Những ngôi nhà sàn cổ nằm thấp thoáng bên sườn đồi ở xóm Ái, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Những ngôi nhà sàn cổ nằm thấp thoáng bên sườn đồi ở xóm Ái, xã Phong Phú (Tân Lạc).

(HBĐT) - Mặc dù chỉ cách QL6 với những nhà xây cao tầng, với ôtô chạy tấp nập không xa nhưng xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) vẫn giữ được cái “gốc” của người Mường. Họ vẫn ở nhà sàn cổ, quần một ống, áo pắn (áo ngắn), gặp nhau hát đúm... Đây được coi là xóm cổ nhất của đất Mường Bi. Vừa qua, xóm được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn là đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước.

 

Xóm nhà cổ

 

Cách QL6 chỉ chừng nửa cây số, xóm ải nằm gọn trong những dải đồi thấp. Bao bọc xóm là những rừng bương, tre và con đường làng đã rải bê tông. Xóm có 85 hộ, 100% là người Mường. Rừng ngày càng hiếm gỗ, gỗ mua ngày càng đắt nhưng hầu hết những nhà trong xóm đều là sàn cổ từ nhiều đời nay. Căn nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là nhà bà Bùi Thị Cái. Gia đình bà cũng như bao gia đình nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với 3.900 m2 trồng sắn, mía, lúa. Bà bảo, căn nhà này từ đời ông nội chồng để lại. Trước đây, căn nhà dựng theo lối nhà sàn cổ của người Mường là dựng nhà chôn các chân cột xuống đất nhưng do thời gian, mưa gió, những cây cột đó bị nước, đất làm mục. Năm 1993, gia đình bà dựng lại bằng kê cột trên đá, mọi cấu trúc của căn nhà vẫn giữ nguyên. Bà cho biết: Nhiều người bảo sao không làm lại nhà xây mà ở cho chắc chắn nhưng tôi không muốn. Tôi vẫn thích ở những căn nhà sàn hơn, vừa thoáng mát vào mùa hè, ấm cúng vào mùa đông. Có điều kiện, tôi mong muốn sửa chữa cho chắc chắn hơn. Con trai bà, anh Bùi Văn Ninh, 25 tuổi đang thêu hoa văn trên tấm thổ cẩm tâm sự: Em vẫn thích ở những căn nhà sàn hơn, vừa cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát và có không gian rộng. Căn nhà này từ đời ông em, bố em ở và sau này chúng em vẫn cứ ở đây.

 

         

Bộ chăn đệm và vải thổ cẩm do chính tay bà Bùi Thị Trịnh (vợ ông Khẩn) dệt.

 

Căn nhà thứ hai mà chúng tôi đến thăm là nhà của ông Bùi Văn Khẩn, một giáo viên nghỉ hưu. Căn nhà của ông gọn gàng, ngăn nắp. Giữa nhà là bàn quỳ ngồi uống nước tiếp khách, bên trái là bàn thờ tổ tiên, phía dưới treo bộ chiêng cổ có tuổi đời gần 300 năm. ông giới thiệu sơ qua về bộ chiêng từ đời cụ nội để lại. Chiếc chiêng to dùng để đánh khi trong nhà có đám báo hiệu cho làng xóm biết. Chiếc chiêng nhỏ dùng để đi săn. Khi săn được thú đánh lên một hồi để thông báo cho bạn săn biết là mình đã săn được. ông kể: Ngày còn nhỏ, tôi nghe ông nội kể lại là có một người bán chiêng đến nhà gạ cụ đổi con trâu to nhất của nhà. Cụ không đồng ý. Khi người bán chiêng rời làng chừng 3 km và đánh chiêng. Nghe tiếng chiêng vang vọng, cụ đuổi bằng được để mua về. Mấy năm nay, nhiều người đến gạ ông bán nhưng ông không bán. Bên trong căn nhà của ông Khẩn là chiếc chiếu ngủ của gia đình. Những chiếc đệm, gối, tấm thổ cẩm do chính tay vợ ông dệt được xếp gọn gàng. Phía trên gác là ba bộ trò ổ. ông bảo ba bộ  đó là bà nội tôi, mẹ tôi và vợ tôi khi về làm dâu mang chăn, đệm, gối, váy áo về nhà chồng. Đến nay, những bộ trò ổ này vẫn còn giữ nguyên. Căn nhà này từ đời ông nội tôi sống vẫn như thế này. Đến đời tôi, do cột bị hỏng năm 1985 nên cưa bớt chân cột thành nhà kê, hầu như mọi kiến trúc trong nhà vẫn giữ nguyên. Để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tôi chỉ kê thêm cái tủ để tivi và một số vật dụng của cuộc sống hiện đại.

 

Giữa trưa nắng, ông Bùi Văn Thách, 73 tuổi ra phơi lại tấm chăn thổ cẩm. ông bảo: ở đây, nhiều nhà vẫn không thích dùng chăn đệm mới. Họ vẫn muốn tự tay dệt để đắp vì mọi người nghĩ rằng đắp nó có hơi ấm của người thân. Tấm đệm của ông do người nhà làm dù nó đã cũ nhưng ông vẫn dùng. ông sinh ra và lớn lên ở xóm ải, căn nhà sàn đang ở có từ đời ông nội. Cứ hơn 10 năm ông sửa lại nhà, chưa bao giờ ông và con cháu có ý định làm nhà xây. ông bảo, ở nhà sàn thích hơn, thoáng nhất là có cái gác bếp. ở đây, dù mùa đông hay mùa hè, cả nhà vẫn ngồi quây quần sau một ngày đi làm về. Vào mùa đông, ngoài nấu ăn, bếp còn là nơi sưởi ấm cho cả gia đình qua mùa đông. ở xóm, nhiều nhà làm nhà xây nhưng nhà bếp vẫn cố gắng mua gỗ làm một căn nhà sàn nhỏ chừng 10m2 để làm bếp.  Bếp là nơi sinh hoạt cho cả gia đình, cũng là nơi tiếp khách. Vào ngày tết, khách đến nhà được ngồi bếp sưởi, ăn thịt lợn treo gác bếp mà gia chủ chuẩn bị hàng năm và uống chén rượu xuân.  

 

Vùng đất đậm bản sắc văn hóa

 

Ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm ải kể: Từ thời Pháp thuộc, nhân dân trong xóm chuyên săn bắn thú rừng và đánh bắt cá. Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, lang đạo tổ chức cuộc thi săn bắn ở đây. Tất cả già trẻ, trai gái ở đất Mường Bi tụ hội về đây xem săn bắn. Lúc này các trai làng thể hiện tay nghề săn bắn của mình. Ai bắn được hoẵng là người chiến thắng được nhiều người ngưỡng mộ. Một trong những tiêu chí khi chọn chồng, người phụ nữ thường chọn người đàn ông săn bắn giỏi. Thịt hoẵng săn được trong dịp thi săn được  mang thịt cúng thần linh và mang ra khao làng. Do vậy, trước đây, trong các dịp lễ, tết cúng thần linh, ngoài những sản phẩm săn bắn trên rừng và do con người làm ra như cơm nếp, rau rừng bao giờ cũng phải có thịt hoẵng. Nếu không có hoẵng thì có con vật lông màu vàng thay thế. Trong những năm gần đây, do rừng không còn thú, xóm thường tổ chức các cuộc thi bắn nỏ, thi bắn diều hâu.

 

Trong suốt buổi đi thăm xóm ải, chúng tôi luôn thấy hầu hết những người phụ nữ đứng tuổi đều mặc quần áo truyền thống của người Mường. Trải qua bao năm tháng nhưng những trang phục, nếp sinh hoạt của người Mường ở đây vẫn không thay đổi. ông Dựng cho hay, ở đây, hầu hết phụ nữ đều mặc quần áo người Mường. Theo quy ước của làng, vào dịp lễ tết hoặc cưới xin đều mặc, còn ngày thường không bắt buộc. Cô dâu không mặc áo cưới. Vừa kể chuyện, ông Dựng vừa rót rượu mời chúng tôi uống. Thấy chúng tôi chối với lý do không uống được ông hát bằng tiếng Mường  dịch là: “ở đây có chén rượu trong, xin mời anh uống mà lòng cho say”. Thấy chúng tôi có vẻ ngại ngùng, ông vừa nâng chén rượu vừa hát tiếp: “Mấy khi khách đến chơi nhà không có gì, có chén rượu hoa cà cả nhà cùng vui”. Chúng tôi nghe câu hát, thấy khó chối từ. ông Dựng cho biết thêm: Đây là hát đúm của người Mường hay còn gọi là hát đối. Trong các dịp lễ hội, tết, cưới xin, mọi người trong xóm thường đối đáp nhau. Lời hát đối do người dùng tự sáng tác bằng câu 6 câu 8 vần, câu trên vần với câu dưới. Cũng trong mỗi dịp lễ hội, người trong xóm thường thi hát đối, ai hát được nhiều nhất, vần nhất là người thắng. Xóm ải là một trong những xóm ở tỉnh vẫn còn gìn giữ những điệu hát của người Mường. Nơi đây sinh ra nghệ nhân hát thường rang  là bà Bùi Thị Quynh. Bà còn lưu giữ lại nhiều điệu hát cổ. Để gìn giữ bảo tồn, hàng năm vào lễ khai hạ Mường Bi thường tổ chức các cuộc thi hát thường rang và hát đối. Những dịp này, bà là ban giám khảo. Bà Quynh tâm sự: Hai thể loại hát này là nét đặc sắc của người Mường. Lời hát thường rang là lời cổ cha truyền con nối, nếu học không ham thì không thấy hay. Có bài cổ rất khó học theo làn điệu. Bà cũng mong Nhà nước hỗ trợ gìn giữ phát huy thể loại hát này. Ra về, bước xuống những bậc thang nhà sàn, chúng tôi vẫn còn nghe đâu đó  câu hát: “Đất Mường Bi là đất rộng, đất dài, có núi Cột Cờ, có nền văn hóa đón chờ tình yêu. ước gì em biến nên ruồi, em đậu gò má, em cười với anh”...

 

 

Ông Bùi Văn Linh, Trưởng phòng Văn hoá thể thao huyện Tân Lạc cho biết: Vừa qua, xóm ải đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch chọn triển khai làng bảo tồn văn hoá Mường truyền thống. Đề án sẽ hỗ trợ các hộ dân trong xóm sửa chữa lại những nhà sàn cổ, xây dựng đường sá, nhà văn hoá trung tâm. Về văn hoá phi vật thể gìn giữ nhạc cụ truyền thống của người Mường, khôi phục ngành nghề truyền thống như dệt vải, thổ cẩm, đan lát.. Đây sẽ là làng truyền thống điển hình của dân tộc Mường.

 

 

  

 

 

 

                                                                                         Việt Lâm

 

 

 

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục