(HBĐT) - Sau nhiều năm đi lao động xuất khẩu, nam thanh niên người Mường về quê nuôi gà mía, lợn rừng, thu gần 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Bùi Văn Luân vừa cho xuất chuồng 1 lứa gà mía, thu về trên 100 triệu đồng.
Cùng cán bộ Đoàn xã, chúng tôi đến gia đình anh Bùi Văn Luân (trú tại xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn, Kim Bôi) - một trong những thanh niên dân tộc thiểu số điển hình làm kinh tế giỏi.
Khi biết mục đích của đoàn công tác là thăm quan, tìm hiểu mô hình, để giới thiệu đến đông đảo thanh niên toàn tỉnh, lan tỏa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, anh Luân càng thêm cởi mở. Anh kể: "Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đi làm thuê khắp nơi như Bắc Ninh, Hà Nội nhưng thu nhập đều bấp bênh. Năm 2010, tôi đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ở nơi đất khách xứ người, công việc vô cùng vất vả, tôi luôn trăn trở tại sao không thể làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương mình, nơi có gia đình, vợ con, bè bạn?". Vậy là 4 năm sau, khi đã có một khoản tiền tích góp nho nhỏ, anh bỏ công việc ở Hàn Quốc, quyết định trở về quê nhà để lập nghiệp, bắt đầu từ nuôi lợn rừng, nhưng gặp thất bại liên tục do giá lợn bấp bênh, lại nhiều bệnh.
Năm 2016, trong lần tình cờ về Ba Vì thăm bạn bè, anh Luân thấy bà con nơi đây nuôi gà mía thả vườn rất phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh liền đặt mua 500 con giống về nuôi thử. Sau 1 năm, thấy đàn gà hợp với điều kiện khí hậu tại vùng, ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán lại cao, nên anh quyết định mở rộng quy mô, tăng đàn lên 2.000 con, thả ở khu đồi rộng 3 ha sau nhà.
"Tôi tận dụng đồi bưởi và cam sau nhà để thả gà, như vậy sẽ có bóng mát, hơn nữa gà sống dưới cây sẽ mổ cỏ luôn xung quanh gốc, một công đôi việc nên hiệu quả cao; trung bình thu nhập từ bưởi, cam và gà năm nào cũng đạt trên 300 triệu đồng, chưa kể lợn rừng, ao cá” - anh Luân hồ hởi nói.
Theo anh Luân, nuôi gà mía rất đơn giản, khi gà hơn 25 ngày tuổi nên cho ăn thức ăn hỗn hợp, đến 40 ngày tuổi thì chuyển sang cho ăn ngô xay, ngô hạt, rau xanh. Như vậy gà sẽ có chất lượng thịt thơm ngon, đạt trọng lượng tối đa từ 1,8 – 2,2kg/con. Để gà ít bệnh, gia đình anh thường rắc vôi bột quanh chuồng, đồng thời, rải vỏ trấu phủ lên trên mặt đất, giúp việc quét dọn chuồng trại dễ dàng hơn, lại có thể tận dụng phân gà bón cho vườn cây ăn quả quanh nhà.
Hiện trang trại của gia đình anh Luân đang giải quyết việc cho 2 lao động thường xuyên, hơn 10 lao động thời vụ là bà con quanh vùng với mức lương trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, gà Mía của gia đình anh Luân được khách hàng gần xa biết đến. Nhiều tư thương vào tận trang trại mua nhưng không đủ bán, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Với giá gà Mía ở thời điểm hiện tại dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, cùng hơn 50 con lợn rừng và vườn cam, bưởi, năm nay, gia đình anh Luân dự kiến thu về không dưới 500 triệu đồng.
Theo đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, anh Bùi Văn Luân là thanh niên tiêu biểu, có kiến thức, kinh nghiệm, tích cực tìm tòi, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế gia đình, đem lại hiệu quả cao… Song đáng quý nhất ở chàng trai chất phác này là tinh thần sẵn sàng chia sẻ, tích cực giúp đỡ về giống, kỹ thuật chăn nuôi cho bà con làng xóm, tạo được việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn đang tích cực tìm hiểu, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình của gia đình Bùi Văn Luân, giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương.
(HBĐT) - Với mục tiêu nâng cao đời sống hội viên nông dân (HVND), thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều giải pháp. Qua đó hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Tối 21/9, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc.
(HBĐT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở các tỉnh phía Bắc từ nay đến cuối vụ mùa thời tiết còn diễn biến phức tạp, có thể xảy ra những đợt mưa kéo dài kèm dông, lốc, gió mạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh thành dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Để bảo vệ sản lượng, năng suất lúa vụ mùa năm nay, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến của đối tượng rầy nâu (tập đoàn rầy) hại lúa, chủ động xử lý kịp thời các ổ dịch dưới sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ chuyên môn.
(HBĐT) - Thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng (ĐTXD) lưới điện. Qua đó tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của khách hàng.