Mo Mường được truyền từ đời này qua đời khác chủ yếu bằng phương páap truyền miệng thông qua các thầy mo.

Mo Mường được truyền từ đời này qua đời khác chủ yếu bằng phương páap truyền miệng thông qua các thầy mo.

(HBĐT)- Các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất Hoà Bình đều có một kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú. Những giá trị đó được chắt lọc, sáng tạo nên từ cuộc sống của người Mường, người Thái, người Dao… từ bao đời.

 

Những giá trị quý báu đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng, rất ít được ghi chép lại thành văn bản. Bên cạnh những áng mo tuyệt vời của người Mường là Ẳm Ệt của người Thái, tiếng khèn của người Mông hay những bài dân ca, hát ru của người Dao… tạo nên một bức tranh sinh động của văn học, nghệ thuật dân gian vùng đất này. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả một số nét độc đáo trong đời sống văn học, nghệ thuật dân gian của các dân tộc của tỉnh Hòa Bình. 

Phần I: Thần thoại

Đáng chú ý nhất trong thể loại thần thoại phải kể đến thần thoại của người Mường. Thần thoại Mường nổi bật và bao quát nhất là ở trong Mo Mường- một hệ thống các tác phẩm "tang ca" tiễn đưa người chết, song lại chứa đựng cả một kho tàng trí tuệ, kiến thức cũng như tư tưởng của người Mường. Đây là một "thiên tình sử bi thảm nhất của văn học truyền khẩu Mường. Nó thuyết phục, giải thích, hướng dẫn hồn người chết, thậm chí cả giải trí nữa. Thái độ nương nhẹ đó đối xử với ma (người chết)- một thực thể mà người ta mến thương tuy sợ hãi- cách đối xử với ma như với người còn sống, sự săn sóc chu đáo của người sống đối với người chết, tất cả những biểu hiện tâm lý ấy vượt lên các hình thức méo mó của pháp luật, hé cho ta thoáng thấy một khía cạnh sâu kín của tâm hồn Mường, mối cộng cảm gắn bó với nhau, một thành viên của cộng đồng, thể hiện tình cảm thiết tha giữa người với người, và bên trên cái chết, duyên nợ khăng khít giữa các thế hệ nối tiếp nhau trên mặt đất" (Nguyễn Từ Chi trong cuốn Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người).

Mo Mường trước hết là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người Mường để đoàn kết người sống trước sự ra đi của một thành viên trong cộng đồng. Đây là dịp những người sống, với sự có mặt của tất cả mọi thế hệ, cũng tập hợp nhau lại để chia tay vĩnh viễn người chết. Sự tập hợp của cộng đồng trong giờ phút thiêng liêng này như một sợi dây tình cảm gắn bó chặt chẽ họ với nhau. Bằng những đêm mo, người ta nhắc nhở lại lịch sử nguồn gốc của người Mường, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm, những tri thức của cuộc sống, những phong tục tập quán. Họ truyền dạy bằng thực tế những công việc khi có người chết, cách tổ chức đám tang, cách ăn mặc trang phục, cách làm lễ vật dâng cũng cho hồn và những thái độ ứng xử tinh thần, sắp xếp thứ bậc trong lúc có đám… Từ đó, người đã được biết rồi thì khẳng định, ghi nhớ thêm điều mình đã biết; kẻ chưa biết thì qua đó mà biết, nghe đó mà nhớ. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, thế hệ này đến thế hệ kia, những tri thức, kinh nghiệm, phong tục của dân tộc được lưu truyền, khẳng định và ghi nhớ vào tâm trí mỗi người.

Đó là cách giáo dục tự nguyện, sâu sắc mà bền vững. Người ta đến đám tang để chia ly với người chết, chia sẻ với người sống, khẳng định vị trí của mỗi người trong cộng đồng, đồng thời cũng thấy được phần trách nhiệm của mình. Không những thế, người ta đến đám tang để nghe lại lịch sử dân tộc mình được kể qua nội dung của những đêm mo, để học lại kinh nghiệm của những người đi trước xem phải xử lý các trường hợp cụ thể ra sao, để biết được nguồn gốc của hiện tượng này, địa danh kia từ đâu mà có…

Qua Mo Mường cả thế giới người Mường được thể hiện trong đó. Những bài mo răn dạy con người ứng xử với thế giới đó như thế nào. Điều thú vị hơn nữa là cả một kho tàng trí tuệ ấy được thể hiện dưới dạng nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật biểu diễn. Do đó, nó không chỉ có tác dụng giáo dục mà còn đáp ứng một nhu cầu sinh hoạt văn hoá đối với người tham dự. Những đêm mo không chỉ dừng lại ở một cuộc sinh hoạt cộng đồng với những triết lý khô khan, mà nó trở thành những sinh hoạt nghệ thuật, vì thế tác dụng truyền cảm của nó còn cao hơn rất nhiều bởi sự giáo dục được thông qua những nghi lễ mang màu sắc nghệ thuật.

Nhân dịp chia tay với người chết cũng là lúc người ta nhìn nhận lại nguồn gốc lịch sử cũng như quá trình phát triển của dân tộc thông qua những áng mo. Nó nhắc nhở người chết rằng họ đã trải qua một chu trình của cuộc sống, an ủi người chết hãy yên tâm mà ra đi, đồng thời chỉ cho người sống hãy nhớ cội nguồn của mình và biết mình đang ở đâu để mà tiếp tục sống. Mặt khác, những đêm mo cũng là khi người sống vỗ về người chết hãy an tâm ra đi, hãy giúp đỡ người sống được yên lành và tốt hơn, đừng quấy rầy họ, đừng làm khó cho họ… Để bù đắp lại, người sống sẽ sống tốt hơn, sẽ luôn luôn nhớ đến người chết với lòng biết ơn sâu sắc và sẽ không bỏ một cơ hội nào để bày tỏ sự biết ơn đó.

Bên cạnh tính chất nhân văn ấy, Mo Mường còn phản ánh một hệ thống thần thoại của người Mường hết sức phong phú. Đó là các truyện kể về nguồn gốc của trời, của đất, của muôn loài, nguồn gốc của con người cũng những hiện tượng sinh hoạt văn hoá của họ.

Vũ trụ của người Mường trong Đẻ đất đẻ nước ra đời sau khi trời và đất tách khỏi nhau. Vũ trụ này được Bua Kloi (Vua trời) là vị thần tối thượng cai quản. Cũng theo thần thoại Mường thì con người sinh ra đầu tiên là Ta Cai (Tá Cài), Ta Can (Tá Cần) là hai anh em trai và Ya Kit (Dạ Kịt) là em gái út. Người anh cả là Tá Cài đã tiến hành mọi việc để làm nên cuộc sống của con người như bây giờ, song ông bị thất bại. Chỉ đến người em mới thành công được những công việc của anh mình và sau đó kết hợp với em gái mình để thành tổ tiên đầu tiên của loài người.

Thần thoại của Mường cũng xây dựng vũ trụ riêng cho họ là Mường Trời, Mường Người, Mường Pưa Tín, Mường Vua Khú, mỗi mường đều có tổ chức chặt chẽ, trên dưới rõ ràng theo quan niệm của họ.

Mọi vật được tập dượt bước đầu, được Tá Cần (có chỗ viết là Đá Cầm) làm và dạy cho mọi người:

Đá Cầm chọn ngày lành tháng tốt

Ra làm con kẻ song

Ra làm leng kẻ Mường

Ra nuôi Mường chiếm dân

Đá Cầm từ dốc vàng hang trứng Điếng

Dậy bước chân đi trước

Nàng Dạ Kịt dậy cất bước theo sau.

Ngoài tự mình làm thử, rồi hướng dẫn ngýời khác, Tá Cần, Dạ Kịt và các vị thần khác còn làm ra nhiều thứ khác như cuộc sống hôm nay. Tất cả những việc đó được thần thoại Mường kể đến qua các phần của Đẻ đất đẻ nước:

Con trai Mường Trời đi đánh chài đánh lưới

Còn gặp nhau với gái Mường Trần đi hái lá dâu

Có Dạ Nhần mới có Theng Rẻ

Đẻ Dạ Nhần mới đẻ Theng Rông

Theng Rẻ có giỏ néo đồng

Theng Rông có giỏ néo sắt

Mới vắt được mặt trời lên cao

Khung Mường Trời mới cao mới thoáng

Khoảng Mường Bưa, Mường Trần mới rộng, mới xa

Từ xưa đến nay người ta truyền miệng chuyện ấy

Ông mo Mường kể vậy

Cho người được biết được hay

Sáng sớm trưa mai về ngày

Người nhớ lấy

Thần thoại của ngýời Thái chứa đựng trong pho sử thi Ẳm Ệt ở Mai Châu. Trong đó, Ẳm Ệt Luông kể về chuyện sinh ra những cái lớn: vũ trụ, trời đất, còn Ẳm Ệt Nọi kể về việc sinh ra cái nhỏ: lúa.

Thần thoại về vũ trụ của ngýời Thái bắt đầu từ hỗn mang tăm tối, rồi Tạo Ính và nàng On có trýớc trời và đất ăn nằm với nhau đẻ ra mây gió. Tạo Ính chõi với nàng gió sinh ra mảnh đất bằng lá đa, mảnh trời bằng vẩy ốc. Mọi vật lần lượt được sinh ra, được hình thành trải qua những cuộc sinh nở thần kỳ... Nạn hồng thuỷ xảy ra do sự giận dữ của Then làm cho mọi vật bị tiêu huỷ. Chỉ có Tạo Cặp, nàng Kè kịp chạy vào hang đá mà thoát chết và cũng sau bao gian nan, vất vả và thử thách đôi trai, gái ấy mới trở về được Mường Trần mà tạo nên sự sống cho muôn loài trên mặt đất. Cuộc sống ở trần gian bắt đầu với bao nhiêu cuộc đấu tranh vật lộn để xây dựng xã hội các mường, các dân tộc như bây giờ. Lời kể của mo trong cộng đồng say sưa, có đầu có cuối để người ta nhờ rồi lại truyền lại cho đời sau:

Ngày xửa ngày xưa

Ngày xưa thời lâu

Họ bảo:

Cái gì có trước trời

Cái gì có trước đất

Tạo Ính, nàng On có trước trời

Tạo Ính, nàng On có trước đất

Ăn ở với nhau mới sính ra trời

Ăn nằm với nhau mới sinh thành mây gió

Tạo Ính ra chơi nàng Gió

Ăn ở với nhau như cơm bữa

Ăn nằm với nhau như cơm sáng cơm chiều

Nàng Gió mới sinh ra

Mảnh đất bằng lá đa

Mảnh trời bằng "vảy ốc"

Khe núi mới bằng chân gà

Then bảo đất Mường Bằng

Không ai xếp sắp

Đất Mường Dưới không ai cai quản

Then sai bảo

Tạo Cặp và nàng Kè

Đất Mường Bằng cho bay xuống xếp sắp

"Chuồng" Mường Dưới cho bay xuống cai quản

...

Có cây Then cho có lá

Thành người cho cái đầu biết nghĩ

Họ đi chặt cây về làm chày

Giã đất cho đất tụt xuống

Chọc trời cho trời cao lên.

Qua hai bộ sử thi khá đồ sộ của người Mường và người Thái, có thể thấy rằng, thần thoại của các dân tộc này được xây dựng thành một hệ thống khá chặt chẽ. Ngoài việc giải thích sự hình thành vũ trụ và muôn loài đang tồn tại và sinh sôi nảy nở trên trái đất, thần thoại của người Mường, người Thái còn cho thấy một đời sống tinh thần phong phú, một lối tý duy nguyên thuỷ vừa hồn nhiên vừa hàm súc khi giải thích quan niệm về thế giới quanh mình. Quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của người Mường, người Thái được trí tuệ con người tưởng tượng ra vừa thiêng liêng, dữ dằn, nhưng cũng thật gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân sơn cước. Các vị thần vừa nghiêm khắc nhưng lại hết sức bao dung, đồng cảm với con người và chứa đựng tình người sâu sắc mà vẫn không mất đi sự linh thiêng của họ. Nói như Nhiculin: "Sự linh thiêng của một vùng đất phụ thuộc vào số lượng các vị phúc thần cư trú ở đó và thế lực thần thánh của họ"

Phần II: Truyền thuyết

                                                                            HBĐT tổng hợp

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục