(HBĐT) - Mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được triển khai và nhân rộng thông qua Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ đã và đang tạo luồng sinh khí mới trong sản xuất nông nghiệp của nông dân một số địa phương trong tỉnh. Qua đó góp phần xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo cho người dân cũng như hội viên, nông dân (HVND) tại các vùng nông thôn.


Cán bộ, hội viên nông dân các vùng dự án tham quan mô hình nông, lâm nghiệp dưới tán rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Tân Lạc.

Tại xã Tử Nê (Tân Lạc), thông qua Chương trình FFF II, tổ hợp tác (THT) trồng rừng và nuôi ong Mường Cú ở xóm Cú đã phát huy được hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho thành viên nhờ các mô hình liên kết sản xuất. Thực hiện chương trình, các thành viên được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi ong, nâng cao năng lực, tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính… Đến nay có khoảng 20 hộ HVND tham gia vào THT, với hàng trăm đàn ong mật. Mỗi năm, bình quân mỗi thành viên thu nhập trên 22 triệu đồng từ nuôi ong dưới tán rừng. Sản phẩm mật ong của THT được chọn là một trong các sản phẩm để thực hiện Chương trình OCOP của địa phương.

Chương trình FFF II tại tỉnh được triển khai ở các xã: Đông Lai, Tử Nê (Tân Lạc), An Bình (Lạc Thủy) từ tháng 3/2019 và tiếp tục gia hạn đến tháng 12/2025. Sau hơn 4 năm thực hiện, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Chương trình FFF II đã duy trì kết quả đáng khích lệ. Đó là nhờ sự kiên trì, nỗ lực cùng những giải pháp linh hoạt, kịp thời thích ứng với tình hình mới của các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh cũng như HVND, các THT, HTX tại các địa phương.

Khi tham gia Chương trình FFF II, các hoạt động của HVND bám sát vào mục tiêu giảm thiểu, thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp. Trong 4 năm, HND tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 cuộc hội thoại, tập huấn về giảm thiểu thích ứng với BĐKH; tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS); phối hợp xây dựng 9 mô hình trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu dưới tán rừng. Qua đó đã nâng cao nhận thức cho các THT, HTX về tác động của BĐKH đối với sản xuất nông, lâm nghiệp hiện nay và triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH.

Khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX cũng được tăng cường thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên. Thời gian qua, có 3 nhóm nòng cốt được thành lập tại 3 xã Đông Lai, Tử Nê, An Bình với 18 thành viên. Các nhóm xây dựng quy chế và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Thông qua các buổi thảo luận, hội nghị bàn tròn liên ngành, đa ngành, các cơ chế, chính sách liên quan tới THT, HTX được thúc đẩy thuận lợi hơn; năng lực quản lý THT, HTX được cải thiện, góp phần thêm tiếng nói, giải quyết khó khăn cho các THT, HTX, nông dân làm rừng và trang trại. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã giới thiệu các doanh nghiệp, ngân hàng cho HTX để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất; hỗ trợ các THT, HTX mang sản phẩm của mình giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Từ Chương trình FFF II, đến nay đã có 3 HTX được thành lập mới. HND tỉnh đã hỗ trợ 107 sản phẩm nông sản của HVND, trong đó có 86 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso. Công tác tiếp cận và dịch vụ văn hóa xã hội cũng được cải thiện bình đẳng. Hiện có 4 câu lạc bộ thể thao và 4 đội văn nghệ địa phương được thành lập, duy trì hiệu quả. Ngoài ra, có 1 THT và 3 HTX được Chương trình hỗ trợ xây dựng Quỹ tín dụng xanh nhằm tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận nguồn vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Chương trình FFF tập trung vào hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế và nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH cũng như thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao và góp phần tạo ra sự gắn kết cộng đồng. Từ nay đến hết tháng 12/2025, Chương trình FFF II tiếp tục triển khai các dự án nhỏ, các hoạt động với mục tiêu giúp các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX) trở thành nhân tố chính tạo ra sự thay đổi đối với khả năng chống chịu với BĐKH và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.


T.H

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục