Tiên Sa không chỉ là cảng biển mà còn là một bãi tắm, một điểm du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng. Tương truyền, các tiên nữ nhà trời xưa không cưỡng nổi vẻ đẹp trần gian nơi đây, sa xuống tắm, để lại tên "Tiên Sa” cho bãi này từ đấy.


Một góc cảng Tiên Sa mờ ảo trong sương sớm

Dòng sông Hàn êm đềm chảy qua TP Đà Nẵng rồi ra biển. Đoạn cuối cùng của sông Hàn ấy, nơi tiếp giáp với biển và bán đảo Sơn Trà, không chỉ tạo nên cảng biển nước sâu Tiên Sa với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, mà còn tạo nên một bãi tắm đẹp lộng lẫy đã từng được vua Khải Định và Minh Mạng ngự lãm. Không phải ngẫu nhiên bãi tắm ấy được mang tên Tiên Sa, mà theo truyền thuyết kể lại rằng, từ xa xưa, trước khi có cảng biển, bãi tắm đấy vốn là bãi biển rất đẹp, đẹp đến mê lòng những tiên nữ nhà trời. Không cầm lòng được, các nàng sa xuống tắm, từ đó bãi biển trở thành bãi tắm Tiên Sa; rồi cảng biển được xây dựng cạnh bên, cũng mang tên Tiên Sa.

Bãi Tiên Sa, vốn nằm khuất sau mỏm núi, nên không nhiều người biết và trải nghiệm. Trước đây, khi cảng Tiên Sa được xây dựng, bãi Tiên Sa chỉ có một số ít cư dân địa phương và các chuyên gia Liên Xô tắm, nên có thời kỳ, bãi còn có tên gọi là bãi tắm Liên Xô. Về sau, cuộc sống phát triển hơn, vào khoảng những năm 95 của thế kỷ trước, bãi Tiên Sa dần trở thành thiên đường dã ngoại của lớp trẻ và những người yêu thích câu cá gềnh. Dần về sau, bãi Tiên Sa trở thành một trong những điểm đến được chọn đầu tiên của du khách quốc tế khi đến Đà Nẵng. Năm 2015, các tàu du lịch biển quốc tế 5 sao Star Pride, BeibuWan Shi Xing… đã lựa chọn cảng Tiên Sa làm điểm dừng chân, mở ra những cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Đà Nẵng nơi chung và khu vực Tiên Sa nói riêng.

Ngày nay, bãi Tiên Sa trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Từ trung tâm TP Đà Nẵng, du khách sẽ sang quận Sơn Trà qua cầu Sông Hàn, rẽ trái theo đường Ngô Quyền, Yết Kiêu đi về phía bán đảo Sơn Trà, đến cuối đường Yết Kiêu là đến; hoặc cũng có thể ngược ra Nguyễn Tất Thành, qua cầu Thuận Phước, dọc theo đường Lê Đức Thọ, qua cầu Mân Quang một đoạn rồi rẽ trái hòa vào Yết Kiêu là có thể đến. Tới đây, bạn có thể tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí thú vị tại khu du lịch sinh thái Tiên Sa. Chỉ riêng phần ngắm cảnh, cũng đã đủ để du khách cảm thấy thỏa mãn. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh đẹp thơ mộng và hữu tình, từ biển xanh miên man, núi non kỳ vĩ, đến bãi cát trắng mịn trải dài; bên ngoài những gềnh đá luôn có những rạn san hô lấp lánh màu sắc, với lũ cá sặc sỡ bơi lội; bên trên là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng với thảm thực vật đặc sắc và nhiều loại thú quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ…

Trải nghiệm bãi tắm Tiên Sa là một điều vô cùng thú vị. Tuy quay mặt về hướng Đông Bắc, nhưng do nằm khuất trontg một eo núi như một vịnh nhỏ, bãi Tiên Sa luôn lặng sóng hơn những bãi tắm khác, mặt nước phẳng như gương, nhìn từ trên như một mặt hồ lớn xanh biếc… Vào những sáng sớm, hay những đêm trăng, Tiên Sa như khoe hết mình vẻ đẹp của một nàng tiên lộng lẫy. Đặc sắc nhất vẫn là câu cá gềnh. Những hôm chuyển trời, cá giò vào nhiều, chỉ cần buông câu xuống rồi nhấc cần lên là có cá; người sành câu có thể dùng 3 lưỡi câu trên một cần và câu được 3 con một lúc. Cá giò tươi dùng nấu lẩu hay nấu canh chua tại chỗ ăn với bún thì nhất. Hay như câu cá mú, các chình nhỏ, cũng đủ cho cần của du khách uốn cong như gặp cá lớn, thú vị vô cùng.

Du khách cũng có thể trải nghiệm các dịch vụ của khu du lịch sinh thái Tiên Sa, tận hưởng những phút giây nghỉ dưỡng thật sự thoải mái. Những phòng nghỉ dưỡng sang trọng, hay các bungalow nằm rải rác triền núi, hướng nhìn ra biển hết sức lãng mạn, phù hợp cho du khách ngắm bình minh buổi sớm cũng như hoàng hôn trên biển vào buổi chiều. Không chỉ được ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái, du khách còn có thể trải nghiệm các dịch vụ thể thao, giải trí biển như tham gia kéo lưới cùng ngư dân, đi thuyền cao tốc đua cùng sóng biển, cưỡi mô tô nước, canô kéo dù, thuyền chuối, thuyền kayak, nhà phao trên biển, lặn ngắm san hô…

 

              TheoBaodulich

Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục