(HBĐT) - Vào những ngày đầu tháng 1/2018, hơn 20 con gia súc gồm cả trâu, bò và bê, nghé của các hộ nuôi ở 3 xóm Vín Hạ, Cọi, Hương Hòa, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đang khỏe mạnh đột ngột lăn ra chết. Qua xác minh nguyên nhân của cơ quan chuyên môn thì số trâu bò bị chết là do ăn quá nhiều thân mía dẫn đến bị ngộ độc.


Cỏ tươi và rơm rạ vẫn là thức ăn chính của gia súc ở vụ Đông – Xuân

Theo chị Bùi Thị Thư, thú y viên của xã Hương Nhượng, khi các hộ gọi thú y viên đến kiểm tra thì gia súc đã trong tình trạng không thể cứu chữa được nữa. Biểu hiện mà các hộ chăn nuôi nhận thấy là gia súc sau khi ăn thức ăn, cụ thể là thân cây mía cỏ và các đoạn mía đã được cắt khúc và chẻ nhỏ xảy ra hiện tượng chướng bụng, đầy hơi, khó thở, không đứng lên được và có con bị sùi bọt mép. Thống kê có gần 10 hộ chăn nuôi thuộc 3 xóm nêu trên có gia súc bị thiệt hại, trong đó hộ thiệt hại ít nhất là 1 con, nhiều nhất là 3 con.

Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh có gia súc bị thiệt hại do ngộ độc sắn, thân cây mía mà những năm trước đây ở một số địa phương như Cao Phong, Tân Lạc cũng đã ghi nhận thiệt hại về đàn. Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó chi cục Chăn nuôi & Thú y, ở vụ Đông – Xuân, lượng thức ăn trở nên khan hiếm, người chăn nuôi thường tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có các loại sắn củ tươi, thân, ngọn mía làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên có một thực tế là trong các loại sắn củ tươi chứa nhiều độc tố axit xianua, nhất là ở phần vỏ sắn và thân cây mía thì chứa nhiều Acetone huyết dễ gây ngộ độc cho động vật sống nếu ăn nhiều.

Những năm gần đây, diện tích cây mía, bao gồm cả mía trắng và mía tím, diện tích sắn cao sản tăng đáng kể giúp người dân trên địa bàn tỉnh cải thiện nguồn thu nhập, đồng thời là nguồn thức ăn dồi dào giúp người chăn nuôi yên tâm hơn trong vấn đề phòng – chống đói cho gia súc vụ Đông – Xuân. Tuy nhiên, những lưu ý với bà con là với vật nuôi, cụ thể là giống động vật thuộc bộ nhai lại như trâu, bò, thức ăn chính của chúng vẫn là cỏ, rơm rạ, cây ngô, cây chuối, lá và ngọn mía… tức là các loại thức ăn thô, xanh. Với thức ăn tinh bột như cám ngô, sắn, gạo chỉ là nguồn bổ sung nên cho ăn với lượng vừa phải. Riêng thân mía và củ sắn hạn chế cho ăn nhiều bởi trong thân mía có lượng đường cao gây lên men dẫn đến triệu chứng điển hình là nhịp tim tăng nhanh, huyết áp giảm mạnh, khó thở. Gia súc ăn sắn tươi nhiều cũng dễ bị say sắn, hiện tượng dãi dớt nhiều và sẽ chết nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Qua báo cáo từ hệ thống chăn nuôi và thú y cơ sở, kể từ đầu vụ Đông – Xuân 2017 – 2018 đến nay, đã có khoảng 100 con gia súc bị thiệt hại. Trong đó, ngoài khoảng 80 con (chủ yếu là bê, nghé non) vẫn đang xác minh nguyên nhân chết do đói, rét, vụ việc 20 con gia súc bị chết do ngộ độc sau ăn thân cây mía tại xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) là thiệt hại điển hình. Chi cục Chăn nuôi & Thú y lưu ý người chăn nuôi bên cạnh việc cung cấp đủ lượng thức ăn thô, xanh cho gia súc mỗi ngày tương đương 8% - 10% trọng lượng cơ thể, các hộ chỉ cho trâu, bò ăn thức ăn bổ sung tối đa 3kg thân mía, củ sắn hoặc cám gạo, bột ngô… mỗi ngày. Nên ủ chua sắn, mía trước khi cho ăn để thải bớt độc tố. Khuyến cáo người chăn nuôi khi thấy vật nuôi sau ăn thức ăn bổ sung, đặc biệt là sắn, mía có các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, khó thở cần thực hiện biện pháp xử lý ngộ độc kịp thời. Biện pháp khẩn cấp nhất là chọc dạ cỏ để gia súc thoát hơi. Nếu được phát hiện sớm thì xử trí bằng thuốc uống, thuốc tiêm chữa đầy hơi, chướng bụng. Liên hệ ngay với cơ quan thú y gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn xử trí.

Bùi Minh

Các tin khác


Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục