Bài 1 - Ý tưởng biến bất lợi thành lợi thế

 (HBĐT) - Nhắc đến xã Hang Kia (Mai Châu), nhiều người nghĩ ngay đến điểm nóng ma túy vùng Tây Bắc. Song cũng ở nơi đây đã có những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biến mây mù, sỏi đá, đồi núi chênh vênh… là thứ người ta vẫn hay kêu khó thành thế mạnh để phát triển "công nghiệp không khói”. Người nhen lửa khởi nguồn ý tưởng biến điểm đen ma túy thành điểm sáng du lịch chính là vợ chồng người con của bản Mông Sùng Y Múa và Vàng A Nhà.

Ý tưởng biến mây mù, đồi núi chênh vênh… thành lợi thế

Sinh ra, lớn lên ở bản Mông Hang Kia cao trên 1.200 m so với mực nước biển, chàng trai Vàng A Nhà không lạ những ngọn núi đá tai mèo chênh vênh khiến người leo phải chùn chân, mỏi gối. Ngày cuối thu, mây mù bao phủ, mây là là mặt đất, len vào khe cửa. Thung lũng Hang Kia như một thung mây bồng bềnh, ảo ảnh. Trong không gian như lạc về miền cổ tích, Vàng A Nhà trầm tư kể: Từ năm 1993 trở về trước, Hang Kia từng ngập tràn loài hoa anh túc, kéo theo đó biết bao hệ lụy. Thực hiện chủ trương triệt xóa cây thuốc phiện, đồng bào Mông chuyển sang trồng cây mận, đào, cùng với ngô, dong riềng... Đất canh tác ít, chủ yếu là núi đá, cây ăn quả tiêu thụ khó nên phần nhiều các hộ còn nghèo. Đói nghèo bủa vây, cộng với ma lực đồng tiền và bị xúi giục, xã lại chỉ cách biên giới nước bạn Lào khoảng 20 km nên không ít người đã làm liều tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn. Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan do trình độ dân trí hạn chế, một số người chưa chịu khó lao động. Hang Kia trở thành điểm nóng về ma túy.


Homestay Y Múa tại bản Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) được thiết kế độc đáo, hấp dẫn du khách.

 

Tháng 6/2011, Vàng A Nhà được tăng cường làm Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia theo Đề án 03-ĐA/TU ngày 14/1/2010 của BTV Tỉnh ủy về "Củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò”. Làm thế nào để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống để đồng bào từ bỏ ma túy là vấn đề mà người cán bộ trẻ luôn trăn trở. Đi học hỏi ở nhiều nơi, rồi quan sát, nhận thấy có một số khách đến thăm Hang Kia và họ cảm thấy thích thú, ý tưởng phát triển du lịch đã nảy ra.

"Phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, trải nghiệm, khám phá là mô hình mới trong phát triển kinh tế ở Hang Kia bền vững và là cách tốt nhất để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Du lịch cộng đồng phát triển, nhiều gia đình tham gia sẽ mở rộng giao lưu văn hóa, nâng cao dân trí, tăng nguồn thu nhập cho đồng bào. Chính mây mù, sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông có ngày xảy ra băng tuyết, đồi núi chênh vênh, khung cảnh hoang sơ là những thứ đồng bào hay mở lời kêu về khó khăn sẽ là lợi thế. Cái khó của mình nhưng ở nơi khác không có mới tạo ra sự khác lạ. Cùng với nét đặc trưng văn hóa dân tộc Mông là điểm khác biệt để hấp dẫn du khách. Song, để dân bản tin và làm theo thì mình phải mạnh dạn làm trước.” - Vàng A Nhà chia sẻ.

Cách làm mới trong phát triển du lịch cộng đồng ở Hang Kia

Ý tưởng là vậy nhưng khách đến rồi đi trong chốc lát. Sùng Y Múa (vợ Vàng A Nhà) đặt câu hỏi: "Làm thế nào để níu chân họ?” Câu trả lời được chính chị tìm ra, đó là phải có chỗ lưu trú cho khách. Năm 2013, chị bàn với chồng thế chấp "sổ đỏ” vay vốn dựng ngôi nhà gỗ rộng phục vụ khách nghỉ cộng đồng và sau đó dựng 2 bungalow theo mô phỏng nhà kho của người Mông. Mọi thiết kế, cách trang trí bên trong anh chị tự tìm tòi, sáng tạo nhưng chắc chắn sẽ làm hài lòng bất cứ du khách nào đến trải nghiệm bởi sự độc đáo về bản sắc và hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên.

Chị Sùng Y Múa tâm sự: Gia đình vừa thuê thợ, vừa nhờ bạn bè đến dựng nhà giúp. Trang trí trong nhà không thể thiếu chiếc khèn của chàng trai và tấm thổ cẩm cầu kỳ được thêu từ bàn tay khéo léo của cô gái Mông. Các đồ dùng trong phòng như khung để ti vi, chỗ kê bồn rửa mặt, mắc treo quần áo… đều được tự nhiên hóa từ các vật liệu tre, nứa, gỗ… tạo hứng thú mới lạ cho du khách. Từ khung cửa sổ của ngôi nhà gỗ, lợp mái lá bên sườn núi nơi đầu bản, du khách sẽ bao quát được phần lớn không gian của thung lũng Hang Kia.

Song nếu đơn thuần chỉ có chỗ nghỉ sạch sẽ, đủ tiêu chuẩn cũng không thể hấp dẫn được khách. Có hộ trong bản từng làm homestay nhưng dừng lại ở ăn, nghỉ và cho thấy là hướng đi chưa đúng, chưa hiệu quả. Vậy một câu hỏi nữa lại đặt ra là sản phẩm du lịch ở Hang Kia là gì để thu hút du khách? Y Múa đã trả lời rằng: Phải là du lịch trải nghiệm, khám phá bản sắc dân tộc từ trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đến cách lao động sản xuất, kết hợp giữ cảnh quan thiên nhiên. Muốn vậy, phải giữ gìn, khôi phục nghề thêu, làm giấy giang, vẽ sáp ong, điệu khèn, điệu múa, trò chơi dân gian… phải bảo vệ rừng, giữ môi trường xanh, sạch, đẹp. Du khách có thể trải nghiệm làm bánh dày, mèn mén… và cùng làm các công việc hàng ngày của người Mông. Điều đó không có nghĩa là giữ các phong tục lạc hậu, hủ tục cần được loại bỏ. Kết nối các tuyến du lịch cũng là điều cần tính đến để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Định hướng đã được vạch ra nhưng bắt tay thực hiện quả là khó. Có người trong bản còn nói gia đình chị viển vông, bởi mô hình này mới cả trong tư duy và hành động với người Mông nơi đây. Ban đầu, khách chưa biết nhiều đến Hang Kia, anh Nhà, chị Múa trong cảnh nợ nần. Khi có 1 khách lẻ thì lỗ, 2 khách thì hòa vốn nhưng gia đình chị vẫn phục vụ tận tâm để khách tự giới thiệu đến bạn bè. Anh chị cũng tận dụng công nghệ để quảng bá cho homestay của mình cũng như vùng đất Hang Kia thông qua mạng xã hội, đặt chỗ nghỉ qua mạng internet… Việc đăng ký mã số thuế, có hóa đơn đỏ cho khách cũng đã được thực hiện bài bản. Tất cả với hy vọng "đánh thức” tiềm năng du lịch Hang Kia.

(Còn nữa)


                                                                   Cẩm Lệ


 

Các tin khác


Xây dựng huyện Mai Châu thành điểm đến du lịch “Hấp dẫn, thân thiện và an toàn”

(HBĐT) - "Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Mai Châu thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và an toàn” - đồng chí Đặng Mai Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI.

Đánh thức du lịch vùng hồ Đà Bắc

(HBĐT) - Huyện vùng cao Đà Bắc có tới 13 xã địa hình trải dài dọc tuyến vùng hồ. Đời sống người dân phụ thuộc phần nhiều vào nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Trong ít năm gần đây, khi ngành nghề du lịch được mở mang, bà con các xã vùng hồ có thêm cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế, từ đó cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.

Ấn tượng đảo Nam Du – thiên đường du lịch

(HBĐT) - Sóng biển dập dềnh, gió lồng lộng thổi qua, cảnh vật hoang sơ đẹp kỳ lạ, người dân hiền lành, mến khách, đó là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi trong hành trình ghé thăm quần đảo Nam Du, được mệnh danh là "thiên đường du lịch”.

Dự báo du lịch quốc tế có thể giảm tới 70% trong năm nay

Do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, du lịch quốc tế sẽ giảm tới 70% trong năm nay, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất của "ngành công nghiệp không khói" kể từ khi du lịch bắt đầu thống kê số liệu tăng trưởng từ những năm 1950.

Huyện Mai Châu có 11 dự án phát triển du lịch

(HBĐT) - Trong thời gian qua, huyện Mai Châu đặc biệt quan tâm tới công tác thu hút đầu tư và triển khai các dự án du lịch - thương mại. Sau khi UBND tỉnh có Quyết định công bố Quy hoạch Điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số lượng các nhà đầu tư về du lịch, thương mại vào Mai Châu ngày càng tăng.

Mai châu đón khoảng 10 nghìn lượt khách du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ

(HBĐT) - Từ ngày 27/4 - 1/5, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu đã đón khoảng 10 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt gần 4 tỷ đồng.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục