(HBĐT) - Năm 2022, giống mía mô F134 được xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) triển khai trồng thay cho giống mía tím bản địa bị thoái hóa qua nhiều năm canh tác đã cho hiệu quả rõ rệt. Mía sinh trưởng, phát triển tốt với nhiều ưu thế khi có khả năng nảy mầm cao, đều, mọc nhanh, khả năng đẻ nhánh, chịu hạn tốt, trữ lượng đường cao, được thị trường ưa chuộng. Đây là giống mía được thực hiện bằng phương pháp nuôi cấy mô do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN cung cấp.


Giống mía mô F134 được gia đình chị Đinh Thị Huệ, xóm Đon, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) đưa vào trồng cho năng suất, chất lượng cao.

Vườn mía của chị Đinh Thị Huệ, xóm Đon bước vào vụ thu thứ 2. Chị Huệ cho biết: "Khi nhận giống mía mới về trồng, tôi băn khoăn bởi giống mới thấp, bé hơn giống bản địa. Tuy vậy, sau 2 tháng chăm sóc, với sự hỗ trợ của cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và người có chuyên môn, giống mía mô F134 phát triển tốt. Triển khai trồng từ tháng 2/2022, đến nay vườn mía rộng 2.000 m2 của gia đình đã cho thu 1 vụ, tư thương mua với giá 8.000 - 9.000 đồng/cây. Giá bán cao hơn những năm trước, bởi qua đánh giá, giống mía mới có nhiều đặc tính nổi trội như vỏ màu tím sẫm, bóng, dóng dài, không bị vỡ vỏ khi chín, vị ngọt cao, nhiều nước. Đó là ưu điểm vốn không còn trên những cây mía bản địa đã thoái hóa từ lâu”.

Cũng mạnh dạn chuyển đổi trồng giống mía mới như chị Huệ, hộ chị Bùi Thị Loan, xóm Đon phấn khởi có vụ mía thắng lợi. Vườn rộng 3.000 m2 với khoảng 1 vạn cây, vụ mía vừa rồi gia đình thu được trên 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi hơn 60 triệu đồng. Nhận thấy mía phát triển thuận lợi, chị Loan dự tính mở rộng diện tích lên 5.000 m2 để tăng sản lượng cho vụ sau, nâng cao thu nhập. 

Hiện nay, mía vẫn là cây trồng chủ  lực của người dân xã Mỹ Hòa với tổng diện tích 287 ha, trong đó có 255 ha mía tím và 32 ha mía trắng. Cây mía được người dân trồng từ lâu, tuy nhiên đã dần thoái hóa, chất lượng sụt giảm qua từng năm, mẫu mã kém hấp dẫn. Cụ thể, năm 2019 - 2021, tư thương chỉ mua mía tím với giá 1.000 - 1.500 đồng/cây, có thời điểm xuống 800 đồng/cây, người dân lỗ nặng. Có hộ phải chặt bỏ mía thương phẩm đem cho bò ăn, chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc ruộng bỏ không. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhiều hộ lâm vào khó khăn do mía bán lỗ, nợ tiền phân bón, không còn tiền tái đầu tư cho vụ sau. Trước thực tế đó, xã tìm các giải pháp, tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích mía bản địa thoái hóa thay bằng giống F134. Hiện, giống mía tím Hòa Bình vẫn được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nhân giống bằng kỹ thuật in vitro, cho cây có độ đồng đều cao, sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu hạn và dịch bệnh. Được biết, 1 cây mía mô trồng sau khi đẻ nhánh cho ra 5 - 6 cây nên bà con trồng phải đảm bảo diện tích tối thiểu 3 cây/m2, không được trồng dày hơn ảnh hưởng đến chất lượng. 

Đồng chí Bùi Văn Thích, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết: "Trong suốt thời gian triển khai trồng giống mía mới, xã đã chỉ đạo cán bộ phụ trách, người có kinh nghiệm, chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân từ khâu làm đất, bón lót phân, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, xử lý kịp thời khi sâu bệnh chớm xuất hiện, hướng dẫn tác động các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây mía. Giống mía mô F134 được triển khai thành công giúp các hộ dân có cách nhìn mới, thay đổi tư duy trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tiếp tục duy trì vùng sản xuất mía quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững, khẳng định vị thế cây trồng chủ lực của địa phương”.

Hoàng Anh

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục