Năm 2016, Công ty Thủy điện Hòa Bình đạt mốc sản xuất 200 tỷ KWh điện. ảnh: p.v
(HBĐT) - Khi mới tái lập tỉnh, trên địa bàn chỉ có một số nhà máy, xí nghiệp quy mô nhỏ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm có số lượng tăng vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp tính cả Công ty Thủy điện Hòa Bình năm 2015 đạt 19.868 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây đạt 18,23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Năm 2015, cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 54%, tăng 33,711% so với năm 1991.
25 năm trước đây, Hòa Bình là tỉnh thuần nông với đại bộ phận lao động làm nông nghiệp. “Bức tranh” công nghiệp của tỉnh chỉ là một vài nhà máy, xí nghiệp quốc doanh quy mô nhỏ bé, chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí như Nhà máy cơ khí 3/2 và sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng như Xí nghiệp vôi đá Bình Thanh, mỏ than Mường Vọ (Kim Bôi), Đồi Hoa (Lạc Thủy). Các thế mạnh của tỉnh như công nghiệp chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng hầu như chưa được khai thác. Giá trị sản xuất CN- TTCN cả tỉnh năm 1991 chỉ đạt 10 tỷ đồng. Xuất khẩu của tỉnh rất nhỏ bé với trên 200.000 USD. Trên địa bàn chưa có dự án đầu tư nước ngoài, dự án liên doanh hoặc dự án đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.
Từ khi tái lập đến nay, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó, chú trọng hình thành các khu, cụm công nghiệp và coi công nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế. Đến năm 2001, sau 10 năm tái lập tỉnh, trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn có 3 doanh nghiệp của T.ư và 12 doanh nghiệp địa phương, 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 18,1%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vài năm sau đó cũng chỉ xung quanh con số vài trăm tỷ đồng. Lúc này, diện mạo công nghiệp chỉ là hoạt động của một vài nhà máy xi măng và một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Công nghiệp của tỉnh thực sự phát triển bứt phá năm 2006 khi vượt qua “điểm trắng” về phát triển công nghiệp, giá trị sản xuất đạt 1.000 tỷ đồng. Liên tiếp những năm sau đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ phát triển CN –TTCN tạo bước phát triển nhanh và ổn định cho hoạt động lĩnh vực này. Theo đó, giai đoạn 2007 - 2010, giá trị tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng bình quân 25,7%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 18,5%/năm.
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Ngành công nghiệp phụ trợ bước đầu phát triển; năng lực sản xuất công nghiệp được nâng cao và phát triển nhanh trong chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy, xí nghiệp mới, quy mô khá lớn được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động như dự án Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn, công suất 650.000 tấn/năm; xi măng Trung Sơn, công suất 1,2 triệu tấn/năm. Các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp hoạt động ổn định, thu hút và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, năm 2015, hoạt động các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc có sự tăng trưởng cao đã góp phần tích cực vào giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Điển hình là các Công ty: GGS, Seyoung INC, Esquel Việt
Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh bước đầu phát triển. Bên cạnh các dự án sản xuất thấu kính quang học, linh kiện điện tử, KCN Lương Sơn, KCN bờ trái sông Đà đã hoạt động ổn định. Thu hút thêm những dự án công nghiệp khác như: Mở rộng sản xuất của Công ty Sanko với công suất 50 triệu sản phẩm/năm; sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty NISSIN, linh kiện điện tử của Tập đoàn SamSung công suất 48 triệu sản phẩm/năm, sản xuất modul camera công suất 120 triệu sản phẩm/năm...
Việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 KCN với diện tích 1.672 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng đang được triển khai với tổng số vốn đầu tư 542,748 tỷ đồng từ vốn NSNN và vốn doanh nghiệp. 2 KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà có hạ tầng kỹ thuật được xây dựng tương đối đồng bộ. Về cụm công nghiệp (CCN), theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh ta có 21 CCN với diện tích 663,4 ha. Đến hết năm 2015, tổng số dự án đầu tư vào các khu, CCN của tỉnh 66 dự án gồm 17 dự án FDI, 49 dự án đầu tư trong nước. Có 45 dự án đã đi vào hoạt động SX-KD, doanh thu năm 2015 đạt 5.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 100 triệu USD, nộp NSNN 200 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 7.000 lao động.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp KCN và các doanh nghiệp đã đóng góp lớn vào doanh thu sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu và giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm xuất khẩu tăng 30,5%, nhập khẩu tăng 24,6%. Từ xuất - nhập khẩu hầu như chưa có gì năm 1991, đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 282 triệu USD, tăng 86,4% so với năm 2014, vượt 56,7% kế hoạch năm, đạt cao nhất từ khi tách tỉnh tới nay. Kim ngạch nhập khẩu đạt 208 triệu USD, tăng 107,8% so với năm 2014, vượt 160% kế hoạch năm. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đã tạo việc làm cho trên 28.300 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ người/tháng, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
(Còn nữa)
Vũ Tùng (TH)
(HBĐT) - Đến nay, vừa tròn 25 năm tỉnh Hoà Bình được tái lập. 1/4 thế kỷ qua là giai đoạn đánh dấu tiến trình phát triển vượt bậc và toàn diện trên mọi lĩnh vực của tỉnh Hoà Bình mà trong phạm vi bài viết này chỉ có thể khái lược một số thành tựu nổi bật.
(HBĐT) - Nền “Văn hóa Hòa Bình” là tên gọi nền văn hóa thời kỳ tiền sử - nền văn hóa đặc trưng cho các nước Đông Nam á lục địa và phía nam Trung Quốc, trong đó, tỉnh Hòa Bình là địa điểm đầu tiên được phát hiện.Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp Madelene Colani đã đề xuất khái niệm “Văn hóa Hòa Bình”.
(HBĐT) - Thực trạng kiểm kê cho thấy, người Mường có tới 36 lễ hội lớn và nhiều lễ hội nhỏ. Trong đó có 24 lễ hội đã sử dụng âm nhạc chiêng, vì vậy đã tạo nên một không gian văn hoá chiêng độc đáo. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà hầu hết các lễ hội dân gian truyền thống dần mai một, đến nay không còn được tổ chức. Theo số liệu của các nhà nghiên cứu trước đây, vào đầu những năm 90, thế kỷ XX, ở huyện Tân Lạc và Lạc Sơn, nhân dân còn giữ được trên 4.000 chiếc chiêng Hơ và chiêng Nay (chiêng Xưa và chiêng Nay). Vì hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn (trong những năm 1976 - 1990), rất nhiều gia đình đã phải bán những chiếc chiêng cổ quý giá. Từ sau năm 1990 đến nay, kho tàng chiêng quý của người Mường đã mất mát, “chảy máu” nhiều hơn nữa. Số chiêng bị bán đi nhiều nhất lại là chiêng Hơ - những chiếc chiêng quý giá nhất, có giá trị cao về âm nhạc và kinh tế.
(HBĐT) - Hòa Bình thời tiền sử. Thành tựu khảo cổ chứng minh rằng: Hòa Bình có nền văn hóa bắt nguồn từ nền văn hóa Sơn Vi (là một nền văn hóa ở Việt Nam vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, được lấy tên từ địa danh một xã của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Bước chuyển biến từ văn hóa Sơn Vi sang văn hóa Hòa Bình được xem là sự chuyển biến từ thời đại đá cũ sang thời đại đá mới... Cuộc cách mạng đá mới là một trong những bước tiến hóa của con người gắn liền với thay đổi về môi trường sống của mỗi khu vực. Từ đó, tạo nên những nền văn hóa với đặc trưng riêng khác nhau.
(HBĐT) - Theo quan niệm của người Mường, không gian văn hóa chiêng là giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hàng nghìn dàn chiêng, hàng chục nghìn chiếc chiêng quý giá, hàng chục bản nhạc chiêng đặc sắc, phản ánh sâu sắc tâm tư, tình cảm, ước mơ về một cuộc sống yên bình, no đủ, hạnh phúc và những phương thức trình tấu, trình diễn hay đã song hành nâng đỡ, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm suốt vòng đời mỗi người, của cộng đồng làng xóm và suốt quá trình hình thành, phát triển của dân tộc.
(HBĐT)- Hòa Bình là một trong các tỉnh phía Bắc có nhiều dân tộc sinh sống. Theo số liệu tổng điều tra dân số tháng 4/1999, trên địa bàn tỉnh có 15 dân tộc sinh sống. Trong đó, đông nhất là các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông...