(HBĐT) - Đàn áp xong phong trào Đốc Ngữ - Đề Kiều, thực dân Pháp xem thời kỳ bình định miền Tây Bắc như đã kết thúc. Chúng ra sức tổ chức bộ máy cai trị. Không cam chịu cảnh áp bức, Nhân dân Hòa Bình lại nổi lên chống bọn thống trị. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm và Đốc Bang. Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, là thuộc tướng của Đốc Ngữ, do chiến đấu xuất sắc, được phong là Lãnh binh, nên còn gọi là Lãnh Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nghiêm, người xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn khi đó cũng đang tập hợp lực lượng đánh Pháp và tay sai.

 Đến tháng 4/1909, Đốc Bang và Tổng Kiêm đã tuyên truyền, giác ngộ được 30 nghĩa sĩ, đặt tên là đội "Bình Tây”. Ngày 15/4, lễ tế cờ được tổ chức tại núi Viên Nam, xã Mông Hóa. Đến tháng 8, số người tham gia nghĩa quân lên đến 41 người. Vũ khí chỉ có gậy gộc, dao rừng, một khẩu súng hỏa mai và một con thuyền độc mộc. Nghĩa quân chờ cơ hội tấn công lỵ sở Hòa Bình và thời cơ đã đến. Hai ông cho quân áp sát tỉnh lỵ, cho trinh sát đi điều tra nắm vững địa hình, binh lực, hỏa lực, các mục tiêu là đồn lính khố xanh, kho bạc, Ty Thương chính, nhà dây thép, nhà tù. Nắm chắc phần thắng, Tổng Kiêm và Đốc Bang nhanh chóng quyết định đánh chiếm tỉnh lỵ, thời gian được ấn định vào đêm ngày 2, rạng ngày 3/8/1909. Sau khi phân công nhiệm vụ, ngay từ buổi chiều, nghĩa quân đã phân ra từng tốp nhỏ đột nhập tỉnh lỵ. Vào tỉnh lỵ, nghĩa quân chia làm 2 toán: Một toán vào nhà tên giám binh và bao vây bên ngoài; một toán vào bốt gác và trại lính khố xanh. Giữa đêm, nghĩa quân đã lọt vào trại lính khố xanh, giết chết tên lính gác và tên lính kèn, xông vào nhà giết chết 5 tên, đánh bị thương 16 tên. Viên giám binh Chaigneau chỉ huy đội lính khố xanh bị Đốc Bang chém chết, các tên khác hốt hoảng trốn chạy thục mạng. Nghĩa quân phá nhà lao, thả các tù phạm (40 người). Nhiều tù phạm đi theo nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân lúc này lên 70 người, thu được 150 súng trường, 35.000 viên đạn. 10h ngày 3/8/1909, nghĩa quân rút khỏi Hòa Bình, trở lại Mông Hóa trong sự đón tiếp nồng hậu của Nhân dân. Cuộc tấn công của Tổng Kiêm và Đốc Bang vào tỉnh lỵ Hòa Bình khiến bọn thực dân Pháp giật mình. Nghĩa quân bắt đầu công khai vũ trang tổ chức kháng chiến chống Pháp suốt 5 tháng. Trước thanh thế đó, thực dân Pháp tìm nhiều phương kế để tiêu diệt nghĩa quân.

Ngày 14/8/1909, thực dân Pháp phản công, vừa đàn áp, vừa dụ dỗ Nhân dân, nhằm tách Nhân dân ra khỏi nghĩa quân. Chúng huy động 115 lính lê dương, 100 lính khố xanh tấn công Mông Hóa, nhưng nghĩa quân đã rút đến núi Viên Nam. Quân Pháp truy kích bao vây núi Viên Nam. Song Nhân dân Mường vẫn đoàn kết, một lòng ủng hộ nghĩa quân, vận chuyển lương thực cho nghĩa quân, làm tai mắt cho nghĩa quân, thông báo cho nghĩa quân biết mọi sự vận động của quân đội thực dân. Sau trận này, Pháp định đến ngày 28/8 mở cuộc tấn công trên toàn cục để nhanh chóng tiêu diệt nghĩa quân. Nhưng đêm ngày 26, rạng ngày 27, nghĩa quân đã tấn công và tiêu diệt đồn lính khố xanh Hòa Lạc, kết quả Pháp bị chết 4 người, bị thương 5 người, nghĩa quân bị chết 1 người.

Trong tình hình đó, quân Pháp đã lập một hệ thống đồn bốt phía Đông Nam sông Đà nhằm ngăn chặn nghĩa quân tràn về đồng bằng. Quyền Thống sứ Bắc Kỳ quyết định điều động thêm trên 2.000 quân đến Hòa Bình. Vòng vây căn cứ Viên Nam, Mông Hóa bị siết chặt. Nhiều cuộc ác chiến đã nổ ra. Tổng Kiêm, Đốc Bang định nhiều lần phá vòng vây nhưng không thành. Nghĩa quân giao tranh với giặc 7 lần.

Quân Pháp kéo về đóng ở Mông Hóa đến 4 đồn, ra sức bao vây nghĩa quân. Mọi đường tiếp tế lương thực của nghĩa quân đều bị phong tỏa, lương thực cạn dần. Lực lượng nghĩa quân mỗi ngày một yếu đi. Trong tình hình đó, Tổng Kiêm, Đốc Bang quyết định một trận tử chiến, vượt ra khỏi vòng vây. Ngày 10/4/1910, trận tử chiến diễn ra ở Mông Hóa. Kết quả trận chiến là 8 nghĩa quân hy sinh, 17 người bị bắt, trong đó có Tổng Kiêm và Đốc Bang. Tổng Kiêm bị kết án 25 năm tù, đày đi Côn Đảo; Đốc Bang bị kết án 20 năm tù, đày đi Cao Bằng, Lạng Sơn. Tất cả nghĩa quân đều bị tù. Cuộc nổi dậy của Tổng Kiêm, Đốc Bang thất bại.

Cuộc nổi dậy của Tổng Kiêm và Đốc Bang tuy thất bại, song nó đã làm cho thực dân Pháp phải một phen lao đao, khốn đốn. Cuộc nổi dậy cũng chứng minh tinh thần yêu nước bất khuất, lòng hy sinh dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường của đồng bào Mường chống lại chế độ thống trị của thực dân Pháp.

V.T (TH)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục