(HBĐT) - Mỗi độ xuân về, cùng với không khí tưng bừng đón Tết đến, xuân sang, các địa phương cũng sẵn sàng đón mùa lễ hội. Các ngành chức năng của tỉnh đã, đang nhập cuộc để có một mùa lễ hội thực sự vui tươi, an toàn, tôn vinh và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.



Lễ hội Gầu Tào năm 2020 được tổ chức góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).

Khơi dòng chảy cho các lễ hội truyền thống

Với mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân Hòa Bình nói riêng, từ lâu, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và tuyên truyền giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích. Đây còn là dịp để mọi người giao lưu, cộng cảm và trao truyền đạo lý, tình cảm, khát vọng cao đẹp, cũng là dịp để vui chơi, thư giãn tinh thần sau một năm lao động vất vả.

Vì lẽ đó, những năm gần đây, Sở VH-TT&DL đã tích cực tham mưu cho tỉnh dành sự quan tâm tới việc tổ chức, phục dựng các lễ hội, góp phần khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Những lễ hội được tổ chức phục dựng là những lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống dân tộc thiểu số trên địa bàn như: lễ hội Khai hạ của người Mường, lễ hội Xên bản, Xên Mường của người Thái, lễ hội Gầu Tào của người Mông…

Ngay trong ngày đầu năm Canh Tý 2020, tôi được góp mặt trong lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (lễ hội được phục dựng lại từ năm 2017). Người dân tham dự lễ hội tràn đầy niềm hân hoan trong ánh mắt, nụ cười. Ông Sùng A Phờ, một bậc trưởng lão của dân tộc Mông xã Pà Cò, người được chọn làm lễ cúng trời đất trong lễ hội chia sẻ: "Lễ hội Gầu Tào có 2 phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu từ nghi lễ trồng cây nêu - cây mang biểu tượng nối trời với đất, nguyện cầu sinh con, vụ mùa bội thu. Cây nêu được coi là cây thiêng đánh đuổi tà ma, ngừa tránh những xui xẻo và mang lại may mắn cho năm mới. Sau nghi thức dựng, cúng lễ bên cây nêu, trai gái bản Mông nắm tay nhau múa vòng theo nhịp khèn, tham dự phần hội với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi dân gian. Ơn Đảng, ơn chính quyền đã quan tâm phục dựng lại lễ hội để người dân bản Mông chúng tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu, cùng quảng bá văn hóa truyền thống và gìn giữ cho muôn đời sau”.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2019, các địa phương trong tỉnh đăng ký tổ chức 63 lễ hội, đã tổ chức được 61 lễ hội, trong đó có 3 lễ hội quy mô cấp tỉnh, gồm: lễ hội chùa Tiên - Lạc Thủy, lễ hội Mường Động - Kim Bôi và Hội xuân Văn hóa - Thể thao gắn với liên hoan nghệ thuật quần chúng của huyện Kỳ Sơn; 1 lễ hội cấp huyện mới được phục dựng là Hội xuân của người Dao tại xã Cao Sơn (Đà Bắc), còn lại là các lễ hội cấp xã. Năm 2020 đã tổ chức được Lễ hội Gầu Tào. Quy mô tổ chức lễ hội nhỏ nhưng ý nghĩa, sức lan tỏa của các lễ hội khá lớn, góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Tăng cường chấn chỉnh những hành vi "lệch chuẩn” trong lễ hội

Theo những người am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội được xem là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh nét đẹp văn hóa, mang tính giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, gắn kết tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước. Tuy nhiên, hiện tại có một thực tế: khi đời sống được nâng cao, mỗi dịp Tết đến, xuân về, người người trẩy hội, nhà nhà trẩy hội. Theo đó, không ít người đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao, dẫn đến quan niệm lệch lạc: đã có mặt trong lễ hội là phải quyên tiền công đức, bằng không sẽ mắc tội với thánh thần. Từ đó phát sinh một lực lượng "cò mồi” chuyên đổi tiền lẻ theo kiểu "chặt chém", đổi mười lấy tám (một trăm nghìn đồng đổi lấy 80 nghìn đồng). Những đồng tiền mới có mệnh giá nhỏ 1.000 - 2.000 đồng được được nhét bừa nơi tượng phật, ban thờ, hốc đá, mô đất… gây mất mỹ quan, phản cảm. Với suy nghĩ trần sao âm vậy, không ít người chịu chi "lễ khủng” với nhà lầu, xe hơi, đồng hồ, quần áo… (hàng mã) để đốt khi hành lễ, vừa lãng phí tiền của, vừa ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.


Nhiều ban thờ nhỏ được dựng lên để du khách hành lễ và thu tiền giọt dầu trong khu vực động Tiên - Lạc Thủy (ảnh chụp tháng 4/2019).

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL đánh giá: Trong 2 năm qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh luôn được tổ chức theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, các lễ hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, phù hợp với quy mô và nội dung của lễ hội. Đã giảm hẳn lực lượng đổi tiền lẻ, cúng bái mê tín dị đoan ở đền, chùa, đặc biệt là không có tình trạng chen lấn, xô đẩy cướp "lộc”… Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, ở một số lễ hội còn những vấn đề cần quan tâm như: công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; còn hiện tượng đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định, gây phản cảm; tại điểm lễ hội không thực hiện việc tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa của lễ hội và điểm di tích… để đông đảo người dân được biết.

Để mùa lễ hội 2020 diễn ra an toàn, văn minh, tạo sự hứng khởi trong nhân dân, Sở VH-TT&DL đã ban hành Văn bản số 13, ngày 7/1/2020 về tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội gửi UBND các huyện, thành phố, yêu cầu: việc tổ chức lễ hội bảo đảm các giá trị truyền thống cũng như nếp sống văn minh trong không gian thờ tự; không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí; nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tổ chức dịch vụ trong khu vực bảo vệ của di tích lịch sử, văn hóa.

Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích. Do đó, lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống, không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình tổ chức lễ hội phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh, bảo đảm ANTT - ATXH, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nơi diễn ra lễ hội. Đối với các lễ hội diễn ra trên sông nước, đề nghị ban tổ chức lễ hội có các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cho nhân dân tham gia lễ hội… tất cả vì một mùa lễ hội vui tươi, an toàn.

  

Lễ hội cần được duy trì và phát triển theo định hướng tích cực

Thượng tọa Thích Đức Nguyên

UVHĐTS GHPG Việt Nam, Trưởng BTS GHPG tỉnh, trụ trì chùa Phật Quang Hòa Bình

Ở Việt Nam, lễ hội là truyền thống tốt đẹp của dân tộc có hàng nghìn năm lịch sử, thể hiện sự ghi nhận công đức và lòng tri ân của các thế hệ đối với các bậc tiên hiền đã có công giúp dân khai hoang, lập ấp; đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Lễ hội mang truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... Hầu hết các lễ hội đều mang tính giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc với truyền thống lịch sử vẻ vang cha ông ta đã gây dựng, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, xã hội. Đến với lễ hội, mọi người tự nhận thấy phải luôn sống hướng thiện, sống có đạo đức, cùng cầu cho quốc thái dân an, bản thân và gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, ai cũng phải có trách nhiệm với quê hương, đất nước nên nhiều người đã làm nhiều việc tốt hơn, con người trở nên hoàn thiện hơn. Vì vậy, lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội hiện nay đã phát sinh một số hạn chế do lễ hội được tổ chức tràn lan, thiếu sự quản lý, thậm chí có những lễ hội được tổ chức không phù hợp với truyền thống. Trong lễ hội, còn có nhiều hình ảnh không đẹp như: đốt hương, vàng mã, sắm lễ, xóc thẻ xin quẻ, mua dấu ấn, tiền để tùy tiện vào khắp tượng Phật, tượng Thánh, vứt xuống giếng… Do đó, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho mọi người nâng cao nhận thức về lễ hội, có ý thức trách nhiệm tham gia lễ hội, bảo đảm hoạt động lễ hội thực sự văn hoá, văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

  

Tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra các điểm lễ hội

Nguyễn Mạnh Trưng

Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL

Để các lễ hội được tổ chức văn minh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với quy mô, nội dung, phản ánh đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của lễ hội, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất ở các lễ hội. Theo đó, trong năm 2019, lực lượng liên ngành đã tổ chức 10 lượt kiểm tra ở các lễ hội trên địa bàn. Qua kiểm tra đã nhắc nhở ban tổ chức, ban quản lý, các thủ nhang về công tác đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, kiểm soát việc đốt hàng mã và đảm bảo không có các hoạt động mê tín, dị đoan trong khu vực lễ hội.

Mùa lễ hội năm 2020 đã cận kề, hiện đoàn thanh tra liên ngành tích cực vào cuộc để thanh, kiểm tra các điểm lễ hội. Bên cạnh các điểm lễ hội lớn như: lễ hội Chùa Tiên - Lạc Thủy, lễ hội đền Bờ thuộc các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, lễ hội Khai Hạ Mường Bi…, đoàn sẽ lần lượt đến các lễ hội ở cấp xã, cấp thôn, xóm. Cùng với việc kiểm tra kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội và di tích, đoàn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lễ hội đúng quy định, đảm bảo an vui, đúng thuần phong, mỹ tục, phù hợp điều kiện KT-XH của địa phương.

 

Đảm bảo tuân thủ các quy định về tổ chức lễ hội trên địa bàn

Hoàng Mạnh Khỏe

Trưởng phòng VH-TT huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thủy hiện có 6 di tích xếp hạng quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 29 di tích nằm trong Quyết định số 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh về bảo vệ di tích.

Hàng năm, ngoài lễ hội chùa Tiên, huyện còn có một số lễ hội truyền thống được duy trì để phục vụ du lịch ở các xã, thị trấn như: Lễ hội đình Niếng, xã Hưng Thi; lễ hội đình làng Vôi, đình làng Vai, đình làng Đồi, xã Thanh Nông; đình làng Chùa, xã Phú Thành; lễ hội đền Rem, thị trấn Chi Nê; lễ Phật Đản tại chùa An Linh, xã Yên Bồng…

Đón mùa lễ hội năm 2020, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, phân công cụ thể nhằm tuân thủ đúng quy định về tổ chức lễ hội, tạo sự phấn khởi trong nhân dân và quảng bá về du lịch của huyện. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng VH-TT sẽ phối hợp với các ngành liên quan giải quyết dứt điểm việc thu tiền công đức và không nộp tiền công đức về Kho bạc Nhà nước theo quy định tại điểm động Hoàng Bảy. Giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến việc thu nộp tiền công đức tại các điểm động, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trong mùa lễ hội năm 2020, lực lượng liên ngành phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em, người già ăn xin, đổi tiền lẻ, bán hàng rong chèo kéo khách tại khu du lịch. Đề xuất biện pháp tháo dỡ hàng quán, lều, bạt trái phép tại đường lên xuống các điểm di tích làm mất tầm nhìn, ảnh hưởng mỹ quan. Đặc biệt, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan tại các điểm di tích. Nghiêm cấm hình thức bói toán, xóc thẻ, buôn thần, bán thánh, nước lộc, xin lộc, chữa bệnh, nước thuốc, nước tiên, giếng tiên, mời chào cầu cúng tại các điểm di tích trên địa bàn.

 

                                                               Thúy Hằng

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục