(HBĐT) - Sau 2 năm thực hiện sáp nhập các trạm: Chăn nuôi và thú y (CN&TY), Bảo vệ thực vật (BVTV), Khuyến nông - Khuyến lâm (KNKL) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) đã tinh gọn đầu mối. Tuy nhiên lại nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có nhiều vấn đề phát sinh, đe dọa đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững nếu không có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.


Thú y cơ sở có vai trò quan trọng trong phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Nhân viên thú y và lực lượng xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.

Thú y cơ sở - điểm tựa cho ngành chăn nuôi

Củng cố, kiện toàn lại hệ thống thú y là vấn đề khá "nóng” trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, khi việc sáp nhập ngành CN&TY sau một thời gian đã nảy sinh nhiều bất cập. Với tỉnh Hòa Bình, vào giữa năm 2020, các huyện, thành phố đã lần lượt thành lập TTDVNN trên cơ sở sáp nhập Trạm CN&TY, BVTV và KNKL. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện sáp nhập, đến nay, lĩnh vực CN&TY gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi do việc nắm bắt, cập nhật thông tin từ cơ sở bị gián đoạn. 

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh có trên 640 nghìn con, trong đó, trâu trên 112 nghìn con, bò hơn  87 nghìn con, lợn trên 440 nghìn con, đàn dê hơn 50 nghìn con và trên 8 triệu con gia cầm. Những năm trở lại đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định. Chăn nuôi là một trong những ngành nghề đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân nông thôn. Tuy vậy, từ năm 2018 đến nay, lĩnh vực CN&TY có sự biến động do nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực này được ban hành. Như việc giao cho UBND các xã, phường, thị trấn tuyển dụng, quản lý đội ngũ nhân viên thú y xã; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; hay gần nhất là việc sáp nhập ngành CN&TY để tinh gọn bộ máy ngành nông nghiệp. Dù có nhiều chính sách tác động nhưng vai trò của đội ngũ thú y cơ sở rất quan trọng, họ chính là "điểm tựa” cho người chăn nuôi. Là những người gần dân, sát dân, nắm bắt thông tin ở cơ sở để tham mưu, triển khai các biện pháp phát triển chăn nuôi phù hợp, đặc biệt là ngăn chặn các loại dịch bệnh lây lan. 

Duy trì chăn nuôi trâu suốt chục năm qua, gia đình ông Bùi Văn Chính, xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) nhiều lần được nhân viên thú y tư vấn, cũng như cứu sống vật nuôi khi chẳng may bị bệnh. Mặc dù chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho gia đình nhưng ông Chính thừa nhận, ông và nhiều bà con trong xóm chưa có nhiều kiến thức về chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Thế nên, khi trâu, bò bị ốm hoặc chướng bụng, đầy hơi thì người đầu tiên ông Chính và bà con cầu cứu, đó chính là cán bộ thú y. "Chăn nuôi sợ nhất là khi vật nuôi bị bệnh vì mình không biết bị bệnh gì mà mua thuốc điều trị. Do đó, cần phải có cán bộ thú y được đào tạo bài bản qua trường lớp để giúp bà con. Mỗi con trâu, bò là tài sản rất lớn, nếu chẳng may xảy ra dịch bệnh mà người dân thì thiếu kiến thức, nên cán bộ thú y có vai trò rất quan trọng đối với người chăn nuôi” -  ông Chính chia sẻ. 

Tháng 9/2020, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Lúc bấy giờ, nhân viên thú y của nhiều xã phải trực để khoanh vùng, dập dịch, cũng như hướng dẫn người dân các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Như trên địa bàn xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát và diễn biến phức tạp. Khi đó, chị Đinh Thị Huê, cán bộ thú y xã đã trực ở các điểm "nóng” về dịch bệnh để hướng dẫn các hộ có lợn mắc bệnh thực hiện tiêu hủy lợn, phun khử trùng, tiêu độc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Lực lượng thú ý cũng đã phối hợp với các lực lượng khác của xã tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc bán chạy lợn ốm hoặc vận chuyển lợn ra vào địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, trong thời gian ngắn dịch bệnh được kiểm soát, không lây lan diện rộng. 

Vai trò của đội ngũ cán bộ thú y xã rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết: Từ năm 2018 đến nay, do tác động của nhiều chủ trương, chính sách mới, đặc biệt là sau sáp nhập ngành CN&TY, hệ thống thú y cơ sở không còn hoạt động hiệu quả như trước. Việc giao cho UBND các xã, phường, thị trấn tuyển dụng, quản lý đội ngũ cán bộ thú y khiến ngành CN&TY mất hệ thống "chân rết” ở cơ sở. Sau sáp nhập, lĩnh vực CN&TY được giao về Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Hòa Bình quản lý. Do đó, ngành CN&TY chỉ còn cấp T.Ư và cấp tỉnh, việc triển khai các nhiệm vụ của ngành gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác phối hợp thông tin, báo cáo về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh còn tồn tại nhiều bất cập. 

Nhiều bất cập

Cập nhật kịp thời tình hình dịch bệnh là yếu tố quan trọng để dập dịch và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, sau sáp nhập, việc nắm bắt thông tin từ cơ sở của ngành CN&TY nhiều khi chưa kịp thời, thậm chí là "không có số liệu vì huyện không báo cáo lên”. Nguyên nhân chính do khi thành lập TTDVNN, chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực CN&TY được giao cho phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Hòa Bình quản lý. Do đó, nếu các phòng nêu trên không báo cáo thì Chi cục CN&TY sẽ không có số liệu cập nhật, tổng hợp. 

Năm 2020, sau sáp nhập ngành CN&TY, nhiều địa phương lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực này. Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, đến nỗi, ngành chức năng không đưa kết quả tiêm phòng vào báo cáo vì đạt tỷ lệ quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương như: Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc, hệ thống thú y cơ sở đã và đang trở nên lỏng lẻo hơn sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, một số địa phương sáp nhập đơn vị hành chính đã phân công cán bộ không có chuyên môn lĩnh vực thú y kiêm nhiệm công tác thú y của xã, nên không tham mưu cho chính quyền cơ sở, không thực hiện được các biện pháp phòng, chống dịch; không báo cáo tình hình dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở, không tổ chức tiêm phòng vắc xin, điều trị bệnh động vật, chẩn đoán bệnh động vật, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở. Một số địa phương nhân viên thú y bỏ việc do phụ cấp thấp không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, trong khi đó, đơn vị hành chính địa bàn quản lý rộng hơn do sáp nhập xã. 

Anh Đinh Bá Hanh đảm nhiệm làm nhân viên thú y xã Tú Lý (Đà Bắc) đến nay hơn 10 năm. Với trình độ đại học, nhẽ ra anh Hanh sẽ có thu nhập ổn định hơn, thay vì mức phụ cấp chưa đến 1,5 triệu đồng anh được hưởng hàng tháng như hiện nay. Tú Lý là địa bàn có nhiều hộ phát triển chăn nuôi, lại giáp ranh với tỉnh Phú Thọ nên nguy cơ bị các dịch động vật xâm nhập cao. Thực tế, những năm trở lại đây, trên địa bàn xã đã xảy ra một số loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Theo anh Hanh, công việc của nhân viên thú y xã khá vất vả, sau sáp nhập địa bàn rộng hơn nhiều nhưng mức phụ cấp hàng tháng vẫn như cũ. "Với mức phụ cấp như hiện nay thì anh em làm nhân viên thú y xã rất vất vả, khó mà gắn bó với nghề được” - anh Hanh chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng CN&TY, Chi cục CN&TY tỉnh cho biết: Khi hệ thống ngành CN&TY còn xuyên suốt từ T.Ư đến cơ sở, việc triển khai các nhiệm vụ công tác của ngành được triển khai đồng bộ, kịp thời. Hàng năm, đội ngũ nhân viên thú y xã đều được tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; phổ biến các thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh để tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như triển khai tiêm phòng đạt tỷ lệ cao. Nhưng 2 năm trở lại đây, công tác phối hợp thông tin về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của một số địa phương chưa được quan tâm. Một số địa phương khi dịch bệnh động vật xảy ra còn chậm cập nhật tình hình ổ dịch, chưa  báo cáo kịp thời theo quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không đảm bảo yêu cầu đặt ra, dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. 

Tăng cường năng lực hệ thống thú y 

Trước thực trạng của hệ thống thú y cơ sở hiện nay, thời gian qua đã có những tỉnh sau khi thực hiện sáp nhập ngành CN&TY nay đang chuẩn bị tách ra, đưa hệ thống ngành CN&TY trở về như trước thời điểm chưa sáp nhập. Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg, ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND, ngày 21/7/2021 về triển khai thực hiện đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. 

Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách ngành thú y phù hợp với địa phương, bảo đảm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về thú y hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; phối hợp các cơ quan T.Ư, tổ chức, dự án hợp tác quốc tế để tăng cường nghiên cứu về dịch tễ thú y, các loại dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lây từ động vật sang người, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Không có hệ thống thú y sẽ không có dịch tễ, không có phòng bệnh, không an toàn thực phẩm, không có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và không có xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Từ đó, rất khó để có được một ngành chăn nuôi bền vững. Có thể nói, việc sáp nhập ngành CN&TY đã giúp tinh gọn bộ máy ngành nông nghiệp, nhưng trước những tồn tại như hiện nay, cần sự quan tâm tháo gỡ kịp thời để chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, theo đúng quy hoạch. 

Viết Đào


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục