Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nâng cấp hạ tầng và tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong tháng 9, các nhà phát hành trái phiếu bất động sản chỉ có hai giao dịch với tổng cộng 2,8 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: NAM ANH)

Cho tới nay, thị trường này đã có bước phát triển nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, nhưng cùng với đó, cũng đặt ra yêu cầu cần sớm hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với tốc độ và quy mô của thị trường.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cấu phần có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường tài chính, với tốc độ tăng trưởng 40%/năm. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP. Trong bảy tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã huy động được gần 290 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.

Phù hợp sự phát triển của thị trường

Thực tế cho thấy, về mặt tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đã hỗ trợ việc dịch chuyển dòng vốn trên thị trường tài chính. Theo đó, các doanh nghiệp đã bước đầu tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn của hệ thống.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, các tổ chức tín dụng cũng đã huy động được hơn 500 nghìn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn, hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Đồng thời, việc phát triển trái phiếu doanh nghiệp cũng tạo ra một kênh đầu tư mới thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân cho đầu tư dài hạn bên cạnh kênh gửi tiền tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh có tính đầu cơ như vàng, bất động sản.

Tuy nhiên, quá trình thực thi thời gian qua cũng cho thấy thị trường xuất hiện những hiện tượng, hành vi cố tình gian lận các quy định để phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong việc triển khai quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu trên thị trường thứ cấp... Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với sự tiếp tay của doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Các nhà đầu tư này đã cố tình giả mạo giấy tờ xác nhận nhà đầu tư hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức hoặc cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo luật dân sự. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phát hành có tình hình tài chính kém, chất lượng công bố thông tin chưa bảo đảm, mục đích sử dụng vốn trái phiếu không rõ ràng; một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định, tiếp tay cho các doanh nghiệp phát hành hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý có các giải pháp điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Bộ Tài chính cho biết, từ năm 1994, Chính phủ đã ban hành Quy chế tạm thời về phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước. Vào thời điểm đó, việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp không phân biệt giữa chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ. Bắt đầu từ năm 2005, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được luật hóa với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và ra đời hai phương thức phát hành là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Cho tới nay, Chính phủ ban hành nhiều nghị định để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời ngày càng bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Việc phát hành ra công chúng đã có điều kiện phát hành cao hơn (phải có lãi, không có lỗ lũy kế, phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận...) và được bán rộng rãi cho các nhà đầu tư.

Việc phát hành riêng lẻ có điều kiện thấp hơn (không cần phải có lãi nhưng phải bảo đảm không có nợ trái phiếu hoặc nợ vay khác bị quá hạn trong vòng ba năm liên tiếp; đáp ứng được tỷ lệ an toàn tài chính và hoạt động theo pháp luật, bỏ quy định phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nhưng đợt phát hành phải được rà soát bởi công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ...); việc phát hành và giao dịch chỉ được phép thực hiện trong phạm vi nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp...

Nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành

Như vậy, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ khi triển khai Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được hoàn thiện và quy định đầy đủ các điều kiện, hồ sơ, quy trình, chế độ công bố thông tin và cơ chế giám sát theo định hướng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn vừa bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cho biết, qua đánh giá, phân tích các rủi ro mới phát sinh, từ cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành sáu công điện, hai văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm khi chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với hồ sơ giả mạo, phân phối cho nhà đầu tư cá nhân không đúng quy định.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính cũng đã triển khai 39 đoàn kiểm tra, phối hợp, chuyển cơ quan điều tra sáu hồ sơ kiểm tra; liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị chấn chỉnh hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đáng lưu ý, công tác thông tin tuyên truyền đã được Bộ Tài chính chủ động, tập trung thực hiện thông qua nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo rủi ro trên thị trường, khuyến nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ quy định khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Mặc dù đã tăng cường các biện pháp quản lý giám sát, tích cực thông tin, tuyên truyền, cảnh báo mạnh mẽ cho tất cả các chủ thể trên thị trường nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn cố tình tìm cách mua trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân.

Chính phủ đã sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đây là động thái quan trọng để nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành, hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng cao nhất 13%/năm

(HBĐT) - Tính đến hết tháng 10/2022, tổng nguồn vốn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên toàn địa bàn đạt 37.920 tỷ đồng, tăng 13% (tương đương 3.461 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2021, trong đó, tổng dư nợ đạt 32.250 tỷ đồng, tăng 10%, gồm: dư nợ ngắn hạn chiếm 42%; dư nợ trung, dài hạn chiếm 58%. Nợ xấu nội bảng 190 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ. Cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 16.343 tỷ đồng, chiếm khoảng 51% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 23,6%; các lĩnh vực ưu tiên khác dư nợ đạt thấp: dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 40 tỷ đồng, dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 22 tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt 43.615 tỷ đồng

(HBĐT) - Hiện nay, các đơn vị kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang chủ động điều chỉnh cơ cấu nguồn hàng; đa dạng hóa các loại hàng hóa và loại hình dịch vụ; đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng. Theo đó, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 10 vừa qua tiếp tục khởi sắc. Doanh thu và lượng khách đã được phục hồi ở hầu hết các ngành và ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ, tạo đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.

Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nâng cấp hạ tầng và tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

32 nhà nông trẻ xuất sắc giành Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 17

Tối 4/11, tại thành phố Đà Lạt, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tổ chức Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 17 và trao giải thưởng chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022.

Đường nối cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với KCN Yên Quang: Hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao chủ đầu tư trên 47.411 m2

(HBĐT) - Dự án đường nối cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với khu công nghiệp (KCN) Yên Quang (TP Hòa Bình) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1577/QĐ-UBND, ngày 29/7/2022 nhằm từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực; tạo điều kiện khai thác hiệu quả, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư của KCN Yên Quang và cụm công nghiệp Tiên Tiến.

Mía tím được giá, nông dân xã Ngọc Lâu phấn khởi

(HBĐT) - Đã lâu rồi những hộ trồng mía tím tại xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) mới phấn khởi bước vào vụ thu hoạch mới, khi mía được bán với giá 8.000-9.000 đồng/cây, tăng gấp 3-4 lần so với năm ngoái, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục