Tuyến đường tại trung tâm TT Đà Bắc (Đà Bắc) đang được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại.

Tuyến đường tại trung tâm TT Đà Bắc (Đà Bắc) đang được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại.

(HBĐT) - Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh, điểm xuất phát để phát triển KT- XH thấp. Có 11 xã (55%) thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đồng lòng nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bức tranh kinh tế của huyện đang từng ngày khởi sắc.

 

Lái xe Bùi Văn Thơ đưa chúng tôi về xã Vầy Nưa làm việc là người hay chuyện. Anh bảo, từ trung tâm huyện về Vầy Nưa chưa đầy 20 km, trước đây, mỗi lần xuống cơ sở làm việc, cán bộ huyện thường phải đi trọn một ngày đường mới tới nơi. Nhưng nay có đường nhựa chỉ “vù” chân ga ô tô khoảng nửa giờ là đến nơi. Từ khi tỉnh cho mở tuyến  đường này, ba xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình là Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong thuận lợi hơn trong đi lại và sản xuất. Có ô-tô của thương lái vào tận nơi thu mua nông sản nên bà con tập trung phát triển cây ngô, trồng luồng nuôi cá lồng trong hồ, cuộc sống ngày thêm khá dần lên. Bà con phấn khởi lắm! Vui chuyện, quãng đường về Vầy Nưa dường như ngắn lại. Tôi ngỡ ngàng khi đứng trước cơ ngơi khá bề thế, liên hoàn “ từ trụ sở làm việc của xã đến trường THCS, trường tiểu học rồi Điểm bưu điện văn hóa xã”. Bí thư Đảng ủy Bàn Văn Xuôi giãi bày:  Vầy Nưa là xã ĐBKK được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Hầu hết các công trình “đường- trường- trạm” của xã đều được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Vầy Nưa vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng công trình cấp điện vào dịp Quốc khánh 2 - 9 năm 2003. Từ ngày có công trình điện của Chủ tịch nước trao tặng, bản làng thêm sáng ấm tình người. Mọi người thường động viên nhau tích cực lao động sản xuất, chiến thắng đói nghèo xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2003 khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên thăm.

 

Cũng trong thời điểm này, cùng với việc đưa vào vận hành công trình cấp điện sinh hoạt cho xã Giáp Đắt, ngành điện lực Hòa Bình cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp 10KV lên 35KV bảo đảm cấp điện cho cụm xã vùng sâu Giáp Đắt- Mường Chiềng- Đồng Nghê. Tuyến đường giao thông 433 cũng được mở rộng và trải nhựa thông suốt từ thành phố Hòa Bình lên Đồng Nghê tạo thuận lợi cho sự giao lưu hàng hóa, đi lại của nhân dân. Lái xe Bùi Văn Thơ nói vui, câu ca dao “Bao giờ Giáp Đắt có kem/ Đồng Nghê có phở thì em có chồng” là lời than của những cô giáo miền xuôi khi lên đây dạy học đã lùi vào quá khứ bởi “đường - điện” đã thu hẹp khoảng cách giữa các xã vùng sâu với khu trung tâm huyện, nối thêm niềm vui mới để nhiều cô giáo chọn nơi này để xây tổ ấm hạnh phúc.   

   

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Sinh cho biết, Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh, điểm xuất phát, để phát triển KT- XH thấp. Không cam chịu đói nghèo, đồng bào trong huyện luôn sát cánh bên nhau vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nghị quyết Đảng bộ huyện Đà Bắc nhiệm kỳ 2010- 2015 tiếp tục xác định “tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản để ổn định cuộc sống của người dân, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện”. Các xã đều tập trung vào cây lương thực để lo đủ “cái ăn” tại chỗ, khắc phục tình trạng đói khi giáp hạt; mở rộng trồng rừng gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ; phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mỗi nơi lại có những bước đi phù hợp với thực tế. Xã Cao Sơn tập trung đều cả ba lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi để phát triển kinh tế của xã và từng hộ dân. Cả 650 ha đất ngô của xã đều được trồng bằng các giống ngô mới cho năng suất cao. Bình quân mỗi năm, toàn xã thu hoạch khoảng 7.000 tấn ngô hạt. Nếu tính cả lúa, ngô, bình quân lương thực đầu người ở Cao Sơn đạt 1.000 kg/người/năm thuộc diện cao nhất tỉnh. Nhờ có nguồn lương thực dồi dào nên chăn nuôi ở Cao Sơn phát triển mạnh. Đàn gia súc, gia cầm ở Cao Sơn thường xuyên duy trì khoảng 3000 con lợn, hơn 1000 con trâu, bò và hàng chục nghìn con gà đồi - một sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

  

Một nguyên nhân quan trọng tạo nên sự “đều tay” trong chỉ đạo, lãnh đạo ở địa phương này là các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều có quy chế làm việc nhằm phân công trách nhiệm cho từng thành viên, khắc phục tình trạng bao biện làm thay hay đùn đẩy trách nhiệm. Theo quy chế, hàng tháng, Thường trực Huyện ủy xuống làm việc trực tiếp với cơ sở. Kết quả từ những buổi làm việc ở cơ sở đã giúp cho tập thể lãnh đạo huyện có những quyết định đúng trong phát triển kinh tế. Ở chi bộ xóm, bản phân công đảng viên vận động quần chúng tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Đảng viên phải đi đầu làm gương cho mọi người noi theo. Trên thực tế đã xuất hiện nhiều gia đình đảng viên làm kinh tế giỏi, là “đầu tàu” thúc đẩy các phong trào ở xã. Đó là gia đình đảng viên Khương Mạnh Thu ở xã Cao Sơn nuôi lợn theo quy mô lớn với 16 con lợn mẹ, một con lợn đực để sản xuất giống nuôi lợn thịt. Tính bình quân từ 20- 30 ngày, anh Thu lại xuất một lứa lợn khoảng một tấn thịt lợn hơi, có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Con trai đầu của anh Thu, sau khi học xong cao đẳng thú y yên tâm ở lại nhà cùng chăm lo cho trang trại chăn nuôi của bố mẹ ngày càng phát triển. Đảng viên, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Viết Nga (64 tuổi đời và 40 năm tuổi Đảng) ở thị trấn Đà Bắc đang sở hữu gần 1ha cây keo và công ty TNHH Hùng Nga tạo việc làm cho 10 lao động là con của các CCB trong khu vực. Mới đây, ông Nga lại đầu tư hơn 100 triệu đồng để nuôi nhím. Các con (hai trai, một gái) của ông bà đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung học nghề và có việc làm ổn định; trong đó có hai người là đảng viên.

 

Từ những chủ trương trong các nghị quyết của cấp ủy đến sự gương mẫu đi trước của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã khơi thông nguồn lực trong dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%; mức thu nhập đạt khoảng 10 triệu đồng/ người/năm; 97% số hộ dân có điện sinh hoạt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng Nghị quyết với nông- lâm nghiệp chiếm 52,5%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ổn định.

  

Dẫu vậy, Đà Bắc vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đó là tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao (gần 54%) và hệ thống giao thông xuống cấp. Đà Bắc là huyện duy nhất ở tỉnh ta không có tuyến quốc lộ đi qua. Trong khi đó, tuyến đường 433 từ thành phố Hòa Bình lên Đồng Nghê chỉ cách huyện Phù Yên (Sơn La) khoảng 10 km. Vì vậy, địa phương rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư mở tiếp đoạn đường này để nối thông sang tỉnh bạn. Thay cho lời tạm biệt trước lúc chia tay, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Sinh khẳng định: Khi tuyến đường 433 cùng hệ thống đường liên xã thuộc cụm xã ĐBKK phía bắc huyện hoàn thiện sẽ tạo thêm động lực để Đà Bắc tiếp tục vươn lên cùng các huyện bạn trên con đường đi tới ấm no, hạnh phúc.

 

                                             Đặng Ngọc Oanh (TTV) 

 

 

Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Huyện Yên Thủy lan tỏa phong trào xây dựng vườn mẫu

Với sự hỗ trợ của huyện và sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, người dân…, thời gian qua, huyện Yên Thủy đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Thủy, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Đất thức Kim Bôi

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm, trong diện mạo vùng đất Kim Bôi thời điểm cán bộ và nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động. Cấp ủy, chính quyền đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm đột phá. Kim Bôi đã định hình được hướng phát triển, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng, cảnh quan thiên nhiên.

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục