(HBĐT) - Về Mai Hịch (Mai Châu) vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi như được đắm mình trong không gian thiên nhiên tươi đẹp, những cánh đồng chín vàng nằm bao quanh là những núi đồi nối tiếp núi đồi, mây trắng vấn vít và xa xa là những làn khói trắng lảng bảng trên nóc nhà sàn... Vẻ đẹp hoang sơ đã níu chân du khách xa gần và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong những năm gần đây.


Hộ homestay Minh Thơ tại thôn Hịch 2, xã Mai Hịch (Mai Châu) là địa chỉ tin cậy được các Công ty lữ hành đưa khách đến nghỉ.

Đưa chúng tôi đi thăm các hộ làm homestay trong xã, đồng chí Vì Văn Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hịch cho biết: Mấy năm gần đây, du lịch cộng đồng đang có chuyển biến tích cực và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Hiện nay, xã có 7 hộ làm homestay và có 3 thôn làm du lịch cộng đồng là Hịch 1, Hịch 2 và Cha Lang. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 1.600 lượt khách, trong đó, hơn 900 khách nước ngoài, ước tính thu nhập gần 600 triệu đồng. Xác định du lịch là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển du lịch cộng đồng và trong những năm tới tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển loại hình du lịch cộng đồng, kèm theo đó quan tâm đến giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xóm, bản để thu hút được du khách đến xã Mai Hịch ngày càng nhiều hơn.

Mai Hịch là xã được nhắc nhiều trong thời gian gần đây với khung cảnh xanh tươi, yên bình. Với sự kết nối giữa các thôn, bản và các điểm du lịch tại các xã khác giúp du khách có những trải nghiệm tuyệt vời trong những ngày ở lại Mai Hịch. Anh Hà Công Minh, chủ hộ homestay tại bản Hịch 2 cho biết: Mỗi khi du khách đến đây, chúng tôi luôn quan tâm đến việc làm thế nào để du khách có cảm giác thoải mái nhất và được trải nghiệm các hoạt động thú vị. Chúng tôi thường xuyên liên kết với các công ty lữ hành xây dựng các tua, tuyến cho khách đi thăm quan, ngắm cảnh thôn quê bằng hình thức đi bộ, đi xe đạp như: thôn Hịch 2, Hịch 1, xóm Củm, thôn Cha Lang, thôn Dến… và thăm quan các hang động, thác nước, giao lưu văn hóa bản địa, tìm hiểu cuộc sống và nền văn hóa phong phú của các dân tộc Thái, Mường. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động như: gặt lúa, câu cá, dệt thổ cẩm, thưởng thức các món ẩm thực mang tính đặc trưng nhất của dân tộc và giao lưu văn nghệ, nhảy sạp, uống rượu cần... cùng người dân nơi đây.

Đồng chí Vì Văn Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hịch chia sẻ: Từ năm 2010, xã Mai Hịch được dự án của Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) đầu tư, trong đó có hỗ trợ, hướng dẫn bà con về phát triển du lịch cộng đồng. Trung tâm đã hỗ trợ trực tiếp về kiến thức, kỹ năng và vật chất cho 3 hộ làm homestay tại thôn Hịch 2 và hỗ trợ đầu tư phát triển điểm du lịch cộng đồng tại bản Cha Lang. Đây là khu xóm cổ của người Thái, có trên 120 hộ dân và vẫn giữ được gần 90% nhà sàn truyền thống. Bà con giữ được những tập tục cha truyền con nối bao đời nay, từ lời ăn, tiếng nói tới trang phục truyền thống. Bên cạnh hỗ trợ loại hình dịch vụ homestay, dự án còn xây dựng khu nghỉ dưỡng Mai Châu Villas gồm 10 villas riêng biệt vừa thanh lịch, hiện đại, vừa mộc mạc, giản dị thôn quê. Mỗi biệt thự đều có mái tranh, lối ra vào riêng và có nơi tiếp khách, bên trong được bố trí, lắp đặt đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra, dự án hỗ trợ cho nhóm phụ nữ khôi phục nghề dệt thổ cẩm, tạo không gian trình diễn nghề ngay tại bản để du khách có thể tìm hiểu và mua sản phẩm thủ công truyền thống của bà con. Bên cạnh đó còn có không gian bán sản phẩm thủ công truyền thống như đồ đan lát, đồ lưu niệm bằng mây, tre đan, nông thổ sản...

Với vẻ đẹp thiên nhiên ưu đãi và sự đầu tư phát triển du lịch của Đảng bộ, chính quyền, sự thân thiện, mến khách của người dân, xã Mai Hịch đã và đang là điểm đến dừng chân khám phá cảnh sắc thiên nhiên, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước đưa du lịch cộng đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã.


                                                              Hồng Ngọc


Các tin khác


Xây dựng huyện Mai Châu thành điểm đến du lịch “Hấp dẫn, thân thiện và an toàn”

(HBĐT) - "Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Mai Châu thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và an toàn” - đồng chí Đặng Mai Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI.

Đánh thức du lịch vùng hồ Đà Bắc

(HBĐT) - Huyện vùng cao Đà Bắc có tới 13 xã địa hình trải dài dọc tuyến vùng hồ. Đời sống người dân phụ thuộc phần nhiều vào nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Trong ít năm gần đây, khi ngành nghề du lịch được mở mang, bà con các xã vùng hồ có thêm cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế, từ đó cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.

Ấn tượng đảo Nam Du – thiên đường du lịch

(HBĐT) - Sóng biển dập dềnh, gió lồng lộng thổi qua, cảnh vật hoang sơ đẹp kỳ lạ, người dân hiền lành, mến khách, đó là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi trong hành trình ghé thăm quần đảo Nam Du, được mệnh danh là "thiên đường du lịch”.

Dự báo du lịch quốc tế có thể giảm tới 70% trong năm nay

Do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, du lịch quốc tế sẽ giảm tới 70% trong năm nay, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất của "ngành công nghiệp không khói" kể từ khi du lịch bắt đầu thống kê số liệu tăng trưởng từ những năm 1950.

Huyện Mai Châu có 11 dự án phát triển du lịch

(HBĐT) - Trong thời gian qua, huyện Mai Châu đặc biệt quan tâm tới công tác thu hút đầu tư và triển khai các dự án du lịch - thương mại. Sau khi UBND tỉnh có Quyết định công bố Quy hoạch Điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số lượng các nhà đầu tư về du lịch, thương mại vào Mai Châu ngày càng tăng.

Mai châu đón khoảng 10 nghìn lượt khách du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ

(HBĐT) - Từ ngày 27/4 - 1/5, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu đã đón khoảng 10 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt gần 4 tỷ đồng.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục