(HBĐT) - Sau trận mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa qua, Tân Minh là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề của huyện Đà Bắc. Trong đó, sạt lở đất khiến 2 hộ dân mất chỗ ở và nhiều hộ khác nơm nớp lo mất nhà nếu tiếp tục xảy ra những trận mưa lớn tương tự.

Một khối lượng lớn đất, đá, cây cối sạt lở vào căn nhà xây của gia đình ông Hà Văn Lan, xóm Cò Phày, xã Tân Minh (Đà Bắc) buộc hộ này phải di dời đến nơi ở mới.

Đến Tân Minh những ngày này là hình ảnh những con đường bị đứt đoạn bởi đất, đá trượt sạt từ các taluy và nỗi lo hiện rõ trên khuôn mặt những người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất. Theo thống kê của UBND xã, trận mưa lớn đã gây thiệt hại gần 7 ha lúa, khoảng 1,5 ha cây bồ đề và cây keo bị gãy đổ, nhiều ao cá, tuyến mương bị vỡ. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất xảy ra rất nghiêm trọng với 23 điểm sạt lở trên các tuyến giao thông; 2 nhà kiên cố bị hư hỏng nặng, buộc phải di dời người và tài sản; 35 hộ bị sạt đất từ trên taluy vào nhà.

Chúng tôi đến xóm Cò Phày, xóm có 2 hộ dân phải di dời ngay trong ngày đầu tiên xảy ra trận mưa lớn vì sạt lở đất. Dọc tuyến đường bê tông vào Cò Phày có nhiều điểm sạt lở taluy dương với đất, đá, cây cối nằm ngổn ngang giữa đường, chỉ có thể lách qua được bằng xe máy. Ông Hà Văn Ổn, công an viên xóm Cò Phày cho biết: Hai năm trước, trong xóm đã có nhiều hộ bị sạt lở đất vào nhà. Với loại đất cát pha, chịu khô hạn kéo dài nên khi mưa xuống, chỉ sau 1 ngày đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Hai hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất là hộ ông Hà Văn Lan và hộ anh Hà Văn Dương.

Cây cối đổ ụp vào tường phía sau nhà, còn trong nhà thì bùn đất vẫn còn nhão nhoẹt, lấp toàn bộ nền nhà, có đoạn ngập gần đầu gối người lớn - đó là hình ảnh tan hoang ở ngôi nhà xây của gia đình ông Lan. Những cánh cửa bằng nhôm kính mới lắp năm vừa rồi, nay được xếp ngổn ngang ngoài sân. Trong nhà, từ phòng khách đến phòng ngủ là lớp bùn sâu đặc quánh. Ông Ổn cho biết: Hoàn cảnh của gia đình ông Lan hết sức khó khăn, để có được căn nhà xây như hiện nay, vợ chồng ông Lan đã phải tích cóp nhiều năm, mỗi năm sơn sửa được một ít. Năm ngoái cũng đã bị sạt lở đất vào nhà nhưng do không có chỗ nào để chuyển, kinh tế lại eo hẹp nên gia đình họ khắc phục vẫn ở lại. Thế nhưng, lần này thì tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn, không thể ở trong ngôi nhà này được nữa.

Phía sau nhà ông Lan, 1 ngôi nhà xây khác cũng có thể bị trôi xuống bất cứ lúc nào. Đó là ngôi nhà của hộ anh Hà Văn Dương, con trai ruột ông Lan. Hiện, công trình phụ và bờ kè sau nhà anh Dương đã bị trôi sạt, lộ trơ móng. Từ hôm sạt lở, vợ chồng anh Dương và 2 đứa con phải sang ở nhờ nhà hàng xóm. Hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ này cũng hết sức khó khăn. Sau nhiều năm đi làm ăn xa, anh Dương mới đổ được mái nhà kiên cố hơn 1 năm, nợ xây nhà đến nay vẫn chưa trả hết. "Bây giờ chuyển cũng không biết đi đâu, ngôi nhà này thì không ở được nữa, mưa xuống là bị sạt lở. Gia đình tôi rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền” - anh Dương ngậm ngùi.

Ngoài 2 hộ buộc phải di dời thì ở Cò Phày còn nhiều hộ dân khác cũng đang phải trụ lại bất đắc dĩ. Ví như hộ bà Xa Thị Mùi, năm ngoái, sạt taluy sau nhà vùi lấp 8 con lợn, đất tràn vào nhà bếp. Vừa rồi, tình trạng sạt lở lại tiếp tục xảy ra, đã 2 ngày nay, bà Mùi vẫn chưa dọn hết lớp đất sỏi chảy vào nhà bếp. "Hôm nào trời mưa to, gia đình tôi không dám ở trong nhà. Cũng muốn chuyển đến chỗ an toàn lắm chứ nhưng vùng cao, địa hình toàn đồi núi thế này thì biết chuyển đi đâu?” - bà Mùi lo lắng.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Do địa hình là đồi núi nên để bố trí tái định cư tập trung rất khó khăn. Chúng tôi vận động bà con đổi nhau những vị trí đất an toàn có thể làm nhà ở để chuyển đến. Trước mắt, UBND xã tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến của thời tiết để kịp thời có biện pháp đối phó, đảm bảo an toàn về tính mạng của nhân dân. Đồng thời, rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền đối với những hộ dân bị thiệt hại nặng để họ có chỗ ở an toàn, sớm ổn định cuộc sống.

Viết Đào


Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục