(HBĐT) - Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước, trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của tín dụng chính sách đã giúp người nghèo trong tỉnh có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm. Hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn 14,74%, giảm 3,1% so với cuối năm 2017. Kết quả trong công tác giảm nghèo là minh chứng rõ nét cho hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi điểm tựa của người nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.


Chia sẻ hiệu quả của chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, anh Xa Văn Hoan là người dân tộc Tày ở xóm Phú Sơn, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc cho biết: Trước khi được tiếp cận vốn vay ưu đãi, gia đình tôi thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn của xã. Mặc dù quanh năm vất vả với nương rẫy nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám và thường xuyên bị thiếu đói vào mùa giáp hạt. Năm 2012, gia đình tôi được bình xét cho vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo và 8 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn từ Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền đó, gia đình tôi đầu tư mua 2 con trâu sắp đến kỳ sinh sản, nhờ chăm sóc cẩn thận, sau gần 1 năm phát triển thêm 2 con nghé. Năm 2015, khi đến hạn trả nợ, gia đình tiếp tục vay 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi. Đến nay, đàn trâu của gia đình tôi có 5 con. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay vốn chương trình NS&VSMT và chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở. Gia đình tôi thực hiện nghiêm túc việc trả lãi và gửi tiết kiệm. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thì gia đình tôi chưa thể thoát khỏi đói nghèo, chưa có nhà kiên cố để ổn định cuộc sống…


Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, hộ nghèo xã Cao Sơn (Đà Bắc) đầu tư nuôi trâu, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trường hợp của gia đình anh Hoan chỉ là 1 trong hơn 90 nghìn lượt hộ trong toàn tỉnh đã vượt qua ngưỡng đói nghèo sau 15 năm vốn chính sách phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH yêu cầu các phòng giao dịch chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, bố trí ngân sách chuyển vốn sang ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế và huy động vốn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ngân hàng tiếp tục tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi cho vay quay vòng và vốn được bổ sung mới trong năm 2018 theo chỉ tiêu kế hoạch được T.Ư và tỉnh giao, không để tồn đọng vốn. Các đơn vị của ngân hàng cũng tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, phấn đấu thu hồi nợ quá hạn tồn đọng và có giải pháp ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh; nâng cao chất lượng hoạt động ở các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ đúng quy định.

Có thể khẳng định, việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo đã mang lại hiệu ứng tích cực. Đến hết tháng 11, doanh số cho vay chương trình hộ nghèo đạt trên 303 tỷ đồng với 9.582 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ đạt trên 256 tỷ đồng. Tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ nghèo của toàn tỉnh đạt trên 922 tỷ đồng, với 31.851 lượt khách hàng còn dư nợ. Tuy nhiên, để đồng vốn cho vay hộ nghèo phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay vốn cần được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trở thành điểm tựa giúp hộ nghèo nâng cao đời sống, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành "cú huých" giúp những hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.

Hiện, mức cho vay tối đa chương trình hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,55%/tháng (6,6%/năm). Mức cho vay do ngân hàng và hộ vay thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ.




Đinh Thắng

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục