(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...
Người chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó vì giá lợn hơi vẫn ở mức thấp. Ảnh chụp tại xã Hùng Sơn (Kim Bôi).
Trên một diễn đàn về giá lợn hơi lập trên mạng xã hội facebook với hơn 100 nghìn thành viên, mỗi ngày có hằng trăm câu hỏi của người chăn nuôi đặt ra nhằm tham khảo tình hình giá lợn ở các địa phương. Tuy nhiên, câu trả lời đều là sự thất vọng, khi giá lợn đều chưa tăng, nhiều người chăn nuôi xuất bán lợn với giá chỉ hơn 40 nghìn đồng/kg. Như anh Bùi Văn Thanh, một hộ chăn nuôi lợn ở xã Kim Truy (Kim Bôi) vừa xuất bán lứa lợn hơn 2 tấn, giá bán 47 nghìn đồng/kg. Tính ra, anh lỗ cả chục triệu đồng. Theo anh Thanh, đây là lứa lợn thứ hai anh bị thua lỗ. Cách đây 6 tháng, anh cũng xuất bán lứa lợn gần 3 tấn, giá 48 nghìn đồng/kg. Anh Thanh hy vọng lứa lợn này sẽ giúp anh gỡ lại, nhưng giá bán còn thấp hơn trước.
Cùng chung tình cảnh, cách đây hơn một tuần, gia đình anh Bùi Văn Bính, xã Gia Mô (Tân Lạc) cũng xuất bán lứa lợn 9 con, trọng lượng hơn 800 kg, với giá bán chỉ 44 nghìn đồng/kg. Với việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, anh Bính đã chịu thua lỗ không nhỏ. Hiện nay, anh Bính vẫn còn một lứa lợn thịt khoảng một tháng nữa là xuất bán. Khi mà giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao, anh Bính lo lắng vì càng nuôi, càng lỗ. Thế nhưng, để bán "non” cho thương lái thì cũng không nỡ nên vẫn cố gắng nuôi với hy vọng giá lợn có thể sẽ tăng trở lại.
44 nghìn đồng/kg cũng là mức giá lợn hơi mà chúng tôi ghi nhận được ở một số xã thuộc huyện Lạc Sơn. Trước thực tế giá lợn duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài, nhiều hộ chăn nuôi không dám tái đàn, hoặc chuyển hướng sang chăn nuôi lợn nái, nuôi lợn bản địa. Như gia đình anh Bùi Văn Chính, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn), trước đây nuôi lợn thịt, số lượng dao động trên dưới 10 con/lứa. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, anh Chính đã chuyển sang nuôi lợn nái. "Với giá cám cao, còn giá lợn hơi thấp như hiện nay, nuôi lợn thịt chắc chắn sẽ thua lỗ. Gia đình tôi chuyển sang nuôi lợn nái, cho ăn dân giã, nếu giá lợn giống xuống thấp vẫn được từ 500 – 700 nghìn đồng/con. Tính ra nuôi lợn nái an toàn hơn nuôi lợn thịt”, anh Chính chia sẻ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 47 – 50 nghìn đồng/kg, giảm 3 - 5 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Dự báo về thị trường sắp tới, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Giá lợn hơi vẫn khó tăng trở lại. Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, người chăn nuôi lợn hy vọng việc xuất khẩu sôi động, giúp giá lợn phục hồi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này không dễ bởi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ mất thời gian khá dài để mở cửa. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch thì doanh nghiệp "ngại” bởi những yêu cầu hết sức khắt khe. Giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh cũng bị điều tiết bởi giá chung của thị trường trong cả nước.
Đồng chí Phó Chi cục trưởng phân tích thêm, giá lợn hiện nay phụ thuộc vào mức tiêu thụ và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước nên khó kích cầu, khó tăng giá trong thời gian tới. Do đó, người chăn nuôi lợn cần tiếp tục theo dõi thị trường, thận trọng trong tái đàn. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, cần tận dụng các thức ăn có sẵn để giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro.
Đỗ Khánh Huyền
Lớp Truyền thông Quốc tế K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(HBĐT) -Dọc trên những con đường bê tông liên thôn, xóm tại xã Đa Phúc (Yên Thủy) là những ruộng mía bạt ngàn. Nông dân hồ hởi chăm sóc đảm bảo thu hoạch đúng khung thời vụ. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, giá mía ở mức 6.000 - 8.000 đồng/cây, thị trường tiêu thụ ổn định. Cây mía đã trở thành cây trồng mũi nhọn giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Trong đó, nuôi cá lồng bè trên hồ sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, các chỉ số môi trường tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Hiện, tổng diện tích nuôi cá ao, hồ toàn tỉnh đạt 2.698 ha với 4.900 lồng nuôi cá, tăng 200 lồng so với cùng kỳ.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.028,4 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,19%, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,5%.
(HBĐT) - Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua rất rõ ràng, điều này trực tiếp phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong quý I/2023 ước đạt 3,88%. Đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình. Nhận diện sớm và kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh.
Để chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc thì việc triển khai các dự án vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực.