(HBĐT) - Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Hòa Bình đã giải phóng thị xã Hòa Bình và một vùng lãnh thổ rộng khoảng 1.000 km2 với 2 vạn dân. Tuy vậy, đoạn đường 21, vùng chợ Bến vẫn bị giặc chiếm đóng. Như vậy, trên địa bàn Hòa Bình vừa có vùng giải phóng rộng lớn, vừa có một khu vực nhỏ đang bị địch chiếm đóng.

 

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm đến của du khách gần xa khi đến thăm chiến trường xưa và quần thể di tích lịch sử gắn bó với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa. ảnh: T.L

 

Trong điều kiện đó, tỉnh ta đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới và có nhiều giải pháp để xây dựng Hòa Bình thành hậu phương vững chắc. Tại khu giải phóng, nhiệm vụ hàng đầu là nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống của dân, xây dựng, củng cố chính quyền, LLVT, chống chính sách chia rẽ của địch và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu phá hoại, tập kích, lấn chiếm của địch.

 

Để nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, tỉnh phát động phong trào “thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Ruộng đất được chia cho nhân dân, “người cày có ruộng”. Ruộng hoang hóa được phục hồi. Phong trào khai hoang được đẩy mạnh. Nhờ đó, đời sống nhân dân được ổn định. Chính quyền và các đoàn thể cứu quốc cũng được củng cố, phát triển, nhất là LLVT, dân quân, du kích các thôn, xã. Đảng bộ Hòa Bình đặc biệt chú ý xây dựng bộ đội chủ lực tỉnh, chủ lực huyện và dân quân du kích xã. Để chống lại sự quấy rối của địch, quân chủ lực tỉnh được bố trí thành một tuyến phòng thủ có chiều sâu bao vây những vùng đang bị địch kiểm soát. Cảnh giác đề phòng địch càn quét, lấn chiếm khu giải phóng. Trong vùng giải phóng, quân chủ lực phối hợp cùng cùng dân quân, du kích truy quét các toán quân biệt kích hoạt động tại các vùng núi hiểm trở; trấn áp bọn phản động hoạt động lén lút tại các địa phương. Cuộc vận động lớn nhất của Hòa Bình trong các năm từ 1953-1954 là thực hiện thuế nông nghiệp, tiến hành giảm tô và chuẩn bị cải cách ruộng đất…

 

Ngoài nhiệm vụ xây dựng Hòa Bình thành hậu phương vững mạnh, nhân dân trong tỉnh còn có nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt giữa Việt Bắc với Liên khu III, Liên khu IV. Địa bàn Hòa Bình trở thành trạm trung chuyển của tiền phương Tây Bắc. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề vì Hòa Bình mới giải phóng, là nơi giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm. Hòa Bình đã tổ chức các đội thanh niên xung phong, huy động hàng chục vạn ngày công để sửa chữa, tu bổ cầu, đường, bến đò, bè mảng, xây dựng lán trại, kho tàng tập kết các nhu yếu phẩm cho tiền tuyến. Địa bàn Hòa Bình trở thành trạm trung chuyển cho tiền phương Tây Bắc.

 

Trong chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm sự thông suốt của tuyến đường từ hậu phương ra tiền phương cho bộ đội, dân công, đoàn vận tải. Ngoài việc bảo đảm an toàn giao thông, quân và dân Hòa Bình đã đóng góp cho chiến dịch Tây Bắc, chuyển 5.000 tấn gạo ra mặt trận, vận chuyển đường thủy 600 tấn hàng; ủng hộ bộ đội 1000 tấn gạo và nhiều thực phẩm khác.

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hòa Bình được xác định là địa bàn huyết mạch nối hậu phương với tiền phương. Hòa Bình đứng trước 2 nhiệm vụ đặc biệt: Bảo đảm sự ổn định tình hình địa phương trong điều kiện địch luôn tìm cách phá hoại từ bên trong và làm tròn nhiệm vụ là hậu phương, địa bàn trung chuyển các nguồn chi viện từ hậu phương Liên khu III, Liên khu IV cho tiền tuyến. Tỉnh ủy quyết định thành lập Hội đồng cung cấp tỉnh thay thế ban chỉ huy dân công trước đây. Hội đồng có nhiệm vụ huy động nhân tài, vật lực trong tỉnh phục vụ mặt trận với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tổ chức cơ sở giao thông, kho tàng, tiếp nhận và vận chuyển các nguồn chi viên của hậu phương ra mặt trận và thu nhận, chăm sóc thương binh. Để bảo đảm an ninh, ổn định tình hình, tỉnh tiến hành cuộc vận động toàn dân chống gián điệp, do thám, chỉ điểm, biệt kích của địch. Đầu năm 1954, Hòa Bình tiến hành cuộc truy quét nhiều ổ nhóm phản động, biệt kích ở Lạc Thủy, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong…Hòa Bình ổn định. Trong những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ, việc bảo đảm an ninh càng đặt ra một cách nghiêm mật. Các lực lượng vũ trang của tỉnh được giao nhiệm vụ bao vây, bám sát, kìm chân địch trong những nơi chúng chiếm đóng; chặn đánh địch lấn chiếm ven đường 21, đường 6; bảo đảm an toàn giao thông, kho tàng, an ninh tại địa phương, đẩy mạnh hoạt động du kích trong vùng bị tạm chiếm. Toàn Đảng bộ, quân, dân tỉnh Hòa Bình đã sẵn sàng ra quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng từ Hòa Bình lên điểm tập kết; 170.000 người hậu phương xay, giã 545 tấn thóc cho bộ đội. Tỉnh đã cung cấp cho mặt trận 39.517 kg trâu, bò, 1.840 m3 gỗ, hàng vạn cây tre bương…Những nỗ lực đó đã góp phần vào thắng lợi chung vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Thực dân Pháp đại bại, Hiệp định Giơ -ne-vơ được ký kết. Trong báo cáo của Chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh Hòa Bình gửi T.ư (đề ngày 6/12/1954) đã nêu những số liệu(chưa đầy đủ) về đóng góp của nhân dân Hòa Bình trong kháng chiến chống Pháp như sau: đánh 1.783 trận, trong đó có 806 trận độc lập tác chiến, diệt 1.798 tên, đánh bị thương 568 tên, bắt sống 239 tên âu Phi, bức hàng 134 tên; thu 481 súng, 211 lựu đạn, 691 quả mìn, 58.432 viên đạn, 51 ô tô,  1 xe tăng, 3 kho quân trang quân dụng. Cũng trong cuộc kháng chiến này, người dân Hòa Bình cũng đã phải chịu đựng những đau thương, mất mát. Hàng ngàn người dân bị địch sát hại; đã có 651 bộ đội, cán bộ, dân quân, du kích hy sinh; 2.692 trâu, bò bị cướp, 5.782 nhà bị phá hủy. Về dân công phục vụ, trong 4 năm (1951-1954), Hòa Bình đã phục vụ 9.993.560 ngày dân công. Trong thời gian trên, tỉnh đã có 1.857.196 ngày công để làm đường, sửa cầu phục vụ kháng chiến. Trong phong trào thi đua, Hòa Bình có 10 chiến sĩ thi đua ngành công nghiệp, 17 chiến sĩ thi trong nông nghiệp, 8 chiến sĩ thi đua trong phục vụ dân công, 8 chiến sĩ thi đua trong lực lượng vũ trang, dân quân, du kích…

 

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, miền Bắc, trong đó có Hòa Bình được giải phóng. Hòa bình được lập lại là điều kiện cho tỉnh nhà phát triển toàn diện về các mặt để chuẩn bị cho những nhiệm vụ cách mạng tiếp theo trong giai đoạn từ 1954-1975

(còn nữa)…

                                                              

 

                                                  Bùi Văn (tổng hợp)

 

Bài 14: Hòa Bình với những nhiệm vụ mới trong giai đoạn 1954-1965

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục