(HBĐT) - Hơn 20 năm qua, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được phủ đến tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh. Nguồn vốn đã giúp hàng vạn hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có vốn phát triển kinh tế, vượt lên đói, nghèo.


Nhờ vốn chính sách, gia đình bà Xa Thị Yên, xóm Cang, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) đã phát triển chăn nuôi để từng bước thoát nghèo. 

Xóm Cang, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) là bản làng sinh sống của đồng bào dân tộc Tày. Thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên có thể thấy, đời sống của người dân xóm Cang vẫn còn không ít khó khăn. Thế nhưng, những năm qua, trong xóm đã có nhiều hộ tìm được hướng phát triển kinh tế để dần vượt lên đói, nghèo. Điển hình như gia đình bà Xa Thị Yên, trước đây thuộc hộ nghèo, kinh tế khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Từ năm 2019 đến nay, kinh tế gia đình bà Yên không ngừng được cải thiện. Từ một hộ khó khăn, đến nay, gia đình bà đã có nhiều bò, lợn, gà trong chuồng. Ngôi nhà cũ đã được xây mới. 

Bà Yên chia sẻ: Trước đây, vì không có vốn nên gia đình không biết làm gì để phát triển kinh tế. Năm 2019, được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, gia đình đã mua 2 con bò sinh sản và chăn nuôi thêm lợn, gà. Tính ra, từ lúc mua đến nay, hai con bò đã đẻ được 10 con bê. Nhờ đó mà hàng năm, gia đình có được khoản tiền từ bán bò, tích cóp dần để làm được ngôi nhà mới. Năm 2022, gia đình thoát khỏi diện hộ nghèo lên hộ cận nghèo. Để có vốn tiếp tục phát triển kinh tế, tháng 7 năm ngoái, gia đình tôi làm đơn xin được vay vốn. NHCSXH huyện Đà Bắc đã cho gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Với số vốn này, gia đình tiếp tục đầu tư nuôi bò, kết hợp nuôi thêm lợn đen, ngan, vịt để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Về xã Gia Mô (Tân Lạc), nơi có trên 90% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, có thể cảm nhận được sự vượt khó vươn lên của người dân xã vùng sâu này. Hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ đã thúc đẩy hành trình xoá đói, giảm nghèo ở xã. Cùng với đó là sự hiện diện của vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Xóm Rên, có trên 100 hộ người Mường. Những năm qua, nhờ sử dụng vốn chính sách hiệu quả đã có nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Như gia đình anh Bùi Văn Trang, nhờ vay vốn chính sách cùng vốn tích cóp được đã mở cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng, đem lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hay gia đình ông Bùi Văn Huy, thông qua vốn vay của NHCSXH đã phát triển mạnh về chăn nuôi với 2 con trâu, 2 con bò và trên 20 con dê. "Ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, vốn chính sách có ý nghĩa rất quan trọng. Với lãi suất phù hợp, thủ tục vay vốn đơn giản đã giúp chúng tôi có vốn để đầu tư phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định hơn", ông Huy chia sẻ.

Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Gia Mô có trên 630 hộ vay vốn, dư nợ trên 35 tỷ đồng. Đối với toàn tỉnh, 7 tháng qua, doanh số cho vay tín dụng chính sách đạt 744,5 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, toàn chi nhánh đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung cho vay chương trình hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS. Đến nay, doanh số cho vay đạt 10,555 tỷ đồng/193 lượt hộ DTTS được vay vốn. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời các chương trình tín dụng khác, đem lại hiệu quả tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Viết Đào

Các tin khác


Xã Tuân Đạo: Quyết tâm cao trong công tác giảm nghèo bền vững

Theo đồng chí Bùi Hồng Diên, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo (Lạc Sơn), Tuân Đạo là xã thuộc vùng 135, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó tích cực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo của xã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần.

Xã Hương Nhượng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Đời sống của người dân trên địa bàn xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) dựa vào nông nghiệp là chính. Để trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả, tác động đến công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể xã chú trọng tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời quan tâm công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Huyện Cao Phong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) đã tạo sự chuyển biến toàn diện ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện Cao Phong. Với việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chính sách an sinh xã hội gắn với GNBV, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,58%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 3%/năm.

Xã Yên Phú nâng cao thu nhập từ nông nghiệp

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Phú (Lạc Sơn) ước đạt 52 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 7,55%, hộ cận nghèo 9%. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững.

Xã Đa Phúc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân

Tuy xuất phát điểm khó khăn nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, xã Đa Phúc (Yên Thủy) đã gặt hái được thành công trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.

Thị trấn Vụ Bản thiết thực hành động vì người nghèo

Mới đây, tại ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc khu dân cư phố Côm, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp cấp ủy, chính quyền thị trấn bàn giao nhà ĐĐK cho hộ bà Bùi Thị Kiên và hộ ông Bùi Văn Thức thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Chương trình có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục