(HBĐT)- Xã Chiềng Châu cách trung tâm huyện Mai Châu khoảng 2km. Phía Nam giáp xã Mai Hạ, phía Bắc giáp với xã Nà Phòn và thị trấn Mai Châu, phía Đông giáp xã Pù Bin – Noong Luông, phía Tây giáp xã Nà Mèo và xã Xăm Khòe. Với vị trí như vậy, Chiềng Châu là địa phương có giao thông khá thuận lợi, đảm bảo đi lại, trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa với các xã trong huyện cũng như các tỉnh ngoài.


          Một góc bản Lác- điểm du lịch cộng đồng được du khách trong nước và quốc tế yêu thích

Là một xã thuộc huyện miền núi Mai Châu nên địa hình bị chia cắt bởi hệ thống khe suối và đồi núi cao khá phức tạp. Độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 300 đến 350 m, nơi cao nhất là đỉnh núi giáp với xã Pù Bin có độ cao 1.080 m. Xã có nhiều đồi núi xen kẽ, chạy dọc theo hai bên đường giao thông, hình thành thung lũng theo địa hình lòng máng.

Chiềng Châu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ bình quan trong năm là 22.9ºC, tháng cao nhất lên tới 33.8ºC. Hướng gió thay đổi theo hai hướng: Tây Nam vào mùa hè, Đông Bắc vào mùa đông. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho Chiềng Châu nguồn tài nguyên phong phú.

Nguồn nước mặt chủ yếu của xã được hình thành bởi hệ thống khe suối đổ vào hồ Mỏ Luông. Lượng nước phân bố không đều, chủ yếu tập trung theo con suối Mùn, bắt nguồn từ vùng đồi núi cao xung quanh xã Tòng Đậu chảy qua thị trấn Mai Châu, rồi đi vào địa phận của xã. Các suối nhánh của xã chảy trên vùng có địa hình phức tạp với tốc độ tương đối lớn nên mức trút nước khi mưa to càng tăng,nhiều khi gây lũ nhỏ và nền địa chất có nhiều khe nứt rạn, làm cho khả năng giữ nước ở vùng đồi núi quanh xã thấp. Hệ thống nước ngầm tương đối dồi dào, đặc biệt là các hệ thống nước mạch trong xã có lưu lượng và chất lượng khá.

Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, cho đến nay xã có tổng diện tích tự nhiên là 1.711 ha(theo tư liệu báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đai xã Chiềng Châu giai đoạn 2001-2010). Đất đai chia làm hai nhóm chính là đất đồi núi và đất ruộng với các loại chủ yếu: đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính, đất đỏ vàng trên đá phiến thạch sét, đất đỏ nâu trên đá vôi, đất đỏ vàng và đất thung lũng tích tụ, núi đá vôi.

Năm 1886, tỉnh  Mường Hòa Bình được thành lập với 4 phủ. Khi ấy Chiềng Châu có tên gọi là Chiềng Chu, là một xã thuộc xã Mai Thượng, châu Mai Châu, phủ Chợ Bờ.

Tên gọi Chiềng Chu xuất phát từ đặc thù riêng biệt của vùng đất này. "Chiềng” là từ đệm riêng biệt do chế độ đương thời quy định dành cho những nơi có sự khai phá, làm ăn sinh sống từ lâu đời. Còn "Chu” là từ trong ngôn ngữ của người Thái, dịch sang chữ Quốc ngữ nghĩa là "chỗ” – tức là nơi này đã có chủ.

Theo truyền thuyết kể lại, cứ đến rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, ông cha ta lại tổ chức lễ hội "Xên Bản – Xên Mường” tại mảnh đất lích sử này.

Đến năm 1957, theo quyết định của Liên khu III, 5 xã thuộc địa bàn huyện Mai Châu đều được chia tách thành các xã nhỏ. Trong đó, xã Mai Thượng chia thành 7 xã mới, Chiềng Chu được chia lại và đổi tên thành xã Chiềng Châu.


                  Đa dạng ngành nghề, người dân Chiềng Châu có thêm thu nhập, cải thiện đời sống

Hiện nay, xóm Chiềng Châu ổn định với 6 xóm trực thuộc. Toàn xã có 927 hộ với 3.780 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái. Bên cạnh hoạt động kinh tế chủ đạo là nông nghiệp như trước kia, nhân dân xã Chiềng Châu đã phát triển thêm nghề thủ công, dịch vụ và du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Chiềng Châu cũng là một trong các xã, thị trấn của huyện đạt được nhiều thành tựu đáng kể về phát triển KT-XH. Xã có nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia; y tế xã đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2011-2020. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả cao. Nhiều xóm, bản được công nhận là "làng văn hóa”. Đặc biệt, bản Lác-điểm du lịch văn hóa cộng đồng là "địa chỉ đỏ” trong bản đồ du lịch Việt Nam. Công tác quốc phòng-quốc phòng được Đảng bộ quan tâm, lãnh đạo thực hiện toàn diện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền đoàn thể không ngừng được củng cố, đổi mới. Năm 2015, Chiềng Châu được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua các cuộc kháng chiến, xã đã có 303 người nhập ngũ, 106 dân công, 11 thanh niên xung phong(trong đó đã có 34 người là liệt sĩ, 07 thương binh, bệnh binh, 02 Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Năm 2002, xã đã được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xã đã  được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; bản Lác được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba(năm 2011). Tập thể và cá nhân trong xã được tặng 556 Huân, Huy chương các loại; nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ nội vụ, Bộ VH, TT&DL, 19 cờ quyết thắng, nhiều lá cờ dẫn đầu của ngành, các lĩnh vực hoạt động. Hiện nay, Chiềng Châu có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Nét bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo những ấn tượng đẹp trong lòng du khách gần xa.


                                       PV( tổng hợp)

Các tin khác


Bao La, vùng đất cổ "Mường Mai" nhiều khởi sắc

(HBĐT)- Bao La là xã miền núi, nằm ở phía Tây huyện Mai Châu, cách thị trấn Mai Châu 26 km, với địa giới hành chính: phía Bắc giáp các xã Pà Cò, Tân Sơn; phía Đông giáp xã Nà Mèo; phía Nam giáp xã Xăm Khòe; phía Tây giáp xã Piềng Vế.

Cun Pheo-vượt khó nơi miền xa

(HBĐT)- Cun Pheo là một xã miền núi, có địa hình tương đối phức tạp nằm ở phía Tây Nam của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 31 km. Phía Bắc giáp xã Hang Kia; phía Đông Bắc giáp xã Pà Cò; phía Đông giáp xã Piềng Vế; phía Đông Nam giáp xã Thanh Sơn, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; phía Tây giáp xã Xuân Nha của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Vạn Mai, có nhiều tiềm năng trong phát triển KT-XH

(HBĐT)- Vạn Mai là xã miền núi nằm cách trung tâm huyện Mai Châu 15km về phía Đông Nam. Xã có quốc lộ 15 chạy qua, đây là trục đường chiến lược quan trọng nối liền giữa các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa lên Tây Bắc và sang biên giới Việt – Lào. Phía Bắc giáp xã Mai Hạ, phía Đông giáp xã Pù Bin, phía Tây giáp xã Mai Hịch, phía Nam giáp xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Xã Đồng Bảng, phát huy lợi thế trong phát triển bên Quốc lộ 6

(HBĐT)-Đồng Bảng là một xã vùng cao của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 8 km về phía Bắc. Phía Bắc giáp xã Phúc Sạn; phía Đông giáp 2 xã: Ba Khan và Tân Mai; phía Nam giáp 2 xã: Nà Mèo và Tòng Đậu; phía Tây giáp các xã: Tân Sơn và xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Trên địa bàn xã có quốc lộ 6, con đường nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Đây là điều kện thuận lợi cho xã Đồng Bảng phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu, trao đổi hàng hóa với các địa phương trong huyện cũng như các tỉnh khác.

Xã Tân Sơn đang dần khẳng định mình trong phát triển KT-XH

(HBĐT)- Tân Sơn là một xã vùng cao của huyện Mai Châu, cách huyện lỵ 18 km về hướng Tây Bắc. Phía Bắc giáp xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); phía Đông giáp 2 xã: Đồng Bảng và Nà Mèo; phía Nam giáp xã Bao La; phía Tây giáp xã Pà Cò.

Xã Phúc Sạn khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống mới

(HBĐT)-Phúc Sạn là xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 13 km. Phía Đông và phía Bắc giáp xã Tân Mai, phía Nam giáp xã Đồng Bảng, phía Tây và phía Bắc giáp xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Xã có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống đồi núi cao và các thung lũng đan xen. Độ cao trung bình so với mặt nước biển là 300 – 400m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục