Những món ăn truyền thống của người Mường được trưng bày tại các dịp lễ, Tết. Ảnh PV.

Những món ăn truyền thống của người Mường được trưng bày tại các dịp lễ, Tết. Ảnh PV.

(HBĐT) - Đặc điểm nổi bật nhất nguồn gốc các loại lương thực, thực phẩm cung cấp trong bữa ăn của người Mường trong xã hội cổ truyền trước tháng 8/1945 đều có nguồn gốc trong thiên nhiên, được chế biến rất giản đơn với những cách thức giản đơn cốt để cho chín để ăn. Bữa ăn là sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, làm nương rẫy, chăn nuôi, săn bắn và hái lượm, không có sản phẩm công nghiệp hay phụ gia thực phẩm như ngày nay.

 

Trước cách mạng tháng 8/1945, người Mường là cư dân nông nghiệp trồng lúa nương, lúa nước, chăn nuôi là chính và có khởi nguyên bản địa, tại chỗ lâu đời, nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm tự trồng, tự chăn nuôi hoặc thu hái, săn bắt trong thiên nhiên nên các thành phần một bữa ăn bình thường bao đời qua theo đó hầu như rất ít thay đổi. Những thành phần là: Nhóm lương thực gồm cơm nếp, cơm tẻ, mùa đói phải dùng thay các loại củ, quả khác. Trước kia, người Mường chủ yếu ăn cơm nếp, có cơm tẻ nhưng họ ăn rất ít. Ngày nay, chiều hướng quay ngược trở lại người Mường chủ yếu ăn cơm tẻ, chỉ khi có giỗ chạp, đám cưới, hội hè, lễ tết... họ mới ăn cơm nếp. Nhóm thực phẩm gồm có 3 loại chính là: rau hay các loại củ, quả khác được sử dụng như rau, các loại thịt động vật, các loài thuỷ sinh sống dưới nước, loài lưỡng cư và một số loài côn trùng như: nhộõng ong, dế mèn..., các cây và hạt cây có dầu; nhóm gia vị gồm muối ăn và các loại gia vị được lấy từ lá, củ, quả... của các loài cây có trong thiên nhiên.

 

Dân gian người Mường vẫn tự nói về bữa ăn của mình có mấy thứ cơ bản như cơm: cơm gạo nếp, gạo tẻ, vào mùa đói, nhà hết gạo họ phải ăn độn, thậm chí ăn cơm ngô, sắn, độn củ nâu, củ vớn hay ăn củ quả trừ bữa. Đây là nguồn cung cấp calo tối thiểu phải có trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

 

Đắc, rau có nơi gọi là xâu... dịch chung sang tiếng phổ thông là rau. Rau có nguồn cung từ các loài thực vật người Mường thuần hoá và trồng được trong vườn nhà, song nguồn hái lượm trong thiên nhiên còn nhiều hơn, phong phú, nhiều loài rau. Kenh là thức ăn được chế biến từ thịt động vật như thịt lợn, gà, trâu, bò..., thịt các loài thú đi săn được như: hoẵng, hươu, nai, cầy, sóc... hay các một số loài lưỡng cư như: ếch, nhái, cua hoặc một số loài côn trùng như: Nhộng ong, dế mèn, châu chấu... Nếu dịch ngang mang tính phiên âm từ kenh sang tiếng phổ thông là canh rất dễ hiểu lầm là các món canh toàn nước như canh của người Kinh. Thực ra không phải vậy, kenh trong tiếng Mường chỉ các món ăn giàu chất đạm, chất béo và chủ yếu được chế biến từ thịt động vật. Vỏi - vẳm: muối, mắm... là cách gọi dân đã chỉ gia vị và muối ăn nói chung. Trong bữa ăn dân dã của người Mường, muối ăn là thứ không thể thiếu được bày như món riêng, song nó cũng là gia vị nền để nấu nướng các món ăn, thậm chí nhiều gia đình khi nấu cơm, đồ cơm cũng bỏ muối vào. Vỏi - vẳm ở đây còn chỉ chung các loại muối kiểu như lạc rang muối, củ sả giã muối, có nhiều hôm bắt được con cua, con cá có thể do nó nhỏ quá hay gia đình đông người ăn nên họ phải nướng chín giã chung với muối thật mặn để ăn dè, mọi ngươi trong nhà ai cũng được ăn.

 

Trong 4 nhóm thức ăn kể trên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là nhóm cơm, bữa ăn nào của người Mường dù là mùa đói hay mùa no, nhà nghèo hay nhà giàu đều phải có cơm. Bữa ăn nếu đầy rau, thịt hay các món cao lương mỹ vị dù có ăn căng bụng người Mường vẫn có cảm giác chưa được ăn vì thiếu không có cơm. Một người ăn khoẻ một bữa cơm ăn tới hàng chục bát, song thức ăn chỉ có rau, muối bình thường, tính ra tỷ lệ cơm trong mỗi bữa ăn, khẩu phần ăn của người Mường chiếm tới 2/3 lượng thức ăn cho vào bụng. Vào những ngày đói kém, một bữa cơm của nhà nghèo có khi chỉ có bát cơm độn ngô, sắn ăn với muối trắng, họ vẫn coi đó là ăn cơm, nếu không có cơm chỉ có thịt, cá hay rau dù có ăn đầy bụng họ vẫn coi là chưa ăn cơm và cảm giác vẫn cứ là thiếu, chưa được ăn đủ. Chính vì thế, bao đời qua, người Mường luôn quan tâm lo cho đủ cái ăn là lương thực còn rau họ gần như không phải lo vì trong thiên nhiên có nhiều loại rau không phải nhọc công tìm kiếm và cũng không cần tích trữ.

 

Cơm, gạo là thành tố cơ bản, là nền chính trong khẩu phần ăn, bữa ăn hàng ngày của người Mường. Một gia đình thiếu cơm, không đủ gạo ăn, phải ăn cơm độn ngô, độn sắn, độn củ nâu, củ vớn..., người Mường gọi là thiếu ăn, đói kém, đây là nỗi khổ là điều lo lắng thường trực của người dân Mường trong chế độ cũ, còn như thiếu rau, thiếu thịt không được coi là thiếu ăn. Chứng tỏ từ lâu người Mường đã quen ăn cơm - gạo, nó đã ngấm vào máu, ngấm vào vật chất di truyền đến nỗi có ăn những loại lương thực khác không kém gì dinh dưỡng và độ ngon như ngô, ngày nay là bánh mỳ..., họ vẫn cảm thấy đó là ăn độn.

 

Trong bữa ăn chỉ có cơm với rau người Mường nói: “ăn ró, ăn cơm râu đắc ó cỏ kenh chi” dịch sang tiếng phổ thông có nghĩa là bữa cơm suông với rau không có thịt, cá hay các thức ăn từ thịt động vật. Nói như vậy cho thấy việc có kenh trong bữa ăn cũng rất quan trọng. Thực tế họ cũng cảm nhận rất rõ sự quan trọng của nguồn thực phẩm từ thịt động vật, nếu như vì những lý do không thể chốc lát vượt qua được như: đói kém, nghèo khổ, mùa màng thất bát, vật nuôi bị dịch bệnh đã chết hết... nên lâu ngày không có mà ăn, không được ăn thịt, cá ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi, vàng mắt và cảm giác thèm luôn thường trực, thậm chí nhiều người còn không ăn nổi cơm nữa... Trong xã hội cũ, nhiều gia đình nghèo gần như suốt tháng ăn cơm rau, thi thoảng đi móc, đi xúc được con cua, con ếch về nấu măng chua, như vậy, bữa cơm đã có kenh, thậm chí có gia đình nhiều khi có khách đến nhà mới dám thịt con gà, con vịt, khi đó nhà mới có bữa kenh.

 

Từ cách nhìn nhận trên, từ lâu, trong xã hội Mường đã hình thành sự phân công lao động rất rõ ràng, phụ nữ lo việc hái rau, đàn ông lo viêc “kiếm kenh” cho gia đình. Rất hiếm khi có người đàn ông đi hái rau và cũng tuyệt nhiên không có người phụ nữ nào tham gia trong các phường săn hay cầm chài, lưới đi đánh bắt cá, thậm chí các đồ, dụng cụ đi săn bắt như súng, nỏ..., đi đánh bắt cá như: chài, lưới... nhiều nơi còn cấm kỵ không cho phụ nữ động tay vào, vì họ coi đó là cái rủi không may. Khi đi săn bắt hay đi đánh cá, những người đàn ông không đi qua đồ phụ nữ, ra khỏi ngõ rất ghét gặp phải đàn bà... Việc đi “kiếm kenh” phụ nữ chỉ được tham gia ít ỏi như: mò cua, bắt ốc, xúc tôm, tép...

 

Nếu nhìn nhận sơ qua rất dễ lầm tưởng đây là sự phận biệt trọng nam, khinh nữ, song suy cho kỹ mới thấy triết lý nhân văn của người Mường trong cách thức phân công lao động kể trên. Dưới chế độ cũ, vị trí, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong gia đình, thêm nữa họ còn phải đảm nhiệm vai trò, thiên chức làm mẹ, mang thai, sinh nở để duy trì nòi giống. Các công việc săn bắt thú rừng là việc năng nhọc, nguy hiểm, phụ nữ đặc biệt là những người mang thai không thể tham gia được. Nếu đi bắt cá dưới sông sự nguy hiểm cũng không kém kèm, theo đó tôm, cá có mùi tanh người Mường sợ người phụ nữ dẫn đến ốm đau, khó nuôi con. Do đó, người Mường không cho phụ nữ tham gia các công việc trên. Lâu dần thành sự kiêng kỵ thái quá thành sự phân biệt như cảm nhận hiện nay. Thực ra đây là sự phân công lao động mục đích ban đầu có bản chất rất nhân văn của người Mường.

 

Ngay nay, dưới chế độ mới sang thế kỷ XXI, đời sống của người Mường ở Lạc Sơn đã được nâng cao hơn rất nhiều, các bữa ăn hàng ngày của gia đình người Mường đã thường xuyên có đủ: cơm, kenh, rau, muối, mắm...  Nói chung là đủ chất, là đã hết cảnh đói kém ăn độn củ nâu, củ vớn. Theo đà cuộc sống được nâng cao nên việc ăn uống và chế biến thức ăn của người Mường cũng đã có nhiều thay đổi chuyển từ chỉ ăn cơm nếp sang ăn cơm tẻ, thức ăn được xào, nấu mang tính cơn bản và tinh lọc hơn.

 

 

 

                                                             Bùi Huy Vọng

                                                (Hương Nhượng - Lạc Sơn)

 

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục