Sáng 15/5, tại Cung văn hóa tỉnh Hòa Bình, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh tổ chức Chương trình Ngày hội CĐS và Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2025 bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến từ tỉnh tới điểm cầu Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc và các xã, phường, thị trấn.
Dự chương trình tại điểm cầu Cung văn hóa tỉnh, đại biểu Trung ương có đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia. Đại biểu tỉnh Hoà Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo; Bùi Thị Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành; các chuyên gia, doanh nghiệp, cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân.
Mở đầu chương trình, các đồng chí lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan các gian trưng bày, giới thiệu giải pháp, sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam” phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương. Đây là những sáng kiến và công nghệ tiêu biểu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu CĐS quốc gia, lan tỏa giá trị công nghệ số đến mọi người dân. Tham gia gian trưng bày có các đơn vị: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tổng Công ty MobiFone, Tổng Công ty Misa, Công ty cổ phần MedCAT, Công ty cổ phần Truyền thông và máy tính Thánh Gióng, Công ty cổ phần Công nghệ và tin học VIG, Công ty Dell Việt Nam.
Ngày hội CĐS và Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số” tỉnh Hòa Bình là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân; đồng thời khẳng định quyết tâm của tỉnh Hòa Bình trong việc triển khai hiệu quả, hành động thiết thực, cụ thể nhằm thực hiện hóa các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. Sự kiện cũng là dịp để các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cùng chung tay lan tỏa tinh thần CĐS, đưa công nghệ vào cuộc sống, phục vụ người dân một cách thiết thực nhất…
Phát biểu chỉ đạo và phát động Ngày hội CĐS, phong trào "Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: KH&CN là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế của nhiều nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, bước đầu mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay. Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đạt kết quả quan trọng, trình độ KH&CN ngày càng được nâng lên, năm 2024 tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 40%, chỉ số PII xếp thứ 44 trên cả nước. Hạ tầng số với 100% số xã được đầu tư hạ tầng internet băng rộng cáp quang, tỷ lệ phủ sóng di động 4G theo diện tích và khu dân cư trên 96%. Các nền tảng số, hệ thống ứng dụng dùng chung của tỉnh được đưa vào vận hành, sử dụng ở cả 3 cấp chính quyền, góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt trên 85%, kết quả đánh giá chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp các năm thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Kết quả chỉ số CĐS tỉnh Hòa Bình xếp thứ 42 cả nước...
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển KHCN của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị: Để phong trào "Bình dân học vụ số” đạt hiệu quả thực chất, ngay sau lễ phát động, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể, các tổ chức tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân dân. Triển khai các lớp, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng, kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, giúp mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số. Đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người lớn tuổi, lao động tự do để họ có thể ứng dụng công nghệ vào công việc và cuộc sống…
Phát biểu chia sẻ, định hướng về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS đối với tỉnh Hòa Bình, đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN biểu dương những kết quả tỉnh Hoà Bình đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN mong muốn qua sự kiện sẽ chia sẻ những thông tin gần gũi, cần thiết nhất về CĐS. Đối với tỉnh Hoà Bình, việc triển khai CĐS rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, tỉnh Hoà Bình đang phát triển và thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Chính vì thế, thời gian tới, sản xuất sẽ không ngừng phát triển, đầu mối công việc nhiều. Điều này đòi hỏi phải ứng dụng CĐS vào đời sống và sản xuất là tất yếu, bắt nhịp với xu hướng.
Theo đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN, phong trào CĐS không phải cái gì cao siêu mà rất bình dân. Tuy vậy, KH&CN ngày càng phát triển, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải học, nâng cao nhận thức để giảm sức lao động, tăng năng suất, hiệu quả công việc và tránh bị lừa đảo trên không gian mạng một cách tinh vi... Quá trình CĐS là lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. CĐS là hành trình vì con người, phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn tỉnh cần triển khai thường xuyên, liên tục, đi vào cuộc sống, phục vụ người dân...
Tại chương trình, các đại biểu đã nghe đại diện Công an tỉnh trình bày những nội dung về dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VNeID - một chạm là xong! Trong khuôn khổ chương trình, nhằm hiện thực hóa việc nhiệm vụ Chiến dịch Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số của phong trào "Bình dân học vụ số”, đội hình "Bình dân học vụ số” của Tỉnh Đoàn, cùng Công an tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông đã ra quân hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các dịch vụ số tại khu vực chợ Phương Lâm, thành phố Hòa Bình.
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe các chuyên gia chia sẻ, trình bày các giải pháp CĐS. Trong đó, chuyên gia tư vấn ứng dụng AI, Tập đoàn VNPT chia sẻ giải pháp "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu lớn phục vụ chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế số tại địa phương”. Lãnh đạo Công ty Misa trình bày giải pháp "Nền tảng số Make in Vietnam đồng hành cùng thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS tỉnh Hòa Bình”. Đại diện Tập đoàn FPT trình bày giải pháp "Camera giám sát thông minh ứng dụng AI và IoT”. Chuyên gia Tập đoàn Viettel chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp "Nền tảng hành chính công chủ động và dịch vụ công thông minh - Thay đổi cách cung cấp dịch vụ công cho người dân”. Đại diện Tổng Công ty Viễn Thông MobiFone chia sẻ nội dung "CĐS và ứng dụng AI cho tỉnh Hòa Bình”. Công ty cổ phần MedCAT chia sẻ giải pháp "MedCAT IDUS - nền tảng số hoá dữ liệu phi cấu trúc, giải pháp tăng tốc CĐS cho ngành, lĩnh vực”.
Phát biểu bế mạc chương trình, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ngày hội Chuyển đổi số và Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thành công tốt đẹp. Sự kiện đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và lan tỏa giá trị của CĐS đến mọi tầng lớp nhân dân, từng tổ chức và toàn xã hội. Đây không chỉ là một hoạt động tuyên truyền, mà là hành động thiết thực, cụ thể nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Để phong trào "Bình dân học vụ số” không chỉ là một chiến dịch ngắn hạn, mà sẽ trở thành nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, thực sự lan tỏa sâu rộng và bền vững, cần thực hiện các ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tại chương trình. Tiếp tục triển khai một số nhóm giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kỹ năng số thiết thực tới người dân. Tổ chức đội hình tình nguyện hỗ trợ CĐS tại thôn, bản, tổ dân phố. Phát huy vai trò hạt nhân của đoàn viên thanh niên, giáo viên, chiến sĩ công an, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn, bản trong phổ cập kỹ năng số. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ để phát triển hạ tầng và nền tảng số phục vụ nhân dân…