(HBĐT) - Nhiều năm trước đây, các hộ nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện Lạc Thủy chủ yếu nuôi tự phát, sản phẩm chỉ để sử dụng trong gia đình. Sau khi thành lập, Hội Nuôi ong huyện đã thu hút nhiều hộ tham gia, chất lượng sản phẩm mật ong ngày càng nâng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tăng thu nhập cho các hộ thành viên.



Giai đoạn 2015-2020, thu nhập bình quân của các hộ hội viên Hội Nuôi ong huyện Lạc Thuỷ đạt 220 triệu đồng/hộ.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình ông Dương Văn Ưu, thôn Hồng Phong, xã Yên Bồng. Đây là một trong những hộ có thâm niên nuôi ong trên địa bàn xã, và là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nuôi ong huyện. Ông cho biết: Gia đình đã có gần 50 năm kinh nghiệm nuôi ong, trước đây chỉ nuôi vài đàn ong. Năm 2009, khi tham gia vào Hội Nuôi ong huyện, tôi được phổ biến kiến thức, tham gia các lớp chuyển giao KH-KT; tập huấn kỹ thuật mới trong nghề nuôi ong ở Công ty CP Ong T.Ư, áp dụng tại đàn ong của gia đình. Nhờ đó, chất lượng mật ong luôn đảm bảo, số lượng đàn ong ngày càng nhân lên, thu nhập được cải thiện. 

Để nâng cao thu nhập, ông chia đàn để bán ong giống cho các hộ có nhu cầu. Đến nay, gia đình ông Ưu có 200 đàn ong, trung bình mỗi năm thu trên 2.000 lít mật, thu nhập từ bán mật và ong giống từ 120 - trên 200 triệu đồng/năm. Theo ông, thông qua tổ chức Hội, các hộ có điều kiện để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau; có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm tới nhiều thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của địa phương. 

Với mục đích liên kết các hộ nuôi ong nhỏ lẻ, từ đó tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong cách nuôi, chăm sóc đàn ong, giúp gia tăng sản lượng, chất lượng mật ong. Năm 2009, Hội Nuôi ong huyện được thành lập với 38 hộ hội viên. Đến nay, số thành viên của Hội phát triển lên 115 hộ, thuộc 4 xã, thị trấn trên địa bàn. Từ đam mê và quyết tâm phát triển nghề nuôi ong, cùng sự ủng hộ, đồng hành của địa phương, các hộ hội viên đã không ngừng tìm tòi, áp dụng những kỹ thuật mới vào chăm sóc đàn ong, góp phần xây dựng thương hiệu mật ong Hòa Bình. 5 năm qua (2015-2020), toàn Hội đã có 25.000 đàn ong, tổng lượng mật thu được 250 tấn, giá trị 25 tỷ đồng. Hộ hội viên nuôi nhiều ong nhất trên 200 đàn. Ngoài nuôi ong ta, các hộ hội viên thường xuyên trao đổi, đưa những giống ong mới ở Công ty CP Ong T.Ư để nâng cao chất lượng mật và nhân đàn. 

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, dưới sự phân công của BHC Hội, thời gian qua, hội viên các chi hội đã giúp đỡ, hỗ trợ những hộ chưa có kinh nghiệm, hộ hội viên già yếu trên 500 ngày công lao động để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập. Cán bộ, kỹ thuật viên của Hội đến từng nhà hội viên hỗ trợ, hướng dẫn cách tạo chúa, chia đàn, thay thế đàn ong.

Ông Trần Thế Thành, Chủ tịch Hội Nuôi ong huyện cho biết: Hội luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đổi mới phương pháp hoạt động Hội, thu hút cả những hộ nuôi ong ở các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam tham gia vào Hội. Bình quân thu nhập của các hộ hội viên trong cả nhiệm kỳ đạt 220 triệu đồng/ hộ. Đặc biệt, vừa qua, các hộ kinh doanh, sản xuất mật ong của Hội đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu được chứng nhận cho sản phẩm "Mật ong Hòa Bình".

Thời gian tới, Hội tiếp tục hoàn thành khâu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mật ong. Phấn đấu phát triển đàn ong trong nhiệm kỳ mới lên 6.000 đàn, sản lượng mật ong 300 tấn. Thành lập 1 - 2 chi hội mới ở những xã chưa có chi hội. Mở 10 lớp tập huấn kỹ thuật cho hội viên và các hộ nuôi ong trên địa bàn, nhất là những vùng khó khăn của huyện...

Thu Hằng

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục