(HBĐT) - Tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp trên 298.000 ha, chiếm 64% tổng diện tích tự nhiên. Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định 51,5%. Bên cạnh những lợi ích rừng mang lại, người dân được hưởng lợi từ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Tuy nhiên, thời gian qua, đã có những hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của rừng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đơn vị chức năng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

 


Cán bộ kiểm lâm huyện Lạc Sơn kiểm tra rừng ngoài thực địa. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các vụ vi phạm

Liên tiếp trong 3 ngày (7, 11 và 12/2), tại 3 điểm rừng trong khu vực khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu), lực lượng kiểm lâm phát hiện 61 cây rừng bị chặt phá, khối lượng đo được trên 15 m3 gỗ, diện tích rừng bị phá trên 2.000 m2. Qua công tác điều tra, xác minh, tại điểm thứ 3 xác định đối tượng chặt hạ cây rừng là Vàng A Giống, trú tại xóm Hang Kia, xã Hang Kia. 

Đồng chí Bùi Văn Đoàn, Trưởng Ban quản lý khu BTTN Hang Kia – Pà Cò cho biết: Thực hiện nhiệm vụ BVR đặc dụng, BQL khu BTTN Hang Kia - Pà Cò đã chỉ đạo cán bộ, viên chức tăng cường xuống địa bàn tuần tra, kiểm tra các lô rừng được phân công quản lý. Với tình hình an ninh rừng trên địa bàn phức tạp, nhất là việc các đối tượng liều lĩnh chặt phá cây rừng, đơn vị đã báo cơ quan chức năng. Hiện, UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật, đảm bảo ANTT và BVR tại khu bảo tồn, tránh tình trạng người dân cố tình vi phạm.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 3 lực lượng. Thực hiện tốt quy chế BVR vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cấp chính quyền cơ sở và chủ rừng trong công tác BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các điểm, vùng có nguy cơ về phá rừng, cháy rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời; tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; không để xảy ra các điểm nóng về mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản. Trong quý I, đã kiểm tra phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó, 2 vụ vi phạm về quản lý, sử dụng rừng; 2 vụ vi phạm quy định về phát triển, BVR; 11 vụ vi phạm về quản lý lâm sản. Tổng số lâm sản tịch thu 9,269 m3 gỗ các loại. Việc xử lý các vụ vi phạm được thực hiện cương quyết, nghiêm minh, đúng người, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao, không có khiếu nại xảy ra. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về bảo vệ, phát triển rừng (BV, PTR) được tiến hành thường xuyên, có sự tham gia của nhiều đơn vị và cả người dân. Ở cơ sở, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp chống chặt phá rừng trên địa bàn quản lý; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, trưởng các khu dân cư thực hiện tuyên truyền, PBGDPL cho các gia đình, cá nhân trên địa bàn, giáo dục thành viên trong gia đình, dòng họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác đối tượng vi phạm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 385 lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề về triển khai Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, với 45.979 lượt người tham gia. Thông qua việc tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật có liên quan. 

Còn nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng

Công tác BVR còn gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, mức hỗ trợ cho cán bộ hợp đồng BVR và PCCCR rất thấp (chỉ 145.000 đồng/tháng), do đó, chưa thật sự khuyến khích được người dân và cộng đồng tham gia BVR.

Đời sống Nhân dân còn khó khăn, thiếu vốn đầu tư thâm canh trong trồng rừng, phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Trong khi Hòa Bình không nằm trong vùng quy hoạch phát triển gỗ lớn, không được hỗ trợ kinh phí nên việc triển khai trồng rừng gỗ lớn hạn chế. 



Các lực lượng tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xóm Chanh, xã Cao Sơn (Lương Sơn). 

Chưa có quy định quản lý đối với các hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp nhỏ lẻ nên việc kiểm soát chất lượng cây giống của các đối tượng này còn bất cập.

Chính quyền một số địa phương trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về BV, PTR chưa dành nhiều quan tâm, đôi khi thiếu trách nhiệm dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BV, PTR chưa cao. Nhận thức của người dân, chủ rừng chưa đầy đủ, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Đồng chí Lê Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong điều kiện biên chế ít, kinh phí hạn hẹp, địa bàn hoạt động rộng, các cấp, ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh có nguy cơ bị xâm hại cao, lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần rừng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội, các đơn vị liên quan trong công tác BVR, PCCCR; đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến lâm sản; vào các dịp lễ, Tết tập trung lực lượng để ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên, động vật hoang dã trái phép; xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chức năng; đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho lực lượng có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là lực lượng kiểm lâm.

Cùng với đó, tỉnh có các chính sách PTR bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng, làm giàu rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có; kết hợp phát triển lâm nghiệp với nông nghiệp, ngư nghiệp; trồng rừng kinh tế gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ rừng. 

Giải pháp ngăn chặn vi phạm lâm luật

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có nhiều nguyên nhân khiến quá trình thực hiện các chương trình phát triển lâm nghiệp bị ảnh hưởng, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, BVR và quản lý lâm sản vẫn diễn ra, nhất là ở những nơi trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thói quen sống dựa vào sản phẩm sẵn có từ rừng.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để chủ động triển khai các biện pháp BVR, ngăn chặn tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh, tập trung triển khai một số biện pháp cấp bách sau: Phối hợp các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái pháp luật. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai kết quả xét xử để toàn xã hội tham gia giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, BVR và người đứng đầu thiếu trách nhiệm. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng cho chính quyền cơ sở. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến, để quản lý nguyên liệu hợp pháp. Ngoài ra, làm tốt công tác tuyên truyền cho Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, xa nắm, hiểu được pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, tuyên truyền để người dân thấy rõ được nguy cơ, các hiểm họa về thiên tai do hành vi khai thác, phá rừng bừa bãi gây ra. Tăng cường tuyên truyền về điển hình tốt trong công tác quản lý, BVR; phản ánh trung thực, tạo nhận thức, hành động thống nhất đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật BV, PTR. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển KT-XH, sử dụng rừng và hưởng lợi từ rừng một cách bền vững, có hiệu quả lâu dài…

Đinh Thắng

Bám cơ sở thực hiện quản lý, bảo vệ rừng

Lạc Sơn là huyện có diện tích tự nhiên rộng, đất có rừng còn nhiều, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí, ý thức về BVR của một bộ phận người dân sống gần rừng chưa cao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn một diện tích lớn rừng đặc dụng có nhiều lâm sản có giá trị bảo tồn, giá trị kinh tế cao tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia, là nơi các đối tượng lâm tặc thường xuyên để ý nhằm khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản kiếm lời, làm tăng áp lực về BVR đối với các cơ quan chức năng. Đời sống của một bộ phận người dân phải dựa nhiều vào rừng, từ việc lấy gỗ, củi để phục vụ dân sinh, đến trang trải cuộc sống hàng ngày. Một số nơi, chính quyền cơ sở chưa chủ động thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, BVR và PTR, vẫn còn né tránh hoặc trông chờ vào các cơ quan chức năng cấp trên.

Do đó, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường bám cơ sở, thực hiện công tác quản lý, BVR, PCCCR và giữ vững vốn rừng hiện có; yêu cầu kiểm lâm địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan tới các địa bàn được phân công.

Đinh Bá Hùng
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn

Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm

Để giảm thiểu những vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với gỗ loài thông thường, đối với gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các mức phạt đối với hành vi khai thác trái pháp luật lâm sản ngoài gỗ... Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ góp phần đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm, bảo đảm, tăng cường các biện pháp xử lý trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp. Qua đó, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp hội nhập, phát triển ổn định, bền vững. 
Trần Mạnh Cường
Phó trưởng Ban quản lý khu BTTN Phu Canh (Đà Bắc)

Đảm bảo sinh kế cho người dân để ngăn chặn phá rừng

Bên cạnh các giải pháp quản lý, BVR thì hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, vùng lõi rừng đặc dụng khu bảo tồn là giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững. Thực tế cho thấy, giữ rừng, phát triển phủ xanh đất trống, đồi trọc, để ứng phó với biến đổi khí hậu… nhưng nếu không nâng cao được thu nhập cho người dân sống trong khu vực rừng, sẽ rất khó giữ rừng. Tỉnh có thể xây dựng các mô hình kinh tế xoay quay tiềm năng, thế mạnh rừng đặc dụng khu bảo tồn như canh tác cây dược liệu, cây rau rừng; mở những tuyến đường mòn du lịch để người dân làm dịch vụ…, qua đó sẽ giảm áp lực cho công tác BVR.

Có thể thấy, từ khi triển khai các chính sách, dự án, mô hình tạo sinh kế cho cộng đồng người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi khu bảo tồn, mặc dù với nguồn vốn còn ít nhưng đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương. Cũng từ đó, ý thức quản lý, BVR trong cộng đồng thôn, bản được nâng cao. Các hoạt động đầu tư trên đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, góp phần ổn định tình hình quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng. Mong muốn tỉnh tiếp tục có những dự án, mô hình phù hợp cho người dân tham gia, từ đó phát huy vai trò trong công tác quản lý, BVR, ngăn chặn nạn phá rừng. 
Sùng A Trường
Xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu)



Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục