Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng yêu cầu về nguồn gốc ôtô nhập khẩu không phải là một biện pháp hạn chế thương mại. Thứ trưởng Biên lấy ví dụ, hàng triệu xe Toyota bị thu hồi trên thế giới vì lỗi dính chân ga, nhưng ở Việt Nam thì Toyota Việt Nam bảo không có trách nhiệm vì không nhập còn DN nhập khẩu thì không có điều kiện sửa chữa.

 

Theo Thông tư 20 vừa được Bộ Công Thương ban hành, kể từ ngày 26/6 tới, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống ngoài việc thực hiện các qui định hiện hành sẽ phải nộp bổ sung một số giấy tờ thủ tục bắt buộc. Thông tư này ngay lập tức đã bị các nhà nhập khẩu ôtô không đồng thuận. Thậm chí họ còn triệu tập một cuộc "họp khẩn" tại Hà Nội vào ngày 24/5, trong đó ít nhất đã có 50 DN đồng loạt ký vào đơn phản đối thông tư trên và cho biết sẽ gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị xem xét lại thông tư trên.

Trước những quan điểm trái chiều liên quan đến việc thực hiện Thông tư 20, siết chặt các qui định về nhập khẩu ôtô từ 26/6, chiều 26/5, phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên.

Từ 26/6, chỉ có đại lý chính hãng của nhà sản xuất được nhập khẩu ô tô.

PV: Thưa Thứ trưởng, hiện các nhà nhập khẩu ôtô trong cả nước cho biết đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ về Thông tư 20. Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này?

TT Nguyễn Thành Biên: Hiện tôi chưa nhận được văn bản cũng như kiến nghị nào. Tuy nhiên, tôi khẳng định Bộ Công Thương không có biện pháp hạn chế thương mại, không đưa ra khống chế về số lượng xe nhập khẩu, cũng như các qui định trái với yêu cầu của WTO.

Chúng tôi chỉ đưa ra các yêu cầu làm lành mạnh hóa thị trường, tăng chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn giao thông. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu không phải chỉ Việt Nam đặt ra, mà các nước lớn trên thế giới đều có qui định, thậm chí rất ngặt nghèo.

Đơn cử hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường khác, nếu là gỗ họ yêu cầu phải làm rõ khai thác từ đâu, rừng tự nhiên hay rừng trồng, trồng bao giờ, có được phép khai thác không. Hay thủy sản thì nuôi ở ao, hồ nào; hoa quả cũng truy xuất trồng ở vườn nào, ai là chủ, có đảm bảo chất lượng không. Bởi vậy, những yêu cầu chúng ta đưa ra với ôtô nhập khẩu là rất "tối thiểu".

Chẳng qua chỉ là qui định lại cho chặt, bởi trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thực hiện 1 cách nghiêm túc. Tôi có thể lấy ví dụ, năm ngoái, hàng triệu xe Toyota bị thu hồi trên thế giới vì lỗi dính chân ga, nhưng ở Việt Nam thì sao.

Toyota Việt Nam bảo chúng tôi không chịu trách nhiệm, không bảo hành, sửa chữa gì xe đấy, vì họ không nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu thì không có điều kiện để sửa chữa, chỉ nhập khẩu thuần túy, có phương tiện bảo hành bảo dưỡng gì đâu. Vậy thử hỏi quyền lợi của khách hàng để đâu, ai chịu trách nhiệm về an toàn giao thông?

Ai muốn kinh doanh thì buộc phải đáp ứng những yêu cầu của nhà nước. Cái này đã nói rất rõ trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ có hiệu lực vào 1/7. Đối với các phương tiện sản xuất trong nước chúng ta đã áp dụng các qui định từ lâu, trong khi xe nhập khẩu lại chẳng có ai chịu trách nhiệm cả.

PV: Vậy hiện nay Bộ Công Thương đã có rà soát nào về năng lực và khả năng đáp ứng yêu cầu của các DN nhập khẩu ôtô trong nước chưa?

TT Nguyễn Thành Biên: Cứ cho rằng hiện chúng ta có 1.700 DN, mỗi năm nhập khẩu khoảng 30.000 xe. Như vậy mỗi năm mỗi DN nhập khẩu chưa đến 20 xe, mỗi tháng nhập khoảng 2 xe. Điều này chứng tỏ thị trường phát triển quá manh mún, hình như người ta không biết làm gì thì đi nhập khẩu. Với số lượng nhập khẩu ít ỏi như thế thì không nói lên điều gì về giải quyết công ăn việc làm, chỉ là mục đích thương mại thuần túy.

Các DN ra đời và tham gia thị trường quá nhiều với dung lượng thị trường rất vừa phải, thì sự điều tiết lại là cần thiết. Nên tiến tới giai đoạn có những nhà nhập khẩu có khả năng phân phối, bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, không chỉ sản phẩm mà còn dịch vụ hậu mãi.

Tôi cho rằng chúng ta nên sàng lọc, giảm bớt đầu mối nhưng tăng chất lượng dịch vụ, để nguồn gốc xe hợp pháp, rõ ràng, nhất là với mặt hàng không chỉ liên quan đến chính người sử dụng mà còn liên quan đến những người tham gia giao thông.

PV: Các DN cho rằng thủ tục thực hiện sẽ rất phức tạp. Vậy việc hướng dẫn họ sẽ được Bộ thực hiện như thế nào?

TT Nguyễn Thành Biên: Từ nay đến lúc thực hiện thông tư còn hơn 1 tháng, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn đối với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài. Còn đối với các thủ tục xin giấy chỉ định hoặc ủy quyền của nhà phân phối, nhà sản xuất sẽ có hướng dẫn DN. Đây chỉ là những thủ tục đơn giản trong các qui định thương mại. Cần phải có giấy chứng nhận chính hãng, vì nhà nước không khuyến khích bán những hàng hóa xách tay, không rõ nguồn gốc, không có bảo hành bảo dưỡng.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

                                           Theo CAND Online

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục