(HBĐT - "Đất đá bị cày đi xới lại, mặt đất bị biến dạng bởi chi chít hố bom, nhưng mạch máu giao thông vẫn được nối dài, ý chí con người vẫn rực sáng giữa "tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc” - Với chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh gốc, hướng dẫn viên Đào Anh Tuân khiến người nghe vô cùng xúc động khi kể những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, những con người trở thành bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc…





Đây là lần đầu tiên tôi được về thăm khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đường về Đồng Lộc như "mạch máu chảy về tim”, cảm xúc thật sự đặc biệt khi được kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương tri ân vào đúng ngày 27/7 - Ngày Thương binh - Liệt sỹ.


Đoàn công tác Báo Hòa Bình thành kính thực hiện nghi lễ dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích 
Ngã ba Đồng Lộc.  

Từ năm 2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Trước đó, năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây từ lâu đã trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Hàng năm, có hàng triệu lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân những người đã ngã xuống, hy sinh vì sự bình yên của đất nước.


Tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nhà bia tưởng niệm ghi danh gần 4.000 anh hùng liệt sỹ hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

"Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (1964 - 1972), nơi đây bị đánh phá liên tục, là "tọa độ lửa” hứng chịu mưa bom, bão đạn của kẻ thù với dã tâm biến Ngã ba Đồng Lộc thành "điểm chết” mà không một cây cỏ nào có thể bén rễ, nảy mầm” - nam hướng dẫn viên tại khu di tích giới thiệu. Những thông tin đã đi vào sử sách được kể lại trong không gian này, bởi một người con Hà Tĩnh có chất giọng dầy, ấm, đặc sệt nắng gió miền Trung nên có sức lay động lòng người rất khó tả.
 
Chỉ tính trong 7 tháng "ném bom hạn chế” (từ tháng 4 - 10/1968), địch đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần với gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rocket và đạn 20mm. Tính ra mỗi m2 nơi đây phải hứng chịu 3 quả bom. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, có ngày thả trên 800 quả bom các loại… Mặt đất chi chít và chồng chất hố bom, tàn khốc đến mức triệt cả sự sống của cây cỏ. Nhưng chính nơi đây đã thấm không biết bao nhiêu mồ hôi, xương, máu và nước mắt của những người con gan góc, dạn dày ngày đêm làm nhiệm vụ trên những "cung đường lửa”, quyết giữ mạch máu giao thông thông suốt để chi viện sức người, sức của cho miền Nam, mở hướng hành quân cho cả dân tộc.



Đến nhà truyền thống thuộc Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, du khách vô cùng xúc động và cảm kích khi lắng nghe những câu chuyện thời mưa bom, bão đạn đã làm nên một "Ngã ba huyền thoại". 

Vượt qua mưa bom bão đạn, những chàng trai, cô gái tuổi mười chín đôi mươi ngày đó đã cùng nhân dân và lực lượng dân quân du kích địa phương dồn sức giải toả điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Đã có hàng vạn người được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ giải toả giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược. Nơi ngã ba được làm bằng xương máu này đã ghi lại nhiều chiến công oanh liệt. Về tập thể có Trung đoàn pháo cao xạ 210; Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh; Đại đội 552 với hầu hết là nữ... Về cá nhân có anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn, Nguyễn Tri Ân, "nữ đếm bom” La Thị Tám, "vua phá bom” Vương Đình Nhỏ... Ngày nay, tại nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) toàn quốc thuộc quần thể khu di tích đang ghi danh gần 4.000 liệt sỹ. Tổ quốc ghi công những người con anh hùng đã cùng làm nên lịch sử, làm nên một "Ngã ba huyền thoại” - nơi có những cái chết đã hóa thành bất tử để sống mãi với mùa xuân đất nước.



Về đây, du khách bồi hồi, xúc động, tự hào khi lắng nghe những câu chuyện về tinh thần bất khuất của các thế hệ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc - nơi "cái chết hóa thành bất tử".



Chúng tôi - đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hoà Bình và những đồng nghiệp ở Báo Hà Tĩnh, không ai là không xúc động nghẹn ngào khi làm lễ dâng hương tại khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ TNXP đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Họ đều là người Hà Tĩnh, thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng, được phân công đến trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc với nhiệm vụ chính là san lấp hố bom, làm đường tránh và mở đường cho xe ra tiền tuyến. Ngày 24/7/1968, khi đang làm nhiệm vụ, họ cùng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Họ ra đi khi hồn vẫn trong như suối, trái tim vẫn trinh nguyên và rạo rực yêu đời… Để rồi giờ đây, 10 ngôi mộ trắng như 10 phím đàn dưới cỏ, 10 bát nhang thoang thoảng khói hương hòa vào nắng tháng 7 chất chứa hoài niệm. Chúng tôi cũng như nhiều du khách, mắt ai cũng đỏ hoe khi nghiêng mình trước di ảnh của các chị.



Lãnh đạo Báo Hòa Bình và Báo Hà Tĩnh thành kính thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh 
anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc. 

"Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này...” - Từng câu, từng chữ trong bức thư gửi mẹ của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần được trân trọng khắc trên phiến đá to đặt đối diện nhà truyền thống TNXP toàn quốc, một góc quan trọng trong quần thể khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. 



Phiến đá khắc nguyên văn bức thư gửi mẹ của chị Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng, 1 trong 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.



Hướng dẫn viên Đào Anh Tuân xúc động giới thiệu với du khách bức thư của Tiểu đội trưởng 
Võ Thị Tần gửi về cho mẹ trước lúc hy sinh 5 ngày.

Hơn 20 năm làm công việc hướng dẫn viên tại đây, anh Đào Anh Tuân không biết đã bao lần đọc bức thư cho du khách nghe, lần nào giọng anh cũng nghẹn ắng nơi cổ họng vì xúc động. Và anh không thể nhớ có bao nhiêu du khách đã khóc nấc lên khi nghe anh đọc bức thư này… 

Bức thư được viết ngày 19/7/1968, 5 ngày sau, chị Võ Thị Tần cùng 9 đồng đội của mình đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Từng câu, từng chữ đều có sức lay động lòng người, thể hiện tinh thần lạc quan, ý chí bất khuất, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ TNXP giữa mưa bom, bão đạn và sự tàn khốc của chiến tranh.

Theo Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nội dung bức thư của chị Võ Thị Tần là một trong rất nhiều di ngôn, hiện vật quý được trân trọng lưu giữ tại đây, thể hiện sâu sắc tinh thần bất diệt của "Ngã ba huyền thoại” - nơi có những cái chết đã hóa thành bất tử, có những con người luôn sống vĩnh hằng cùng mùa xuân đất nước. Hàng năm, đặc biệt vào tháng 7, có hàng triệu lượt du khách thập phương tìm về tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. 



Tại nhà truyền thống hiện nay đang lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật quý thể hiện tinh thần 
Thanh niên xung phong kiên trung, bất khuất nơi Ngã ba Đồng Lộc. 



Tượng đài Chiến thắng - biểu tượng bất hủ cho sức mạnh và ý chí của những người con Việt Nam đã chiến đấu quả cảm tại Ngã ba Đồng Lộc.

Theo số liệu thống kê, để giữ vững mạch máu giao thông nơi Ngã ba Đồng Lộc, trên khắp tuyến 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) đã có khoảng 20.000 cán bộ, chiến sỹ TNXP hy sinh, gần 30.000 người mang trên mình thương tật, hàng nghìn người nhiễm chất độc màu da cam… Đó là những hy sinh vô giá, cùng góp phần làm nên bầu trời bình yên nơi Ngã ba Đồng Lộc - nơi có những áng mây trắng bay thật thảnh thơi và những cái chết đã hóa thành bất tử. 


 


Các tin khác


Môn nấu da trâu khô - Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam

(HBĐT) - Khi đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, bạn sẽ thấy món ăn "Môn nấu da trâu khô” không hiếm gặp, thậm chí khá phổ biến trong bữa ăn thường ngày. Nguyên liệu chính của món ăn gồm: da trâu khô, lá khoai môn, hạt he (mắc khén), củ gừng, lá kịa rừng, quả đu đủ non và được nêm bằng các loại gia vị: nước mắm, mì chính, bột nêm và một chút mỡ lợn (hoặc dầu ăn) tạo độ bùi ngậy.

Khu kinh tế Dung Quất có quy mô 45,3 nghìn ha

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục