(HBĐT) - Với trên 30 doanh nghiệp, đơn vị tham gia lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa ra ngoài nước, có đóng góp lớn về giá trị xuất khẩu như Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật thấu kính R, Công ty Sanko, Bandai, Công ty CP May XNK SMAVINA Việt Hàn, Pacific… kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã tạo được dấu ấn quan trọng ở giai đoạn 2016 - 2018.


Công ty Pacific 100% vốn đầu tư nước ngoài có đóng góp lớn về mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.

Có thể kể đến đóng góp của Công ty TNHH thấu kính R - 1 trong 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh. Với lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm chính là thấu kính quang học cao cấp dùng cho máy ảnh kỹ thuật số và các dụng cụ quang học, công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600 lao động địa phương. Bằng chiến lược đúng đắn với quy mô ngày càng mở rộng, máy móc, trang thiết bị hiện đại, công suất lớn, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, công ty thường xuyên sản xuất và tiếp nhận các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Malaysia với lượng hàng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, giá trị xuất khẩu theo đó cũng tăng trưởng hàng năm.

Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, Công ty Pacific 100% vốn đầu tư FDI là doanh nghiệp có đóng góp hàng đầu. Cùng với việc mở rộng vùng nguyên liệu, công ty giữ vững và duy trì các đơn hàng, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 300 lao động địa phương.

Công ty CP May XNK SMAVINA Việt Hàn - phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) chuyên xuất khẩu hàng may mặc, nhờ liên tục có những đổi mới, cải tiến về mẫu mã, nâng cao tay nghề, kỹ thuật, tích cực tìm kiếm thị trường, công ty có được những đơn đặt hàng giá trị từ các nước: Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha. Đời sống, thu nhập của hơn 1.000 lao động nhờ thế ổn định với lương bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Một doanh nghiệp khác cũng hoạt động chủ lực trong xuất khẩu hàng hóa khác của tỉnh là Công ty TNHH BanDai chuyên sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử xuất sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc cũng có nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, giữ vững bạn hàng truyền thống, tăng cường xúc tiến thương mại để có thêm các đơn đặt hàng phía đối tác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 400 lao động địa phương.

Theo đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), giai đoạn 2016 - 2018, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã mở rộng được quy mô sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu như may mặc, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, kim loại… Đặc biệt từ năm 2018, một số doanh nghiệp có sự đầu tư khá về nguồn lực như phát triển thương mại điện tử, khai thác khách hàng để phát triển thị trường xuất khẩu hiệu quả hơn. Thị trường hàng hóa được đối xử, cạnh tranh bình đẳng trên thương trường quốc tế, được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan từ việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với nhiều nước trên thế giới trong khối ASEAN, giữa ASEAN với một số nước và giữa Việt Nam với một số nước… Đồng thời, những ưu đãi về đầu tư nước ngoài là cơ hội lớn được tiếp nhận nguồn vốn FDI để phát triển xuất, nhập khẩu.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 370,8 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ, vượt 9,07% kế hoạch năm. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 505 triệu USD, tăng 36,19% so với cùng kỳ, vượt 8,6% so với kế hoạch năm. Năm 2018, với phương châm tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… kim ngạch xuất khẩu của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá. Một số doanh nghiệp đang có kim ngạch xuất khẩu đi vào chu kỳ tăng trưởng cao và ổn định như Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel, Công ty TNHH Seyoung INC, Công ty TNHH HNT Vina… Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 616,15 triệu USD, tăng 20,81% so với cùng kỳ, đạt 101,01% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 577,1 triệu USD, tăng 21,75% so với năm trước, đạt 101,07% kế hoạch năm. Xuất khẩu dịch vụ ước đạt 39,05 triệu USD, tăng 8,47% so với cùng kỳ, đạt 100,58% kế hoạch năm.

Với những bước tiến đột phá, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Tỉnh ta phấn đấu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 787 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 745 triệu USD, xuất khẩu dịch vụ đạt 42 triệu USD, tăng 21% so với năm 2018. Một loạt giải pháp đã được đưa ra, đó là sẽ mạnh dạn và cởi mở hơn trong chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài để tăng cường thu hút đầu tư. Đẩy mạnh hàng xuất khẩu có tiềm năng như thực phẩm chế biến nông sản. Tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cải cách thủ tục hành chính và quy trình cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục thực hiện xúc tiến thương mại. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động kết nối, tạo niềm tin với các doanh nghiệp trong việc phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin lẫn nhau, giúp doanh nghiệp liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp mạnh, các nhà phân phối có thương hiệu của nước ngoài để cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, vượt qua các hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu, phân phối, tiêu thụ được tại thị trường nước sở tại.

Bùi Minh


Các tin khác


Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục