(HBĐT) - Thời gian qua, trước tình trạng "nóng” kích điện giun đất và sấy giun trên địa bàn tỉnh, nhất là tại huyện Cao Phong, Kim Bôi gây nhiều hệ lụy, phóng viên Báo Hòa Bình đã thâm nhập thực tế. Từ ngày 2 - 4/8/2023, Báo Hòa Bình đã đăng loạt 3 bài "Cấp thiết ngăn chặn nạn kích giun đất”.


Lực lượng chức năng tháo dỡ lò sấy giun tại xã Dũng Phong (Cao Phong).

Cần xử lý đồng bộ, triệt để

Loạt 3 bài đăng trên Báo Hòa Bình đã phản ánh nạn kích giun tràn lan và những hệ lụy tại huyện Cao Phong, điểm "nóng” sấy giun tại vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi); ngoài ra có một số lò sấy giun tại xã Dũng Phong, Bình Thanh (Cao Phong). Sau khi Báo Hòa Bình đăng tải, nhiều độc giả, người dân bày tỏ bức xúc trước nạn kích giun đất và chia sẻ. Nhiều cơ quan báo chí T.Ư cũng phản ánh. UBND tỉnh, UBND huyện Cao Phong, xã Dũng Phong, Sở TN&MT... đã vào cuộc chỉ đạo, giải quyết.

Ngày 28/7/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1221 về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép. Sau đó, Đảng ủy xã Dũng Phong (Cao Phong) họp, chỉ đạo UBND xã, Công an xã, MTTQ và các đoàn thể, các chi bộ tích cực tuyên tuyền, vận động người dân không kích, sấy giun. Sau các bước tuyên truyền, lập biên bản, lực lượng công an và dân quân xã tiến hành tháo dỡ 2/2 lò sấy giun đều tại xóm Đồng Mới và tổ chức cho các hộ ký cam kết không sấy giun nữa.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân huyện Cao Phong, đặc biệt là vùng trồng cam theo phương pháp hữu cơ, nạn kích giun vẫn diễn ra, có điều là có nhiều "cảnh giới” hơn. Các lò sấy giun ở "thủ phủ” Thung Rếch, xã Tú Sơn vẫn đỏ lửa thu mua, hong khô giun. Khi cơ quan chức năng đến thì "bỏ của chạy lấy người”, đi khỏi thì đâu lại vào đó. Thậm chí, việc thuê người lao động làm vườn khó vì chính họ còn bận đi kích giun.

Anh Nguyễn Anh Tuân, chủ vườn cam 3,5 ha tại xã Thu Phong là người tâm huyết với cây cam và cả nền nông nghiệp đã 2 lần bất đắc dĩ phải gửi tâm thư cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đồng thời liên tục phản ánh với báo chí, cán bộ một số sở, ngành. Bị đe dọa nhưng anh không sợ hiểm nguy vẫn đấu tranh vì cái chung. Điều anh và nhiều chủ vườn băn khoăn là tại sao có nơi xử lý quyết liệt và đã tháo dỡ được 2/2 lò sấy giun như Dũng Phong, trong khi ở vùng Thung Rếch vẫn im ắng?!

Tháo dỡ lò sấy giun giải quyết được cơ bản gốc của nạn kích giun. Bởi theo chính lời kể của các chủ lò họ không thu mua giun chết vì sấy bị mủn. Các đầu nậu ở tỉnh khác thường phải thu mua giun khô từ người địa phương. Liên hệ đến việc khi phóng viên thâm nhập thực tế lò sấy giun tại vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn cuối tháng 7/2023, một chủ lò sấy (xin giấu tên) đã chia sẻ sẵn sàng tháo dỡ lò bán sắt vụn nếu dẹp đồng bộ, quyết liệt, công bằng, không để kiểu "người khác làm được thì mình cũng làm được”.

Khi nói đến biện pháp giải quyết, xử lý nạn kích giun, nhiều cán bộ cho rằng khó khăn do thiếu chế tài.

Làm suy giảm đất có thể phạt đến 150 triệu đồng

Trước tình hình kích và sấy giun đất tiếp tục diễn ra, ngày 11/8/2023, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Công văn số 6873 về việc xử lý đồng bộ và triệt để việc đánh bắt giun đất bằng máy kích điện và sấy giun trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất đề xuất giải quyết.

Ngày 21/8/2023, Sở TN&MT ban hành Công văn số 3314 về việc xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác giun đất trái phép trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã chỉ ra nhiều chế tài có thể áp dụng để xử lý. Cụ thể như: việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra áp dụng theo quy định tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai 2013; Điều 3, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi hủy hoại đất.

Các chế tài áp dụng quản lý, xử lý theo quy định hiện hành về việc khai thác, sơ chế giun đất áp dụng Điều 15, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha; phạt tiền từ 60 - 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 15, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Đối với việc sơ chế giun đất áp dụng theo Điều 6, Điều 58, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các cơ sở sơ chế giun đất phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý về chủ trương đầu tư, đất đai, môi trường... theo quy định của pháp luật hiện hành. Các hành vi vi phạm đối với các cơ sở thu gom, mua bán, sơ chế giun đất không có đầy đủ hồ sơ môi trường theo quy định và không có các công trình, biện pháp bảo vệ vệ môi trường thì mức xử phạt quy định cụ thể tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 củaChính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp kích giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất. Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm. Tổ chức kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất, kịp thời phát hiện những cơ sở hoạt động chui, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định (đình chỉ hoạt động, tháo dỡ nhà xưởng sơ chế, xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu tang vật…). Kiểm tra, rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi bắt giun bằng kích điện gây suy giảm chất lượng đất.

Như vậy, chế tài xử lý là có, người dân mong các cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm để xử lý đồng bộ, triệt để nạn kích giun gây nhiều hệ lụy.


Cẩm Lệ


Các tin khác


Chủ động phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng

Hiện đã bước vào mùa Hè, cũng là những tháng cao điểm nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại trên 8,8 ha. Trước thực tế đó, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy rừng và triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

Xã Xuân Thủy không chủ quan, lơ là trước thiên tai

Từ năm 2021 - 2023, trên địa bàn xã Xuân Thủy (Kim Bôi) xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại khu vực suối, ngầm tràn. Trước nguy cơ cao mất an toàn vào mùa mưa bão, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết liệt chỉ đạo các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân.

Thời tiết ngày 13/5: Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 13/5, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-20 mm, có nơi trên 40 mm.

Hành động sớm - chủ động trước thiên tai

Đó là chủ đề Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ phát động, với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thời tiết giao mùa: Cảnh báo dông sét, mưa đá

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, tháng 5 là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ nên các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả là gây ra các trận dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương làm việc với Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh

Ngày 8/5, đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do đồng chí Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm (BCĐ ATTP) tỉnh về việc triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục