(HBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hòa Bình là địa bàn chiến lược nối liền đầu não kháng chiến Việt Bắc với liên khu III, liên khu IV và chiến trường toàn quốc. Hòa Bình được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn này, thực dân Pháp 2 lần đánh chiếm Hòa Bình và cả 2 lần đều bị đánh bật khỏi Hòa Bình.

  Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan tại xã Bình Thanh  (Cao Phong) là nơi nhiều trường học tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh. ảnh: T.L

Ngày 15/4/1947, thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Hòa Bình và đã lập được vành đai xiết chặt vòng vây liên khu Việt Bắc, căn cứ địa cách mạng; đại bản doanh của cuộc kháng chiến thần thánh. Cùng với cả nước, quân và dân Hòa Bình đã chiến đấu kiên cường, hòa sức mình cuộc kháng chiến chống Pháp chung của dân tộc. Trong đó có chiến thắng Việt Bắc. Trong vùng tạm chiếm, phong trào du kích phát triển mạnh, tiêu biểu như ở các xã Yên Mông, Trung Minh (Kỳ Sơn), Toàn Sơn, Pù Bin Mai Hạ (Mai Đà), Nhuận Trạch, Cao Sơn (Lương Sơn) …Chỉ riêng du kích Yên Lương, Phú Lẫm (Quyết Thắng) trong những tháng cuối năm 1948 đã đánh nhiều trận. Đặc biệt, ngày 30/10/1948, bằng rượu cần, lá ngón, bằng chông mìn, du kích Yên Lương, Phú Lẫm đã đánh tan cuộc càn quét của giặc, tiêu diệt trên 200 tên. Trong những năm tháng khó khăn đó, Đảng bộ Hòa Bình vẫn phải tổ chức bảo đảm đường dây liên lạc chiến lược giữa Việt Bắc và liên khu III, liên khu IV. Để phá thế bao vây của địch, vào thu - đông năm 1949, Bộ tổng tư lệnh đã chỉ đạo Liên khu III mở chiến dịch Lê Lợi nhằm đánh tan “hành lang Đông -Tây” của địch ở Hòa Bình, khai thông đường liên lạc từ Liên khu IV lên Việt Bắc, đập tan âm mưu lập “Xứ Mường tự trị”. Chiến dịch Lê Lợi kết thúc vào cuối tháng 1/1950 với thắng lợi to lớn: tiêu diệt và bức rút 23 vị trí của giặc, giải phóng khu vực 2.000 km2 gồm toàn bộ huyện Mai Đà và một số huyện; “phòng tuyến sông Đà: “Hành lang Đông -Tây” của địch bị phá tung một mảng lớn; “Xứ Mường tự trị” bị đánh một đòn chí tử… Dù còn cố thủ một số nơi trên địa bàn Hòa Bình nhưng từ thực tế chiến trường Bắc Bộ, đặc biệt là sau đại thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, thực dân Pháp đã không thể bám trụ tại Hòa Bình. Trong 9 ngày đầu tháng 11/1950, địch đã buộc phải rút khỏi Hòa Bình.

Tỉnh Hòa Bình được giải phóng và có nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng tỉnh trở thành hậu phương vững mạnh về mọi mặt, phục vụ đắc lực cho chiến trường. Thời gian này, tỉnh ta đã được củng cố về nhiều mặt; nhanh chóng ổn định tình hình vùng mới giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh. Số hội viên Mặt trận Liên Việt tỉnh tăng thêm 13.278 người (Liên việt là tổ chức thống nhất của mặt trận Việt Minh và Hội LH quốc dân Việt Nam). Đồng thời nhân dân trong tỉnh đã tiến hành, tham gia bầu cử HĐND tỉnh và xã. Cuộc bầu cử thành công. HĐND đã bầu ra ủy ban kháng chiến hành chính từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Như vậy, chính quyền và mặt trận đã được kiện toàn. Số hội viên tham gia mặt trận Liên Việt lên tới 48.732 người. Đồng thời, tỉnh cũng đã thành lập quân chủ lực tỉnh mang phiên hiệu E 12.

 

Trong thời gian từ 28/5 - 20/6/1951, nhân dân Hòa Bình đã đóng góp đắc lực cho chiến dịch Hà Nam Ninh (chiến dịch Quang Trung) bao gồm: 600.000 ngày công sửa chữa đường, vận tải vũ khí, lương thực; 16.512 cây bương, cây gỗ; 3.000 thước mây song, 150 m3 gỗ, 1.650 lán trại, 134 tạ gạo, 1.676 kg thịt lợn và gà vịt, 311 trâu bò…

 

Sau khi bình định miền đồng bằng, tháng 11/1951, thực dân Pháp lại tấn công đánh chiếm Hòa Bình nhằm thiết lập tam giác thép Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình, lập phòng tuyến sông Đà, ngăn cách Việt Bắc với Liên khu III, liên khu IV…Trước mưu đồ đó, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Hòa Bình và được Bộ chính trị, T.ư Đảng thông qua. Ngày 10/12/1951, chiến dịch Hòa Bình bắt đầu. Nhiều trận đánh, nhiều chiến công của quân và dân ta đã làm nức lòng quân dân cả nước (như trận phục kích đường 6 từ cầu Dụ đến hang đá Thau, trận Giang Mỗ - Bình Thanh gắn với tên tuổi anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt xe tăng địch, trận đánh cứ điểm Ba Vì, Tu Vũ, bắn tàu chiến trên sông Đà, địch ở thị xã bị cô lập….). Bị bao vây, tiêu diệt, ngày 23/2/1952, địch mở đường máu, rút chạy từ Hòa Bình về Xuân Mai. Hòa Bình được giải phóng, chiến dịch Hòa Bình kết thúc. Tổng kết chiến dịch, quân và dân ta đã đánh tan phòng tuyến sông Đà, giải phóng thị xã Hòa Bình, giải phóng vùng tạm chiếm rộng 4000 km2 với 2 triệu dân. Riêng tại mặt trận Hòa Bình, ta tiêu diệt 6.012 tên địch, thu 24 pháo các cỡ, 788 súng các loại, 88 vô tuyến điện, 105 tấn đạn, 23.000 lít xăng, phá hủy 12 đại bác, 9 máy bay, 17 tàu chiến, ca nô, 147 xe cơ giới, giải phóng 1000 km2 với 2 vạn dân. Hầu hết địa bàn Hòa Bình được giải phóng.

 

Nhận rõ địa bàn chiến lược quan trọng đó, quân, dân, chính, đảng Hòa Bình đã thể hiện tinh thần sáng tạo, chịu đựng muôn vàn gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên làm tròn nhiệm vụ vừa là tiền phương, vừa là hậu phương, vừa là hậu cứ trực tiếp của cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong kháng chiến, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân Hòa Bình góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến thần thánh của  dân tộc. Nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu…

(còn nữa)

                                                                       Bùi Văn (tổng hợp)

 

 Bài 13:  Hòa Bình trong chiến dịch Điện Biên Phủ

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục