Không có đại diện ở trận chung kết tại Johannesburg ngày 12-7 tới, bóng đá Nam Mỹ bước thêm một bước lùi. Họ chưa chịu cách tân hay sự lạc hậu biến họ thành kẻ đứng bên lề dòng chảy bóng đá mới?
Lần thứ hai liên tiếp Nam Mỹ không có chỗ trong trận cuối cùng của World Cup. Sự thắng thế của châu Âu khi đại diện của họ trở thành nhân vật chính trong trận chung kết hai World Cup liên tiếp cho thấy cục diện bóng đá thế giới có vẻ đang đổi chiều. Tám năm trước, ở VCK diễn ra trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc - vùng đất trung gian - Brazil lên ngôi quán quân trong tư thế một anh hào. Bây giờ, cuộc tranh tài ở châu Phi - cũng là một địa danh đứng cửa giữa - đã đành đoạn tiễn chân lần lượt các đại biểu Nam Mỹ sau vòng bán kết, biến trận chung kết trở thành chuyện riêng của lục địa già. Cây bút bình luận John Leicester của hãng AP nhân chuyện này đã đặt một cái tít khá cay đắng cho bài bình luận mới nhất của mình: Lại như xưa thôi, cúp về với châu Âu!
Đức mừng, Argentina buồn. Ảnh: REUTERS
Lại như ngày xưa thôi vì thực tế Nam Mỹ không có gì mới, nói đúng ra là họ dường như không thèm đổi mới, trong cách chơi bóng, trong việc chuẩn bị hành trình và dọn mình cho những tiệc hội đỉnh cao. Điển hình nhất có lẽ là hình ảnh của Forlan trong trận bán kết với đối thủ Hà Lan. Một mình anh hầu như cáng đáng toàn bộ sức ép và sự chờ đợi của hàng triệu người dân Uruguay ở quê nhà. Anh tả xung hữu đột, khi lên công lúc về thủ, thắp lên hy vọng, vực dậy niềm tin cho cả đội sau lúc bị dẫn bàn. Không có bóng dáng năng động của anh, không ai tìm thấy điều gì ấn tượng từ một đội bóng mang trên mình truyền thống hai lần vô địch thế giới. Nếu biết rằng Forlan phải cắn răng chịu đau vì một chấn thương chưa lành hẳn, công chúng mới thấy hết sự khô hạn của một Uruguay thiếu chiều sâu về nội lực, nhạt nhòa bản sắc.
Từ bỏ lối chơi truyền thống để chí thú theo con đường thực dụng, người anh cả Brazil trên thực tế đã từ bỏ nanh vuốt của chính mình. Họ có thể thong dong ở vòng ngoài khi gặp các đối thủ chưa mạnh nhưng khi đụng phải một Hà Lan hiểu mình hiểu người và có quá trình chuẩn bị phục thù kỹ lưỡng thì vũ điệu samba bỗng nhiên lạc điệu. Họ thua Sneijder và đồng đội bằng hai pha bóng tầm cao trong tình huống cần đến sự chính xác của toán học hơn là chất ngẫu hứng độc sáng của cá nhân. Phải chăng Brazil không chuẩn bị thấu đáo tâm lý và tinh thần cho một vận hội lớn khi mà hết Melo đến Robinho đều bộc lộ thái độ nóng vội, phi thể thao mà các đàn anh của họ như Zico, Socrates, Falcao chưa hề làm? Hay là họ quá kiêu căng khi nghĩ rằng sân chơi đỉnh cao này phải dành riêng cho Brazil, đến khi phải rơi vào thế rượt đuổi thì lúng túng, không làm chủ được mình? Đừng quên rằng Brazil sở dĩ thu phục lòng người là bởi chất ngẫu hứng, sáng tạo và vẻ độc sáng của các cá nhân tài hoa. Một mình Kaka đã xuống phong độ thì làm sao có thể vực dậy cả tập thể?

Một nữ CĐV Paraguay khóc tấm tức vì đội nhà bị loại. Ảnh: REUTERS
Chuyện có vẻ trái ngược trong trường hợp của Argentina, một tập thể thừa ngôi sao nhưng vắng bóng đường nét điêu luyện về tổ chức, chiến lược và chiến thuật, quá ỷ y vào tài năng và sự tỏa sáng cá nhân mà quên chuẩn bị kỹ càng trước các trận đánh lớn trước các đối thủ lớn. Nếu Maradona hiểu mình hiểu người để phác họa các tình huống khó khăn khi đương cự với tuyển Đức trẻ trung và giàu mưu lược thì các học trò của ông đã không lúng túng, rối bời khi bị dẫn bàn qua sớm.
Một đúc kết sơ bộ về nguyên nhân thua sút của Nam Mỹ trước châu Âu phải chăng như thế này: Quá trông chờ vào chất ngẫu hứng và sự tỏa sáng của các ngôi sao mọc lên ngẫu nhiên mà không chú tâm chăm sóc thế hệ cầu thủ mới một cách bài bản, thiếu chiến lược phát triển theo xu hướng hiện đại giữa trào lưu bóng đá ngày càng tiệm cận với đà phát triển kinh tế, công nghệ. Nam Mỹ vẫn thích gieo lúa nước thay vì canh tác theo phương thức hiện đại với kế hoạch bài bản, mục tiêu rõ ràng!
Theo NLĐ
Cuối cùng thì Uruguay cũng đã vào được bán kết World Cup 2010 sau 120 phút thi đấu mệt mỏi cùng những cú sút phạt đầy căng thẳng của loạt đá luân lưu 11m. Ghana đã đánh mất cơ hội một cách thật đáng tiếc.. giá như Gyan bình tĩnh thêm chút nữa thì chính các cầu thủ Ghana mới là người thi đấu ở trận bán kết tiếp theo.
Ứng cử viên sáng giá Brazil đã gục ngã trước “cơn lốc da cam” trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ. Tiếc vì các vũ công Samba phải kết thúc sớm cuộc hành trình World Cup 2010, nhưng HLV Vương Tiến Dũng cho rằng chiến thắng thuộc về Hà Lan là xứng đáng…
Sau khi trở thành đội bóng thứ 3 của châu Phi lọt vào tứ kết World Cup (sau Cameroon ở Italia 1990 và Senegal ở World Cup 2002), Ghana đang có tham vọng trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào vòng bán kết. Để làm được điều này, họ phải khuất phục đại biểu Nam Mỹ Uruguay. Cả châu Phi đang chờ tin chiến thắng của Ghana.
Tính chất sống còn của cuộc đấu có thể buộc hai đội hy sinh lối đá đẹp để ưu tiên cho sự thực dụng, hiệu quả
Khi cả Nhật Bản và Hàn Quốc không thể gây thêm bất ngờ, World Cup 2010 trở về cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các thế lực hùng mạnh ở châu Âu - Nam Mỹ với 3/4 cuộc chiến ở tứ kết, những trận cầu hứa hẹn sẽ vô cùng khốc liệt và máu lửa...
Khi bị đặt dưới quá nhiều sức ép như “sẽ tỏa sáng”, “sẽ đăng quang”..., nhiều ngôi sao lớn bỗng trở nên mờ nhạt và... tắt đài!