(HBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua Hàm Nghi, trong toàn quốc đã bùng lên phong trào Cần Vương chống Pháp. Các phong trào kháng chiến chống Pháp của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nhanh chóng tập hợp lại xung quanh phong trào do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo. 


Nguyễn Quang Bích nguyên là Tuần phủ Hưng Hóa. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Quang Bích rất rộng, bao gồm cả miền Tây Bắc, từ sông Đà đến sông Lô, ngược lên Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Ông được vua Hàm Nghi phong làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, là người thay mặt vua Hàm Nghi điều hành, phối hợp với các lực lượng Cần Vương yêu nước ở Bắc Kỳ. Nhiều thủ lĩnh chống Pháp ở miền Tây Bắc đã quy tụ dưới cờ nghĩa của ông, trong đó phải kể đến Đề Kiều, Đốc Ngữ…

Đốc Ngữ tên thật là Nguyễn Đức Ngữ, hay Nguyễn Đình Ngữ, quê ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Sau ông bị sung vào quân của triều đình Huế, làm chức Đốc binh trong quân của Hoàng Tá Viêm. Sau khi quân Pháp chiếm được thành Sơn Tây, Hưng Hóa, ông theo Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp chống Pháp. Ông đóng quân ở Ba Vì, phối hợp với quân của Đề Kiều. Ngày 5/1/1890, chủ tướng Nguyễn Quang Bích tạ thế, trước khi mất ông đã trao quyền chỉ huy nghĩa quân cho Đề Kiều. Lúc này, nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích chỉ còn lại Đề Kiều và Đốc Ngữ. Đốc Ngữ là một trong những thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc ở vùng hạ lưu sông Đà. Bằng lối đánh du kích, ông đã khiến cho thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề và hoảng sợ.

Địa bàn hoạt động chống Pháp của nghĩa quân Đốc Ngữ rất rộng, bao gồm các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hòa Bình. Trong 2 năm 1889-1890, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh. Ngày 7/10/1890, nghĩa quân tập kích thành Sơn Tây, phá nhà tù, giải phóng 174 tù nhân. Trong những tháng cuối năm 1890, nghĩa quân phục kích chống nhiều trận càn quét của Pháp ở vùng Sơn Tây - Hòa Bình. Hoạt động của nghĩa quân Đề Kiều, Đốc Ngữ được đồng bào các dân tộc nhiệt liệt ủng hộ. Thanh niên các dân tộc xung phong vào các đội nghĩa quân. Thanh thế của nghĩa quân sông Đà ngày càng mạnh. Từ năm 1891, quân Pháp tập trung số lớn lực lượng nhằm tiêu diệt nghĩa quân Đề Kiều, Đốc Ngữ. Đốc Ngữ chiến đấu rất ngoan cường, mưu trí, được đồng bào Mường nhiệt liệt ủng hộ. Ông hoạt động trên địa bàn từ Hưng Hóa đến Chợ Bờ. Đêm 29 rạng ngày 30/1/1891, nghĩa quân Đốc Ngữ đã tấn công đồn Chợ Bờ, tiêu diệt được tên quyền Phó Công sứ tỉnh Phương Lâm là Rougery và hai tên Pháp, giải phóng thị trấn Chợ Bờ. Vào thời điểm nghĩa quân Đốc Ngữ tấn công, tại đồn Chợ Bờ có một đội lính khố xanh người Việt do hai tên Pháp chỉ huy.

Chiến thắng Chợ Bờ là trận thắng lớn của nghĩa quân, lần đầu giải phóng được một thị trấn đặt tỉnh lỵ - thị trấn Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc). Sau chiến thắng Chợ Bờ, nhiều binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp đã gia nhập nghĩa quân. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, nghĩa quân Đốc Ngữ đã tấn công san phẳng đồn, thu 118 khẩu súng trường kiểu năm 1874, 4 khẩu súng lục và 40.000 viên đạn, rồi rút về huyện Yên Lãng (thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây).

Đồn Yên Lãng cũng là một đồn quan trọng của quân Pháp ở vùng Hưng Hóa. Chốt đồn Yên Lãng, quân Pháp muốn khống chế hậu phương an toàn của nghĩa quân. Ngày 5/2/1892, với sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân Yên Lãng, 300 nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đốc Ngữ bất ngờ tấn công đồn Yên Lãng. Sau chiến thắng Chợ Bờ, chiến thắng Yên Lãng, uy danh của Đốc Ngữ bao trùm lên cả vùng Sơn Tây, Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Hóa, Sơn La. Về số lượng, nghĩa quân của Đốc Ngữ đã lên đến 700 người, được trang bị tương đối mạnh. Về chiến thuật, Đốc Ngữ sử dụng chiến thuật du kích, phục kích, tập kích, đánh tập trung, đánh nhỏ, diệt gọn, cơ động, linh hoạt, bất ngờ. Đêm 7/8/1892, trong lần lẩn tránh sự truy tìm của giặc, ông bị sát hại. Nghĩa quân sông Đà dưới sự lãnh đạo của Đốc Ngữ bị tan rã.

Trong thời gian Đốc Ngữ hoạt động ở miền hạ lưu sông Đà, nhất là ở miền Hòa Bình, nghĩa quân của ông được đồng bào Mường tận tình giúp đỡ. Từ lâu đồng bào Mường đã có tinh thần yêu nước, cho nên họ nhanh chóng tiếp thu tư tưởng đánh giặc cứu nước của nghĩa quân Đốc Ngữ và hăng hái tham gia nghĩa quân. Truyền thống đánh giặc cứu nước của Nhân dân Hòa Bình trong phong trào nghĩa quân Đốc Ngữ kế tục truyền thống đánh giặc cứu nước của đồng bào Mường trong nhiều thời kỳ lịch sử.


V.T (TH)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục