(HBĐT) - Những năm qua, khu vực dịch vụ của tỉnh có bước chuyển biến đáng kể, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh; cơ bản đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển và nhu cầu của người dân, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch, tạo việc làm cho người lao động...


Những năm gần đây, hình thức phân phối hàng hóa hiện đại trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh chụp tại Trung tâm thương mại AP Plaza (TP Hòa Bình).

Minh chứng thực tế là trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 6,36% thì ngành dịch vụ đạt 5,91%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tổng sản phẩm (theo giá so sánh năm 2010) của khu vực dịch vụ năm 2020 đạt khoảng 15.843 tỷ đồng, tăng 71,6% so với năm 2016. Một số ngành có tăng trưởng khá, tỷ trọng đóng góp lớn trong cơ cấu ngành dịch vụ như: Bưu chính, viễn thông, du lịch, vận tải... nhất là dịch vụ phân phối có sự phát triển khá ấn tượng.

UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hoạt động thương mại phát triển khá đa dạng, các hình thức thương mại hiện đại ngày một phát triển song song với thương mại truyền thống, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia và nguồn vốn đầu tư. Cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại phát triển nhanh, tương đối hiện đại. Nhiều chợ được xây dựng mới và cải tạo; các hình thức phân phối hàng hóa hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn... xuất hiện và ngày càng chiếm ưu thế. Từ đó đã thúc đẩy dịch vụ phân phối hàng hóa nội tỉnh tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 19%, đến năm 2020 đạt 37.680 tỷ đồng, tăng gấp 2,36 lần so với năm 2015. Cùng với thương mại nội địa, hoạt động xuất, nhập khẩu cũng đạt mức tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 28,5%; trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 30%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 27%/năm.

Nói về sự phát triển khu vực dịch vụ không thể không nói tới lĩnh vực dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách, giúp du lịch Hòa Bình dần khẳng định được chỗ đứng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Điều này không chỉ là sự nhận định của cơ quan quản lý Nhà nước mà từ chính sự cảm nhận của du khách. Chị Lâm Oanh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vừa lựa chọn Hòa Bình là điểm du xuân của gia đình. Được thưởng ngoạn cảnh đẹp nên thơ của hồ Hòa Bình, chị Oanh chia sẻ: "Trước đây, nói tới du lịch Hòa Bình tôi chỉ biết đến nhà máy thủy điện và bản Lác (Mai Châu), giờ thì có nhiều điểm để lựa chọn với các dịch vụ lưu trú, lữ hành, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, thể thao phong phú, hấp dẫn. Nhất là với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái có nhiều địa điểm ấn tượng như: xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); xóm Ké, xã Hiền Lương, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc); hay các khu, điểm du lịch sinh thái mới như: Mai Chau Hideaway, Mai Chau Ecolodge, Bakhan Village Resort tại huyện Mai Châu; Serena Resort ở huyện Kim Bôi...". Hiện, trong tỉnh có 434 cơ sở lưu trú được thẩm định, 9 điểm du lịch địa phương, 1 khu du dịch cấp tỉnh, hồ Hòa Bình được quy hoạch khu du lịch quốc gia. Từ sự mở rộng các loại hình đã kéo theo các dịch vụ du lịch phát triển.

Cùng với du lịch, trong tỉnh, dịch vụ GTVT được phát triển mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Riêng với đường bộ, toàn tỉnh có 204 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh doanh vận tải với trên 2.820 phương tiện, tăng 4 lần so với đầu năm 2016. Vận tải hành khách tăng trung bình 8%/năm và tăng 9% đối với vận tải hàng hóa. Có 3 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt với 5 tuyến, trên 100 phương tiện, hoạt động 14 tiếng/ngày. 13 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi với gần 1.190 xe, phục vụ 24/24h.

Song song các loại hình dịch vụ trên, những năm gần đây, các lĩnh vực dịch vụ về y tế, GD&ĐT, việc làm, ngân hàng, thông tin - truyền thông... từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, bắt nhịp đà phát triển. Qua đó, đưa cơ cấu ngành dịch vụ chiếm 30,4% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Có thể nói, hoạt động dịch vụ của tỉnh đã đạt được kết quả đáng kể. Song, là tỉnh được đánh giá có lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ"; là cửa ngõ vùng Tây Bắc, liền kề Thủ đô Hà Nội... thì lĩnh vực dịch vụ phát triển chưa tương xứng, còn nhỏ lẻ. Tại cuộc họp mới đây của UBND tỉnh bàn về định hướng phát triển dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương thẳng thắn nhìn nhận: Dịch vụ đóng góp chưa nhiều cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm; phát triển chưa đồng đều; mức độ xã hội hóa còn ít; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Ngoài ra, công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý Nhà nước chuyên ngành còn hạn chế. Chưa hình thành chuỗi giá trị và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có tính cạnh tranh cao. Tỉnh còn thiếu những dự án lớn tạo đột phá cho ngành dịch vụ...

Để dịch vụ phát triển xứng với tiềm năng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chương trình hành động số 01, ngày 23/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu: "Phấn đấu ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế". Để hiện thực hóa chủ trương, định hướng và mục tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, Tỉnh ủy đang chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển dịch vụ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây là đề án được kỳ vọng đưa dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tiến trình CNH - HĐH và phát triển KT-XH của tỉnh.

Bình Giang

Các tin khác


Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục