LTS: Năm 2023 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sức mạnh đoàn kết, sự năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, KT-XH của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước thềm Xuân mới 2024, đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Hòa Bình cuộc phỏng vấn, chia sẻ về những nỗ lực, thành công; đồng thời nhận định về cơ hội, thách thức và quyết tâm của tỉnh trong năm mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.



Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

P.V: Thưa đồng chí, năm 2023 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết, thống nhất và tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, tỉnh ta đã hoàn thành 16/19 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Xin đồng chí cho biết những điểm sáng nổi bật trong bức tranh KT-XH tỉnh ta đã đạt được trong năm 2023?

Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH:Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Ở trong tỉnh, các tác động lâu dài của hậu dịch bệnh Covid-19 nên một số ngành, lĩnh vực hồi phục chậm; tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn. Thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất điện thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến sản lượng điện thương phẩm sản xuất trong năm giảm sút, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng DN trong tỉnh đã thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực vượt khó với nhiều giải pháp, nhiệm vụ đột phá được triển khai. Nhờ vậy, mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh không như kỳ vọng nhưng trong năm, tỉnh có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật nhất là việc tỉnh ta đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển tỉnh đến năm 2030 trở thành một tỉnh đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc; phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và quy hoạch 2 đô thị là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và 8 vùng huyện. Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực, đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới.

Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các dự án trọng điểm năm 2023, trong đó có nhiều dự án về giao thông kết nối vùng sẽ là động lực quan trọng để tỉnh phát triển. Năm 2023 cũng là một năm sôi động của hoạt động kinh tế đối ngoại, tỉnh ta đã tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại du lịch tại Thái Lan, Vương quốc Anh và Cộng hòa Mông Cổ, ngoài ra đã tham gia nhiều diễn đàn kinh tế, kết nối giao thương để thu hút đầu tư, tạo đà cho phát triển. Thông qua các hoạt động này không chỉ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh mà còn giúp quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, nông nghiệp đã phát huy được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Chúng ta đã xuất khẩu được nhiều mặt hàng nông sản như cam, bưởi, tinh bột nghệ, trà chanh đào mật ong, măng tươi chế biến sang các thị trường khó tính như EU và Châu Âu, Nhật Bản. Tín hiệu mừng là các sản phẩm xuất khẩu không còn mang tính chất chào hàng mà thực sự đã được thị trường quốc tế đón nhận.

Trong năm có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến hết năm 2023 trong toàn tỉnh là 80 xã (bằng 62% tổng số xã), số tiêu chí NTM trung bình đạt 16,2 tiêu chí/xã. Đến nay, toàn tỉnh có 28 xã NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu; có 158 sản phẩm OCOP. Chúng ta đã tổ chức Lễ hội cá, tôm Sông Đà tạo ấn tượng và sức lan tỏa tốt.

Tỉnh ta cũng đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong năm, tỉnh đã hoàn thành xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030. Tổ chức Lễ hội khai Hạ dân tộc Mường với quy mô cấp tỉnh, đồng thời đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đối với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường; tổ chức Liên hoan Làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Phiên chợ vùng cao; Hội diễn Nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình…

Hoạt động du lịch tiếp tục đà phục hồi, ước hết năm 2023, toàn tỉnh đón 3,8 triệu lượt khách du lịch, so với cùng kỳ năm trước tăng 21,5%, đạt 108,6% kế hoạch năm (trong đó, khách quốc tế ước đạt 450.000 lượt, khách nội địa ước 3,35 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,7%, đạt 102,6% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 34,8%; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện. Ước trong năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 37 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.600 tỷ đồng.

Công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, từ 12,29% xuống còn 9,79%; Lao động, việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2023 có khoảng 18.000 lao động được giải quyết việc làm, đạt 107,3% kế hoạch năm, trong đó có 850 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 283,3% kế hoạch năm.

P.V: Năm 2024 được coi là năm nước rút thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (NQĐH) XIII của Đảng, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự báo tình hình kinh tế tiếp tục có những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh ta đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 77,59 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,3 - 2,5%. Điều đó cho thấy tỉnh đặt quyết tâm chính trị rất cao trong năm 2024. Vậy, xin đồng chí cho biết tỉnh ta sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra?

Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH:Năm 2024 có thể nói là năm có tính chất quyết định hoàn thành các chỉ tiêu NQĐH Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tiếp tục được dự báo sẽ có những khó khăn, thử thách, song bên cạnh đó cũng có nhiều cơ hội khi tình hình kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Về mục tiêu năm 2024, tỉnh xác định: Triển khai thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động xúc tiến đầu tư; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN và nhà đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm QP-AN.

Để thực hiện mục tiêu, tỉnh ta xây dựng 10 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Một là: Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh, gồm: (1) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (3) Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư mở rộng đường Hoà Lạc - Hoà Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình); đường liên vùng: từ TP Hòa Bình đi Kim Bôi; đường kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia; đường quanh hồ Hòa Bình và nâng cấp cảng Thung Nai; Khu công nghiệp Yên Quang, Khu công nghiệp Nhuận Trạch…

Hai là: Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như: Đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; Đề án về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Đề án về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Đề án về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030.

Ba là: Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bốn là: Thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách; đặc biệt tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nguồn thu từ sử dụng đất, cũng như các nguồn thu khác đảm bảo kế hoạch giao.

Năm là: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển DN, thu hút đầu tư. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, DN, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Sáu là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; bảo đảm QP-AN, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

P.V: Để thực hiện thành công những mục tiêu, kế hoạch năm 2024, đồng chí có gửi gắm thông điệp gì đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh?

Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH:Năm Quý Mão đi qua, cánh cửa Xuân Giáp Thìn đã mở. Thời cơ, vận hội đối với tỉnh ta trong năm 2024 rất lớn, nhưng dự báo cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, cộng đồng DN, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh; đồng lòng, chung sức xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh và biền vững. Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi tới cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng DN đang làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí. Kính chúc đồng chí cùng gia đình một năm mới sức khỏe, an khang và hạnh phúc!

Đinh Hòa (TH)


Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục