nước. Nhiều người bán nước ở đây còn mặc những chiếc áo công nhân sờn rách. Họ là người thợ xây, thợ máy vì không thể theo công ty đến các công trình mới nên ở lại đây lập xóm. Với họ, việc bán những cốc trà đá, nhân trần, mấy gói kẹo lạc, bao thuốc… chỉ là một phần cuộc sống, điều quan trọng là… giữ đất. Đã nhiều lần có kẻ nhăm nhe lấn chiếm, định biến nơi đây làm quán bia đèn mờ, thành chỗ câu cá… nhưng đều bị bà con phản đối. Người ta bảo đây là chỗ hóng gió, là nơi hàn huyên của thợ làm ca sau giờ làm, nơi tụi trẻ hẹn hò làm quen, nơi vợ chồng mới cưới như  nồi cơm chín dở ra ngồi an ủi nhau trước những xét nét của mẹ chồng.

Người ta gọi đó là công viên còn vì lũ trẻ ra đây được nô đùa thoải mái mà không sợ kim tiêm của dân nghiện ma túy và bao nỗi nguy hiểm khác. Mấy bà bán nước hiền lành như ngồi dưới cây thị trong truyện Tấm Cám còn dạy chúng đánh vần, dậy thêu thùa, đan lát... Bởi thế mà cha mẹ các bé cũng nhiệt tình góp sức bảo vệ khu đất này. Trong khi cái công viên được xây dựng dở dang ở nhiều thành phố thì cỏ mọc um tùm đầy rác rưởi.

Tôi hay chơi cùng một đứa trẻ, nó nói bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, sau đó được một bà cụ ở đây nhận nuôi và cho đi học. Với nó công viên là nhà, là tuổi thơ, hàng ngày nó để xem ai vứt vỏ bim bim, túi bóng thì nhặt lại. Chai nhựa thì nó gom đợi đủ một bao tải sẽ đem bán thêm tiền mua sách vở. Một lần, nó nhặt được cái nắp chai Coca-Cola có ghi trúng thưởng cái xe đạp, thế là nó không còn phải cuốc bộ đến trường. Người ta bảo trời thương đứa trẻ ngoan ngoãn và tốt bụng như "cậu bé rừng xanh” ở nơi này.

Từng ngày, người ta nhận ra giữa thành phố đang bộn bề có một khoảng xanh bình yên của cây cối và tình người. Ra với công viên không còn bon chen, đố kị, móc mói nhau mà lại được đọc sách, báo, chơi cờ, nghe ghi ta, thổi sáo. Khi con người ta sống vì những kỉ niệm, vì sự tử tế và kiên quyết khước từ những mưu toan để tạo ra một không gian bình yên thì có lẽ chẳng có dự án quy mô nào sánh được. Công viên cứ thế tồn tại như một lẽ tự thân, không cần ai nhắc nhở, không quy chế nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, không có lộn xộn, chửi tục. Những người công nhân trọng nhau mà sống. Họ đem lề lối ấy mà tạo lập nên không gian này giữa muôn vàn xô bồ, huyến náo xung quanh.

Rồi một ngày có lẽ con sông đã đổi dòng, dòng chảy hung dữ của nó đã làm xói mòn, làm lở nhiều nhà ven sông. "Công viên” ấy cũng không ngoại lệ, người ta chứng kiến nó cứ thế gãy từng mảng như chiếc bánh đa giòn mà rớt xuống dòng nước đỏ mùa lũ. Những người bán hàng nước chẳng còn biết dựa vào đâu để thêm thắt cùng đồng lương hưu đành tản mát khắp nơi tìm công việc khác.

Tôi ngẫm ra, những gì quý giá sẽ lại chóng mất đi theo năm tháng, như cái công viên không có tên, không có trên bản đồ, không có hàng ghế đá, không đèn màu, lối đi lát đá, chỉ có đá sỏi dải đường và bóng mát, những mái tóc đã pha sương, những nụ cười hiền hậu. Bất giác, tôi thầm trách mình không lấy máy ảnh chụp lại thật nhiều hình ảnh công viên như thế mà chỉ khắc ghi trong tâm hồn mình như một góc nhớ thương: "Công viên” của nghĩa tình.

 Tản văn của  Bùi Việt Phương


Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục