(HBĐT) - Trong mường tượng của những người chưa từng đi chợ phiên dịp Tết, phiên chợ Tết hẳn sẽ có những âm sắc rất riêng, giống như lát cắt văn hóa độc đáo không thể hòa lẫn giữa muôn màu cuộc sống. Mang theo sự háo hức, thỏa mãn trí tò mò, chúng tôi tìm đến chợ Tết để ngao du, vui chơi, hòa mình vào không gian đậm sắc thái vùng miền khi Tết đến, xuân về.

 

Người dân vùng cao về phiên chợ Tết trung tâm cụm xã Lũng Vân (Tân Lạc).

 

Vào ngày mùng 5, mùng 10 âm lịch hàng tháng, chợ quê Bãi Chạo lại có một phiên. Phiên chợ Tết cũng được họp vào đúng ngày 30, dòng người đổ về đông gấp năm, mười lần so với phiên chợ ngày thường. Đến đây, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hơn không khí mua sắm đón Tết, vui Tết của bà con các xã vùng Mường Động (Kim Bôi). Hàng hóa ở chợ Tết quê phong phú, sản vật độc đáo mỗi nơi mỗi khác. Đặc biệt trong ngày này, khu chợ sầm uất, đông vui, người dân họp chợ từng tốp, từng tốp trao đổi, bán mua tấp nập. Từ đầu chợ đến cuối chợ đâu đâu cũng thấy sắc thắm hoa đào, mùi thơm của gạo nếp mới, màu xanh của lá chuối, lá dong, màu tím của mía cuối năm ngọt đậm. Bà con đi chợ có cái hối hả của cảnh mua bán, lại có cái thong dong, thư thả của người thăm thú, ngó tới, ngó lui, thoảng hoặc hỏi han giá cả, thích thú trước những thứ ưa nhìn. Giữa dòng người nô nức, bà Đinh Thị Hiếu ở xóm Sáng, xã Đú Sáng chẳng quản quãng đường xa về chợ Tết mua sắm. Theo bà Hiếu, đã trở thành thói quen, cứ đến phiên chợ Tết dù bận rộn đến đâu bà cũng đi chợ từ rất sớm, tranh thủ sắm sanh chuẩn bị cho mâm cỗ Tết vì lúc đó có nhiều sự lựa chọn, hàng hóa tươi ngon, sau đó còn thời gian có thể thư thái chơi chợ mà không phải vướng bận thêm gì.     

 

Phiên chợ Tết Pà Cò (Mai Châu) rộn rã, đông vui, ánh lên sắc màu thổ cẩm dân tộc.

 

Ngược một dốc dài, chúng tôi lần nữa đắm mình trong không khí Tết ở Mường Bi tại phiên chợ Bò, xã Lũng Vân (Tân Lạc). Chợ Tết họp vào thứ ba ở tuần cuối cùng của năm. Trong tiết trời se lạnh, lảng bảng sương mù, bà con về chợ ai cũng tươi tắn, trẻ nhỏ hay người già, người bán hàng hay người mua hàng đều náo nức. Sản vật vùng cao được bà con trao đổi nhiều ở phiên chợ Tết là mật ong, quýt, ngọn su su… Những thứ được mua sắm nhiều thường là hàng hóa dưới xuôi: quần áo ấm, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo… Thích thú khi lần đầu được ghé thăm chợ đúng vào phiên Tết, Nguyễn Thanh Phương, sinh viên trường Đại học Thương mại (Hà Nội) cho biết: Trong chuyến khám phá vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc, nhóm phượt chúng em đã chọn phiên chợ Tết này là điểm dừng chân. Cảnh sắc hữu tình, chợ đông vui, náo nhiệt, bà con vùng cao mộc mạc, thân thiện là cảm nhận về phiên chợ Tết. Nhóm bạn cũng được thưởng thức tại chỗ những món ăn do người dân bản địa cấy trồng, chế biến và sắm được một vài thứ lạ lẫm như nỏ, bẫy chim…      

 

Phiên chợ Tết của bà con vùng cao Đà Bắc lại mang sắc thái riêng. Điểm họp chợ thường ở trung tâm cụm xã thuận tiện cho bà con đến giao lưu, giao thương. Họp chợ, chơi chợ có rất đông đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mường. Chợ Cao Sơn - xã Cao Sơn, chợ Pheo - xã Tân Pheo, chợ trung tâm cụm xã Tân Minh hay chợ Hạt - xã Yên Hòa. Các chợ không mấy khi họp trùng nhau, có chợ họp vào ngày thường, có chợ họp vào thứ bảy, chủ nhật. Bà con ăn vận thật đẹp, ngoài trang phục của dân tộc mình, các bà, các mẹ, các chị còn chít thêm khăn đội đầu khá cầu kỳ, tinh tế. Trong phiên chợ Tết, chúng tôi bắt gặp không ít các bà, các mẹ còn giữ tục nhuộm răng đen luôn thân thiện, rạng rỡ nụ cười với bất kể vị khách ghé thăm. Hàng hóa chợ Tết đa dạng, thậm chí phong phú hơn cả dưới xuôi vì có những thứ mà chợ miền xuôi ít thấy. Đó là chim, sóc do bà con đi rừng bẫy được, con gà, con lợn, củ sắn dây, củ dong giềng là những thứ mà bà con tự sản xuất được. Có cả thịt chuột sấy khô - món ăn đặc sản mà không phải ai cũng có cơ may mua về thưởng thức.

 

Khó lòng bỏ qua cơ hội ngao du phiên chợ Tết Pà Cò khi lên với huyện vùng cao Mai Châu. Phiên chợ cuối năm mang theo những đón đợi của đồng bào dân tộc Mông từ các xã Hang Kia, Pà Cò, người Mông xã bạn Loóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La). Đồng thời, chợ Tết là điểm đến thu hút hàng nghìn du khách muốn tìm hiểu văn hóa, tập quán sinh hoạt của bà con bản xứ. Khách đến chơi chợ Tết thích nhất là lạc vào không gian ngợp sắc màu thổ cẩm ở khu vực giữa chợ, thăm quan gian bán các mặt hàng nông sản đa dạng, gian  hàng điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm, cảm nhận ánh mắt, nụ cười đôn hậu, tính cách khoáng đạt, cởi mở  của người vùng cao khiến không gian chợ như bừng lên sức sống.

 Phiên chợ Tết, chợ quê ở các vùng, miền trong tỉnh trở thành điểm hẹn mong đợi của những ai muốn ngao du. Cho dẫu ngày nay theo xu hướng phát triển thời đại mới, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị sầm uất mọc lên, hàng hóa đa dạng, phiên chợ Tết vẫn cuốn hút bao người. Phiên chợ đưa họ đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác khi mục sở thị những nét văn hóa truyền thống độc đáo, những tập quán đẹp, lời nói và phong thái ứng xử mộc mạc, dung dị của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Phiên chợ cũng góp phần bảo tồn gắn liền với xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhất là giờ đây khi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày một nâng cao, lưu thông ngày một thuận tiện, hàng hóa ở các chợ phiên dịp Tết cũng ngày càng phong phú, chất lượng hơn. Du khách có dịp đến thăm quan, chơi chợ, vừa có thể tự tay chọn mua những thứ đồ ưng ý để tiêu dùng hoặc mang về làm quà. Và chắc hẳn, điều quý giá nhất, ấn tượng đọng lại trong lòng du khách khi đến với các phiên chợ Tết chính là nét sinh hoạt cộng đồng, sắc thái văn hóa chợ vùng cao đặc sắc không thể nhòa, lẫn.

 

                                                                  Bùi Minh        

 

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục