Ứng dụng công nghệ phục vụ du khách tham quan tìm hiểu về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
Theo các chuyên gia, du lịch thông minh là mô hình phát triển du lịch được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường trải nghiệm và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Việc sử dụng công nghệ một cách thông minh giúp hoạt động du lịch trở nên hiện đại, tối ưu hơn, hiệu quả, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách du lịch và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hướng tới phát triển bền vững.
Phân tích sự cần thiết phát triển du lịch thông minh gắn với nắm bắt, đón đầu các xu hướng du lịch mới, trong đó có xu hướng du lịch cá nhân hóa, du lịch tự túc, Phó Giáo sư Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một trong những xu hướng du lịch phát triển mạnh thời gian tới chính là du lịch cá nhân và du lịch tự túc. Ngày càng nhiều du khách có yêu cầu được thiết kế các hành trình mang tính khu biệt, riêng tư, được hỗ trợ bởi các công cụ như Al, chatbot, ứng dụng số. Bên cạnh đó, nhiều du khách, nhất là du khách trẻ thường chủ động tìm kiếm thông tin, tự thiết kế các hành trình du lịch qua nền tảng số.
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp và khách du lịch là một trong những nội dung quan trọng đang được ngành Du lịch Việt Nam, các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Hiện nay, các nền tảng số dùng chung làm cơ sở cho hệ sinh thái du lịch thông minh trong ngành đã được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát triển và đưa vào vận hành gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; phần mềm báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh; ứng dụng quản trị và kinh doanh du lịch; trang vàng du lịch Việt Nam; hệ thống vé điện tử "trực tuyến - liên thông - đa phương thức”; hệ thống thuyết minh đa phương tiện.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong lưu ý, với du lịch, chuyển đổi số là đi đầu, tất yếu và khách quan. Khi ứng dụng công nghệ số, Al, nền tảng thông minh, du lịch sẽ phát triển rất nhanh và bền vững do đó các địa phương cần coi trọng giải pháp này nhằm nâng cao hơn nữa giá trị cho điểm đến.
Nâng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh điểm đến
Phát triển du lịch thông minh không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch thông qua đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số hiện đại mà còn tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm của du khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa, phát triển điểm đến du lịch thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh, hiện nay trên 360 tài nguyên du lịch nổi bật của Thành phố đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map. Các sản phẩm còn được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử như shopee, traveloka…
Thành phố đã xây dựng "Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 Thành phố Hồ Chí Minh” (Map 3D/360) với một hệ thống hình ảnh 3D/360 của trên 100 điểm đến hấp dẫn đặc trưng như, di tích văn hóa, bảo tàng, khu vui chơi giải trí, trung tâm hội thảo hội nghị, khách sạn...
Thông qua bản đồ du lịch tương tác này, du khách ở bất cứ nơi đâu đều có thể truy cập vào trang https://map3d.visithcmc.vn/ để trải nghiệm các điểm đến du lịch qua hình ảnh và video 3D/360 một cách chân thực, sống động, từ đó có lựa chọn điểm đến tham quan, trải nghiệm phù hợp.
Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành Du lịch thông minh (IOC); xây dựng hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo dựa trên hệ thống thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, góp phần tạo nhiều trải nghiệm đa dạng, nâng sức hấp dẫn cho điểm đến, khẳng định thương hiệu du lịch của đô thị sống động, thực hiện mục tiêu thu hút 53,5 triệu lượt du khách trong năm 2025.
Tương tự, chú trọng ứng dụng công nghệ, tăng cường tiếp cận và cung cấp thông tin cho du khách là giải pháp được du lịch Bình Dương (nơi có nhiều điểm đến phù hợp các chuyến du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tìm hiểu di tích thu hút du khách vào dịp cuối tuần, lễ, Tết) lựa chọn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Bùi Hữu Toàn cho biết, tỉnh đã vận hành trang web dulichbinhduong.org.vn. Trong đó, cung cấp đến du khách hệ thống tour và công ty lữ hành, địa điểm lưu trú thông tin tour; danh mục các di tích, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh dưới dạng hình ảnh 360 độ. Ngành Du lịch Bình Dương đã mã hóa QR nhiều bài viết, chương trình du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch giới thiệu, quảng bá đến với du khách, quảng bá du lịch qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, một trong các địa phương tích cực chuyển đổi số, từng bước phát triển du lịch thông minh là tỉnh An Giang. Tỉnh đã khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh An Giang có địa chỉ trực tuyến https://checkinangiang.vn. Đồng thời, ứng dụng di động "Check-in An Giang” được triển khai trên hệ điều hành Android và iOS.
Hai nền tảng này tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu về du lịch như, các điểm vui chơi, công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm và thể thao cũng như hỗ trợ du khách thông tin liên quan giao thông, y tế và an ninh.
Cổng Thông tin du lịch thông minh An Giang còn tích hợp công nghệ thực tế ảo và nội dung đa phương tiện như hình ảnh, video, camera 360 độ và bản đồ số, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, lên kế hoạch chuyến đi, đồng thời nối các chủ thể hoạt động trong ngành Du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến An Giang.
Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Cổng thông tin du lịch thông minh An Giang và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động được đánh giá cao nhờ tích hợp nhiều chức năng hiện đại, trong đó có trợ lý ảo thông minh phản hồi nhanh, chính xác thông tin du khách quan tâm, đồng thời tạo sự tương tác giữa du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, các ứng dụng cũng hỗ trợ du khách tạo lịch trình phù hợp dựa vào những thông tin khách cung cấp như, thời gian dự kiến đến, sở thích, phương tiện di chuyển… góp phần đưa du lịch An Giang có những bước tiến nhanh chóng, thu hút trên 9 triệu lượt du khách trong năm 2024.
Mới đây, sản phẩm du lịch thông minh trên nền tảng số (VR360) về Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê (nơi lưu giữ nhiều dấu tích quan trọng của nền văn minh Óc Eo, từng phát triển rực rỡ ở Nam Bộ từ thế kỷ I đến thế kỷ VII) cũng được ra mắt, góp phần lan tỏa giá trị của di tích trên hành trình xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời góp phần tăng sức hấp dẫn thu hút du khách đến và trải nghiệm tại vùng đất An Giang thời gian tới.