(HBĐT) - Xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn địa hình đa phần là đồi núi cao hiểm trở, dân cư sinh sống không tập trung. Vào mùa mưa bão tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng sạt lở đất, đá lăn, lũ quét, de dọa tính mạng, tài sản của Nhân dân. Từ thực tế đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) xã đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với thiên tai.


Tình trạng đất sạt lở trơ gốc cây tại khu vực xóm Khú, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn).

Xóm Rộc được xác định là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao với địa hình đồi dốc, người dân sinh sống tập trung dọc theo sườn đồi. Khảo sát thực tế cho thấy, toàn xóm có gần 60 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Ông Quách Văn Thần, Bí thư chi bộ xóm Rộc chia sẻ: "Năm nào trên địa bàn xóm cũng xảy ra các vụ sạt lở đất ảnh hưởng đến đời sống, đe dọa tính mạng của người dân. Nhiều hộ phải di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn. Từ đầu mùa hè đến nay, thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng hạn gây nứt nẻ đồi cao. Nếu xảy ra mưa lớn trong nhiều ngày sẽ dẫn đến tình trạng đất đồi "no nước”, nguy cơ sạt lở cao. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ được di dời đến nơi ở mới an toàn”.

"Từ đường giao thông liên xóm nhìn lên đồi cao nơi gia đình tôi sinh sống, những gốc cây cổ thụ trơ trụi, đất đá cứ thế theo dòng nước cuốn xuống chắn ngang đường giao thông” - ông Bùi Văn Nế, xóm Khú trăn trở về tình trạng sạt lở đất xảy ra tại địa bàn xóm. 

Xã Ngọc Sơn có gần 3.000 nhân khẩu, 700 hộ sinh sống tại 6 xóm, tình trạng sạt lở đất, đá lăn thường xuyên xảy ra tại các xóm: Rộc, Khú, Bói… với gần 100 hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Theo rà soát, toàn xã có diện tích đất tự nhiên 3.385 ha, diện tích đất ở chỉ có 126,3 ha, chiếm 3,7%. Với những khó khăn về địa hình đồi dốc, thiếu diện tích đất bằng phẳng nên các hộ chủ yếu sinh sống dọc theo triền đồi. Mặc dù biết những khu vực này nền đất yếu, nguy cơ xảy ra thiên tai nhưng không còn cách nào khác, các hộ buộc phải xây dựng nhà cửa vì diện tích đất ở không có.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá vào nhà cửa, tại các tuyến đường giao thông cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nước từ đồi núi cao kéo theo khối lượng đất, đá lớn tràn xuống mặt đường gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông. Toàn xã có 105 km đường giao thông, trong đó gần 20 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt đối với tuyến đường huyết mạch nối liền các xã vùng cao với trung tâm huyện Lạc Sơn thường xuyên bị nước lũ chia cắt. Việc di chuyển của Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn vào thời điểm mưa to kéo dài.
Xác định những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác ứng phó với thiên tai, cấp ủy, chính quyền xã đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT& TKCN xã với đầy đủ lực lượng. Tổ chức họp bàn, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai, phổ biến đến các thôn, xóm. Phân công thành viên bám địa bàn, rà soát khu vực xung yếu để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời. Thường xuyên tuyên truyền Nhân dân theo dõi diễn biến thời tiết để gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Phân công cán bộ túc trực tại các điểm xung yếu, khu vực nguy cơ tiềm ẩn sạt lở cao. Huy động nhân lực, vật lực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng di dời người và tài sản tại khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đảm bảo lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhân dân trong thời gian mưa bão kéo dài. 

Đồng chí Bùi Văn Chúc, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: "Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn xuất hiện một số trận mưa lớn nhưng chưa có thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã không lơ là, chủ quan, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với thiên tai. Mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để di dời người dân đến nơi ở mới an toàn. Cấp bách xử lý các khu vực nguy cơ xảy ra thiên tai. Qua đó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa về tài sản, nhanh chóng khắc phục hậu quả sau thiên tai, ổn định cuộc sống”.


Đức Anh

Các tin khác


Ứng phó với mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh

Ngày 6/5, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh có Công văn số 30/BCH-VP về việc ứng phó với mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng

Chiều 5/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 5/5: Nhiều khu vực trên cả nước có mưa dông vào chiều tối và đêm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 5/5, Bắc Bộ, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Xã Đa Phúc đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 4/5, UBND huyện Yên Thuỷ tổ chức Lễ công bố xã Đa Phúc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023.

Thời tiết ngày 4/5: Nhiều khu vực có mưa và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy vân Quốc gia, ngày và đêm 4//5, nhiều khu vực có mưa và dông, cục bộ có mưa to.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục