(HBĐT) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hoá quy mô lớn, gắn với tín hiệu thị trường và phát triển bền vững. Quy mô các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá ngày càng mở rộng, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Từ sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, HTX và nông dân đã góp phần phát triển các nông sản chủ lực của tỉnh trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, được thị trường trong, ngoài tỉnh tin tưởng, một số sản phẩm đã được xuất khẩu.


Thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Thành An, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) đẩy mạnh sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ tại Hà Nội.

Toàn tỉnh hiện có trên 10,8 nghìn ha cây ăn quả có múi, trong đó, diện tích kinh doanh gần 7 nghìn ha; trên 11 nghìn ha rau/năm; khoảng 6.000 ha mía; các loại cây trồng thế mạnh của một số địa phương như: Nhãn, vải, na, chuối… duy trì ổn định từ 4,5 - 5 nghìn ha. Chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 8,603 triệu con, trong đó, đàn trâu 115,7 nghìn con, bò 86,16 nghìn con, lợn gần 459 nghìn con, dê 51,7 nghìn con, gia cầm 7,891 triệu con. Trong tỉnh cũng có 2,7 nghìn ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng phát triển mạnh với 4,7 nghìn lồng.

Theo tính toán của Sở NN&PTNT, niên vụ này ước tính toàn tỉnh có sản lượng cây ăn quả có múi (cam, bưởi) khoảng 150.000 tấn; sản lượng nhãn 5.500 tấn; chuối khoảng 16 nghìn tấn (cho thu hoạch từ nay đến tháng 2/2022 khoảng 9.000 tấn); rau các loại gần 90.000 tấn. Ngoài ra, tổng sản lượng gia súc, gia cầm trên 47.460 tấn; trứng 55 triệu quả và sản lượng thủy sản ước đạt 11.700 tấn (nuôi trồng 9.800 tấn). Những con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp với vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Tuy nhiên cũng đặt ra bài toán về tiêu thụ nông sản (TTNS), đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự báo còn kéo dài.

Để tăng cường sản xuất, cung ứng, TTNS và kiểm soát chất lượng, an toàn dịch bệnh trong điều kiện dịch Covid-19, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát kế hoạch sản xuất, cung cấp thông tin về thời vụ, quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch rộ, đảm bảo gắn với kế hoạch TTNS. Hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện các giải pháp về an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung nhằm đảm bảo chất lượng, không có dịch bệnh, an toàn với người tiêu dùng, nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo các điều kiện, yêu cầu để xuất khẩu... Chủ động thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV, kháng sinh; giám sát chặt chẽ vùng sản xuất nông sản phục vụ xuất khẩu. Thực hiện quản lý, sử dụng có hiệu quả các mã số vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói được cấp. Đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, kết nối TTNS của tỉnh; chủ động cung cấp thông tin về các quy định kiểm nghiệm, kiểm dịch trong quá trình sản xuất và thông tin về ATTP, an toàn dịch bệnh để thúc đẩy TTNS tại thị trường trong, ngoài nước...

Hơn 1 tháng huyện Lương Sơn thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là thời điểm một số nông sản vào kỳ thu hoạch. Khó khăn là không thể tránh khỏi, song trên địa bàn huyện cũng có những cơ sở sản xuất, HTX nhanh nhạy với thị trường, linh hoạt trong sản xuất, liên kết, nhờ vậy, TTNS vẫn thuận lợi. HTX nông nghiệp hữu cơ Thành An, xã Nhuận Trạch là một ví dụ. Chị Hà Thị Đàm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Những tháng đầu năm, sản xuất của HTX khá chật vật do thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh. Từ tháng 4 đến nay, HTX đã liên kết với Công ty Minh Khôi cung cấp rau cho chuỗi siêu thị ở Hà Nội. Từ đó, việc tiêu thụ cũng như giá cả ổn định. Thời gian này thực hiện giãn cách xã hội, nhưng các thành viên nhóm rau hữu cơ vẫn miệt mài với đồng ruộng. Ngày nào chúng tôi cũng xuất 5 - 6 tạ rau ra Hà Nội, ngày ít cũng phải 4 tạ. Nhiều hôm 24h mới xếp xong hàng lên xe. Mệt đấy nhưng chị em phấn khởi, vì tuy dịch bệnh kéo dài nhưng vẫn duy trì được sản xuất, có thu nhập khá. Qua đây chúng tôi thấy, để tiêu thụ tốt cần đa dạng sản phẩm, đảm bảo đẹp và chất lượng để giữ uy tín với khách hàng. Đặc biệt, cần chủ động liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm để có thị trường ổn định.

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, đã có nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất chủ động, sáng tạo bán hàng thông qua chuỗi cửa hàng, siêu thị, bán qua trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... mang lại hiệu quả tích cực. Song, thực tế việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản ở một số nơi gặp khó khăn, giá xuống thấp. Dự báo khó khăn này còn kéo dài, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết TTNS trên địa bàn tỉnh, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; sản phẩm chủ lực được tiêu thụ hoặc đưa vào chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu của thị trường..., UBND tỉnh vừa phê duyệt phương án và kế hoạch TTNS chủ lực của tỉnh trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, đã xây dựng 3 phương án cụ thể trong bối cảnh: Dịch Covid-19 được kiểm soát, nông sản được tiêu thụ thuận lợi; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và phương án dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa. 

Từng phương thức trong thu hoạch, thu mua, vận chuyển, kết nối TTNS... đã được triển khai. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ TTNS trong điều kiện xảy ra dịch Covid-19. Từ đó đã tạo niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ bà con thu hoạch, TTNS trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Bình Giang

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục