(HBĐT) - Thời gian qua, việc giao đất, cho thuê rừng, giao khoán đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho chủ rừng trên địa bàn tỉnh được coi là chủ trương đúng đắn giúp cho rừng có chủ thực sự. Tuy nhiên, việc giao đất, khoán rừng vẫn còn bất cập. ở một số nơi còn tình trạng tranh chấp về quyền sử dụng đất rừng. Vấn đề đặt ra là làm sao để gắn giao đất với quản lý rừng bền vững.


Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình ươm cây keo giống phục vụ kế hoạch trồng rừng 2017.

Thực trạng việc giao đất, giao rừng

Thực hiện Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ ban hành quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 548, ngày 29/11/1999 quy định hướng dẫn về giao đất, khoán rừng. Quán triệt chủ trương mỗi mảnh đất, mảnh rừng đều có chủ, từ năm 1994 - 1999, Chi cục Kiểm lâm, trực tiếp là Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố đã phối hợp với cơ quan địa chính hoàn thành cơ bản công tác giao đất, giao rừng, thực chất là giao đất lâm nghiệp có rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đã giao tới cá nhân, hộ gia đình, thôn và một số tổ chức, doanh nghiệp đạt trên 80% diện tích đất lâm nghiệp, diện tích còn lại do UBND các xã quản lý.

Thực hiện Quyết định số 672, ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, xét duyệt cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp, UBND tỉnh có Chỉ thị số 04 ngày 17/4/2013 về việc tập trung chỉ đạo và tăng cường các biện pháp thực hiện việc cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong năm 2013. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 340.138,26 ha, trong đó, diện tích đất có rừng 227.710,65 ha, diện tích đất không có rừng 112.427,61 ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao quyền sử dụng đất 217.245,95 ha, trong đó BQL rừng đặc dụng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên 40.531,17 ha; BQL rừng phòng hộ 2.410,94 ha; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp 11.197,70 ha; các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh 2.144,15 ha; các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài 68,13 ha; hộ gia đình, cá nhân 143.003,63 ha; cộng đồng dân cư thôn 48.771,19 ha; các đơn vị lực lượng vũ trang 615,14 ha; UBND xã 2.074,17 ha và các tổ chức khác 383,86 ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa giao quyền sử dụng đất 96.225,56 ha do UBND xã quản lý.

Hiệu quả sau khi giao đất

Trên thực tế, sau khi giao khoán đất và cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp cho chủ rừng, các chủ rừng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ đầu tư chăm sóc rừng. Hiện tượng phá rừng, khai thác rừng, lâm sản, lấn chiếm chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp đã giảm nhiều. ở nhiều nơi sau khi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp đã tổ chức kinh doanh và có thu nhập đáng kể từ rừng, đặc biệt là rừng trồng do chủ động xác định được cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở nhiều địa phương. Người dân đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng sản xuất, trong đó cây keo lai khẳng định được giá trị kinh tế với thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó đã hình thành nhiều trang trại nông, lâm nghiệp, mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả kinh tế cao ở các huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ...

Công tác trồng rừng được hiệu quả hơn với tỉ lệ thành rừng cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo, từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong tỉnh đã xuất hiện một bộ phận dân cư giàu lên từ nghề rừng, mở ra hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt nhiều khu rừng giao cho cộng đồng quản lý đã phát huy được tính tích cực của văn hoá làng xã từ lâu đời nên được bảo vệ rất tốt. Một số chủ rừng sau khi được thuê rừng đã chủ động kế hoạch sản xuất, vì vậy có nhiều hoạt động đầu tư thúc đẩy phát triển nghề rừng. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn đất. Đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 51%.

 


Người dân xã Tu Lý (Đà Bắc) chăm sóc rừng trồng năm thứ 2.

Vẫn còn những tồn tại

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một vài tranh chấp về quyền sử dụng đất lâm nghiệp giữa các hộ gia đình và tổ chức ở các xã Dân Hạ, Dân Hoà (Kỳ Sơn) và xã Tân Minh (Đà Bắc). Nguyên nhân là do hiểu biết pháp luật của người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng hạn chế, công tác giáo dục, tuyên truyền chính sách, pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Ngoài ra, trình độ của cán bộ quản lý lâm nghiệp ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...

Theo ý kiến của Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Lê Minh Thủy, đến nay tỉnh mới tiến hành giao đất có rừng chứ chưa giao đất gắn với giao rừng nên chưa có căn cứ làm thước đo hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng; không thể định lượng hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để áp dụng các hình thức khen thưởng hay xử phạt phù hợp. Trên thực tế, tỉnh mới thực hiện giao 661 ha rừng cho 2 đơn vị. Cụ thể, giao 51 ha rừng phòng hộ cho Công ty Mai Bình tại xã Cun Pheo (Mai Châu) và giao 610 ha rừng sản xuất cho Công ty Phú Thịnh tại xã Tân Minh (Đà Bắc). Hầu hết các khu rừng giao cho cộng đồng là rừng tự nhiên sau khai thác, trữ lượng rừng thấp. Thường áp dụng phương pháp khoanh nuôi tái sinh, thiếu nguồn vốn đầu tư, thực hiện trồng bổ sung nâng cao chất lượng rừng. Diện tích rừng tự nhiên được giao cho hộ gia đình hầu như không mất nhưng kém phát triển do các hộ ít quan tâm. Lý do chủ yếu từ việc hưởng lợi từ rừng còn ít, rừng chưa mang lại hiệu quả về kinh tế cải thiện đời sống. Giao đất, khoán rừng theo Nghị định số 02/CP trên địa bàn tỉnh nhiều nơi chưa cụ thể, chưa chặt chẽ. Còn hiện tượng khó nhận biết được vị trí, ranh giới diện tích rừng được giao. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó có điều kiện, khả năng đầu tư KHKT và công nghệ tiên tiến, áp dụng cơ giới vào sản xuất.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để quản lý và bảo vệ rừng cần thiết phải có chủ rừng thực sự. Do đó, để quản lý đất rừng hiệu quả cần xác định rừng sẽ giao cho ai. Chủ rừng được giao phải có năng lực quản lý, sản xuất và phải là người lao động trực tiếp. Giao đất, giao rừng phải đáp ứng chức năng mới là quản lý rừng bền vững. Vì vậy, cần làm sao để người dân làm chủ thực sự của rừng và đừng biến họ là lao động làm thuê. Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, liên doanh liên kết, hình thành các tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi trong lâm nghiệp. Đó là giải pháp quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư xã hội vào trồng rừng sản xuất.

 

                                                                      Đinh Thắng

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục