(HBĐT) - Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) gồm 8 chương, 55 điều, được Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh; chính sách phòng, chống ma túy:

Luật PCMT quy định về PCMT; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong PCMT; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về PCMT. Quy định này nhằm bao quát đầy đủ các nội dung quy định về PCMT và tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Luật quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về PCMT nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này. Trong đó, nhấn mạnh "Ưu tiên nguồn lực PCMT cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy”, "Cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy (CNMT) trong các cơ sở CNMT công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”. Đồng thời, để bảo đảm điều kiện cho công tác PCMT, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách PCMT, CNMT và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, Luật quy định cụ thể về nguồn tài chính cho PCMT tại Điều 4, gồm: ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chi trả của gia đình, người nghiện ma túy; các nguồn tài chính hợp pháp khác.

2. Các quy định thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương III) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương IV).

3. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong PCMT. Quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này (tại chương II).

4. Những quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy:

- Người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ… trong thời hạn 1 năm bởi UBND cấp xã. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 23).

- Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (Điều 32);

- Người hoàn thành CNMT (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau CNMT tại nơi cư trú.

- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau CNMT mà tái nghiện, thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

5. Quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.

6. Đối với cai nghiện ma túy:

- Quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp CNMT phù hợp (hoặc CNMT tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế) (Điều 27).

- Quy định nhằm linh hoạt hơn khi lựa chọn biện pháp CNMT có thể thực hiện tại cơ sở CNMT công lập hoặc tại cơ sở CNMT tự nguyện (Điều 31, 35).

- Các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp CNMT thông qua việc quy định rõ các giai đoạn của quy trình CNMT (Điều 29); quyền và trách nhiệm của cơ sở CNMT, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 35, 36) và chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí CNMT tự nguyện (khoản 3, Điều 30).

- Quy định cho phép cơ sở CNMT, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Luật này được cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua (khoản 7, Điều 30).


Minh Phượng 
(Sở Tư pháp)

Các tin khác


Quy trình tiến hành hòa giải theo Luật hòa giải ở cơ sở

(HBĐT) - Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, một cuộc hòa giải thông thường trải qua 2 giai đoạn (chuẩn bị hòa giải, tiến hành hòa giải) với những bước cơ bản sau:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ

(HBĐT) - 8. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau: "Điều 16. Thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị định này

Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

(HBĐT) - Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023 và thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Chính sách mới về tinh giản biên chế

(HBĐT) - Có hiệu lực từ ngày 20/7/2023, các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (quy định về tinh giản biên chế) được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030. Nghị định này thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/ 2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, ngày 10/12/2020. Nghị định có nhiều điểm mới về chính sách tinh giản biên chế.

Triển khai giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%

(HBĐT) - Ngày 30/6/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 05/CĐ-TCT chỉ đạo các đơn vị ngành Thuế khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục