(HBĐT) - Những năm qua, BTV Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, kế hoạch, chỉ thị của T.Ư về quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi" đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.


Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra dự án hồ Cánh Tạng, huyện Lạc Sơn.

Tạo đồng thuận thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Từ việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã giúp cấp ủy, chính quyền xã Yên Phú (Lạc Sơn) hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng là thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng tái định cư phục vụ thi công hồ chứa nước Cánh Tạng và đáp đích xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng chí Quách Công Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú cho biết: Đối với dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, công trình có ảnh hưởng tới hơn 600 hộ dân trong và ngoài xã phải di dời. Riêng trên địa bàn xã có diện tích phải giải phóng tới 400 ha của trên 440 hộ dân 4 xóm, trong đó có hàng trăm ngôi mộ phải di dời. Có thời điểm người dân không đồng thuận, nhiều gia đình tâm tư, không muốn di chuyển nhà cửa, tài sản, hoa màu, mồ mả ông cha… Năm 2019, tình hình an ninh nông thôn rất căng thẳng. Xã đã phối hợp các ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích, tổ chức họp, đối thoại công khai chính sách đền bù cho người dân bị ảnh hưởng. Dần dần người dân hiểu, ủng hộ chủ trương của Nhà nước, hoàn thành xây dựng 2 khu tái định cư đồng bộ để người dân có cuộc sống tốt hơn. Cùng với đó, xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đóng góp ngày công xây dựng NTM, hưởng ứng chủ trương dồn điền, đổi thửa, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả hơn. Năm 2021, xã đạt chuẩn NTM. Liên tục nhiều năm Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh.

Đảng bộ huyện Lương Sơn đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc QCDC, tổ chức tiếp xúc, đối thoại (TX, ĐT) với người dân, từng bước giải quyết những vấn đề bức thiết trong quản lý đất đai, xây dựng, tài nguyên khoáng sản, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, trước Nghị quyết của Tỉnh ủy 1 năm. Từ đầu năm đến nay, các mặt công tác của Đảng bộ huyện có chuyển biến tích cực, đã thực hiện 2/18 chỉ tiêu hoàn thành, 1 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, 6 chỉ tiêu và 1 chỉ số được đánh giá hoàn thành bằng và trên 50%, có chỉ tiêu đạt trên 90% kế hoạch. Huyện đang thực hiện Nghị quyết số 10 của BTV Tỉnh ủy về huy động nguồn lực xây dựng huyện đạt tiêu chí thị xã vào năm 2025. Huyện Lạc Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại nhiều địa phương như: TP Hòa Bình, Kim Bôi, Tân Lạc…, nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh có chuyển biến sau đại hội Đảng.

Theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy: Qua 5 năm triển khai Chỉ thị số 31-CT/TU về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc thực QCDC ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, công khai, minh bạch, lấy ý kiến Nhân dân, đặc biệt là việc triển khai các chương trình, dự án góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng NTM, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người dân. Bộ máy cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức gần dân, sát dân hơn, làm việc hiệu quả hơn. MTTQ, các tổ chức CT-XH đổi mới phương thức hoạt động, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện và giám sát, phản biện việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở. Chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng được nâng lên.

Thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. 100% cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn đã đưa nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở thành tiêu chí bình xét thi đua hàng năm đối với tổ chức Đảng và đảng viên. 100% cơ quan, đơn vị ban hành quy chế, nội quy tiếp công dân; công khai lịch tiếp công dân, công khai số điện thoại tiếp nhận, giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 1.348 cuộc TX, ĐT với Nhân dân, trong đó tổ chức 119 cuộc TX, ĐT trực tiếp với MTTQ, các tổ chức CT-XH theo hình thức hội nghị riêng. Nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến chính sách và cuộc sống người dân quan tâm đã được giải quyết kịp thời. Việc thực hiện dân chủ trong thực hiện nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn dịch Covid-19 đảm bảo yêu cầu đề ra, thực hiện chi trả theo đúng quy định. Vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 được quan tâm thực hiện hiệu quả. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo bầu không khí dân chủ, sự đồng thuận cao, góp phần tích cực vào việc phát triển KT-XH.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở còn những tồn tại như: Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa phát huy hết trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một số chương trình, dự án đền bù, GPMB chậm công khai lấy ý kiến Nhân dân, chưa đảm bảo quyền giám sát của Nhân dân. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhũng nhiễu, hách dịch, chưa thực hiện đúng quy tắc ứng xử với Nhân dân. Công tác tiếp dân, TX, ĐT giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở một số địa phương, một số vụ việc chưa triệt để, còn kéo dài…


Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) 100% vốn đầu tư Nhật Bản chăm lo cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo: Các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về dân chủ, phương châm thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hành dân chủ gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quyết định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 31/8/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025…

Theo đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện QCDC ở cơ sở; thực hiện tốt việc TX, ĐT với Nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong từng địa phương, đơn vị có hiệu quả. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, đảng viên, người có chức vụ theo dõi đôn đốc, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, lấy sản phẩm đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên. Thường xuyên tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực chất việc thực hiện QCDC ở các loại hình, đề ra các biện pháp nhằm tăng cường, củng cố việc thực hiện QCDC một cách cụ thể, phù hợp. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp. Phối hợp, tổ chức nghiêm túc, thường xuyên các cuộc tiếp xúc cử tri để lắng nghe, tiếp thu và giải trình, trả lời hoặc giải quyết kịp thời, dứt điểm các ý kiến góp ý, kiến nghị của cử tri.

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quyết định số 1441/QĐ-UBND, ngày 15/7/2022 về phê duyệt danh mục thủ tục hành chính cắt giảm 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành, thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. 

 

Động lực để phát triển KT-XH, cải thiện cuộc sống người dân

Đinh Thị Thủy

Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Thông qua việc quán triệt và thực hiện các chủ trương, kế hoạch, chỉ thị của T.Ư về QCDC cơ sở đã, đang góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH, cải thiện cuộc sống người dân. Kết quả đó đã đưa ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở, đó là: Cần xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện QCDC ở cơ sở phải đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là trong việc kiểm tra, giám sát, thụ hưởng, gắn với phát triển KT-XH, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức CT-XH trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện QCDC ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở và đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp về xây dựng, thực hiện QCDC. Quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện QCDC ở cơ sở...

  

Tăng cường chỉ đạo gắn với kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế dân chủ

Bùi Thị Bình

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Yên Thủy

Huyện Yên Thủy đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở, trong quá trình thực hiện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm để có giải pháp chỉ đạo phù hợp đã tạo chuyển biến mạnh mẽ ở tất các các lĩnh vực công tác. Nhiều cơ quan, đơn vị đã huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần của Nhân dân phát triển KT-XH; dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng NTM, các phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, công tác vận động xây dựng các quỹ nhân đạo, từ thiện được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị tiến bộ rõ rệt, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu KT-XH. Quốc phòng giữ vững, ANCT - TTATXH ổn định, không có điểm nóng. Năm 2021, huyện Yên Thủy đứng đầu các huyện, thành phố về chỉ số năng lực canh tranh, xếp thứ 2 trong chất lượng quản lý, điều hành của các địa phương.

  

Huy động nguồn lực trong Nhân dân xây dựng nông thôn mới

Bùi Văn Thượng

Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Dũng Phong (Cao Phong)

Dũng Phong là xã trung tâm Mường Thàng - Cao Phong vinh dự được tỉnh chọn làm điểm xây dựng NTM và đã về đích năm 2015, đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, hiện xã tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu theo lộ trình. Một trong những nguyên nhân để tạo được kết quả quan trọng là cấp ủy, chính quyền đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, chỉ thị của T.Ư, tỉnh, huyện về thực hiện QCDC ở cơ sở. Các chủ trương, định hướng về xây dựng NTM, cũng như phát triển KT-XH được công khai để người dân bàn, đóng góp, tham gia, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Xã huy động tốt các nguồn từ ngân sách, xã hội và Nhân dân để hoàn thiện các tiêu chí NTM theo chuẩn nâng cao. Đến nay, hệ thống đường giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng; cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế… cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Các phong trào, cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; khu dân cư văn hóa; đường - vườn - nhà sạch, ngăn nắp, đoạn đường phụ nữ tự quản; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu… ngày càng đi vào thực chất, tạo diện mạo đổi thay rõ rệt.



Lê Chung

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục