(HBĐT) - Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông năm nay, nhiều hộ dân xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) đã tích cực phun khử trùng, tiêu độc, gia cố chuồng trại, nhất là dự trữ thức ăn… nhằm giảm thiểu thiệt hại.



Gia đình ông Bùi Văn Ngâu, xóm Đầm Băng, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) chủ động tích trữ thức ăn khô, không để trâu, bò sút cân trong mùa đông. 

Ngọc Lâu có nền nhiệt độ thường thấp hơn từ 5 - 70C so với các xã vùng dưới. Mùa đông thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra sương muối, rét đậm, rét hại. Xã có tổng đàn trâu, bò gần 2.000 con, đàn lợn 1.420 con, gia cầm trên 33.000 con. Những năm trước đây, sau mỗi mùa đông, đàn gia súc trên địa bàn thiệt hại đáng kể. Nhiều hộ tái nghèo sau khi mất hết gia súc, đời sống gặp khó khăn. Nguyên nhân do hiện tượng sương muối xảy ra thường xuyên, người dân còn thói quen thả rông gia súc; rơm rạ sau khi thu hoạch đốt ngay tại ruộng, không tích trữ làm thức ăn, ủ ấm cho vật nuôi. Ngoài ra, do người dân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh dẫn đến dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục, gây chết nhiều trâu, bò. Do vậy, công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc thời gian gần đây luôn được xã quan tâm.

Đồng chí Bùi Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu cho biết: "Thời gian qua, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tập quán thả rông gia súc, xây dựng chuồng trại kiên cố, kín đáo, tích trữ thức ăn để giảm tình trạng trâu, bò chết rét. Bên cạnh đó, xã tổ chức tiêm phòng, phun khử trùng chuồng trại, khuyến cáo người dân giám sát, phòng bệnh cho đàn vật nuôi; cập nhật kịp thời chỉ đạo từ chính quyền xã. Nhờ đó, số lượng vật nuôi chết vì đói, rét, dịch bệnh giảm dần qua từng năm”.

Năm 2021, nhờ chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc từ sớm nên hầu như trên địa bàn không xảy ra thiệt hại. Từ kinh nghiệm đó, năm nay xã sớm triển khai nhiều phương án phòng, chống đói, rét cho gia súc tới các thôn, xóm. Công tác khử trùng tiêu độc chuồng trại, tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục cho vật nuôi được đẩy mạnh, toàn xã đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 90%. Xã tuyên truyền, cử cán bộ đến từng hộ chăn nuôi hướng dẫn cách che chắn chuồng trại đúng cách; vận động người dân trồng nhiều cỏ voi, tích trữ rơm, rạ sau mùa gặt, không đem đốt bỏ.

Ông Bùi Văn Ngâu, hộ chăn nuôi ở xóm Đầm Băng cho biết: "Nhiều năm trước đây, do gia đình chủ quan không gia cố chuồng trại, gia súc còn thả rông nên sau mỗi mùa đông, vật nuôi đều sút cân, có con bị chết rét, thiệt hại nhiều về kinh tế. Rút kinh nghiệm từ đó, tôi đã xây dựng chuồng trại kín đáo, chủ động tích trữ thức ăn cho gia súc nhằm tăng sức chống chọi với thời tiết. Đồng thời thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi, báo cáo với xã kịp thời nếu phát hiện triệu chứng dịch bệnh. Nhờ đó gia đình đã giảm thiểu được thiệt hại trong chăn nuôi".

Ông Bùi Văn Chiến, Trưởng xóm Xê cho biết: "Theo chỉ đạo của xã, trước khi không khí lạnh tràn về, xóm cùng các ban, ngành thường xuyên tuyên truyền, phát trên loa truyền thanh về biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi, khuyến cáo người dân đưa trâu, bò về chuồng, không thả rông khi trời tối hoặc nhiệt độ xuống thấp. Hướng dẫn bà con nhận biết dấu hiệu bệnh tật của trâu, bò thông qua da, móng, vết loét nhằm kịp thời khống chế dịch bệnh. Nhờ đó, số lượng vật nuôi trong xóm bị thiệt hại sau mỗi mùa đông giảm dần”.

Theo dự báo, mùa đông năm nay có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, do đó, xã tăng cường tuyên truyền đến người dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Hoàng Anh

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục