(HBĐT) - Ở xóm Đình, xã Phú Lai (Yên Thủy), ông Bùi Văn Nhân được nhiều người trong vùng ngợi khen có chí hướng làm giàu, nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài nghề nấu rượu truyền thống, ông Nhân còn chăn nuôi hiệu quả. Những năm gần đây, ông mở thêm dịch vụ sửa chữa xe máy, bán hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng.


Ông Bùi Văn Nhân chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất bán dịp Tết Nguyên đán.

Theo nghề "cha truyền, con nối”, ông Nhân tiếp quản nghiệp nấu rượu truyền thống đến nay ngót 30 năm. Trước đây, việc nấu rượu chủ yếu dùng khi gia đình có việc hoặc cung ứng quanh khu vực xã, huyện nên quy mô khiêm tốn. Tuy nhiên dần về sau, rượu đặc sản làng Đình trở nên nức tiếng xa, gần. Cũng nhờ vậy, việc sản xuất rượu được gia đình ông và một số gia đình có nghề nấu rượu truyền thống chú tâm phát triển. Nhất là trong điều kiện kinh tế hàng hóa, bên cạnh việc làm ra sản phẩm rượu ngon với hương vị riêng có, ông không chỉ góp phần đưa danh tiếng rượu làng Đình gói gọn trong phạm vi làng, xã mà còn quảng bá, giới thiệu đến nhiều vùng trong cả nước qua kênh bán hàng khá thông dụng và hiệu quả như facebook, zalo… Ông Nhân cho biết: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm gia đình sản xuất và bán ra trên 1.000 lít rượu truyền thống. Ngoài thị trường trong tỉnh thì rượu làng Đình còn có mặt ở thị trường Hà Nội, các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Bên cạnh làm ra loại rượu ngon mang tinh túy của những bông lúa nếp dẻo thơm đầu mùa gặt, ông Nhân còn tận dụng nguồn phụ phẩm sau sản xuất rượu dùng để chăn nuôi. Khu vực chuồng trại, vườn tược được ông quy hoạch gọn gàng, chuồng xây kiên cố và chia khoang. Từ năm 2016 trở về trước, trong chuồng của gia đình ông luôn duy trì 4 con lợn nái sinh sản và trên, dưới 20 con lợn thịt. Ngoài sản phẩm lợn hơi xuất chuồng mỗi năm 3 lứa, ông còn sản xuất con giống tại chỗ phục vụ các hộ chăn nuôi có nhu cầu ở trong vùng. Chững lại hơn 1 năm, chung tình cảnh giá cả lợn hơi xuống thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, đàn lợn của gia đình ông vì thế giảm về số lượng. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, giá lợn tăng và trở lại ổn định, ông Nhân nhanh chóng tái đàn, khôi phục số lượng lợn nái và lợn thịt trên quy mô chuồng trại hiện có.

Bên cạnh nghề nấu rượu kết hợp nuôi lợn, nuôi gà đẻ trứng, ông còn học nghề và mở thêm dịch vụ sửa xe máy, tranh thủ địa điểm gần với trục đường xã để bán hàng tạp hóa, sửa chữa tại nhà. Nhờ đa dạng trong tìm kiếm công việc, phát triển nghề nên gia đình ông với 4 thành viên tuy ở vùng nông thôn nhưng đều có việc làm và thu nhập ổn định, thường xuyên. Bình quân từ sản xuất nông nghiệp, làm dịch vụ, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó từ nấu rượu và chăn nuôi khoảng 60 triệu đồng, còn lại là thu từ dịch vụ. Ông là một trong những tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi để bà con nông dân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi cách làm ăn.

Thu Hằng


Các tin khác


Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục